- Thói thường những người lắm vợ nhiều con về cuối đời thường sống trông cô độc. Hắc công tử Trần Trinh Huy không thoát ra được cái qui luật muôn đời đó. Nhưng ...
Người vợ thứ 4
Ông lên Sài Gòn ở hẳn vào khoảng năm 1960. Lúc này ông đã già. Một mình ông suốt ngày thui thủi trong căn nhà đồ sộ trên đường Nguyễn Du. Một buổi sáng, ông đứng trên ban công nhìn bâng quơ xuống đường. Bỗng, từ xa xuất hiện một cô gái còn rất trẻ đang oằn lưng với gánh nước trên vai.
Tai vị trí của căn nhà này, nửa thế kỷ trước cậu ba Huy từ trên lầu nhìn xuống mê mẩn cô bé gánh nước thuê. |
Càng lúc cô bé càng đến gần. Lúc này ông ngắm rõ dung nhan. Gương mặt lem luốc, áo quần xốc xếch bẩn thỉu nhưng làn da cô thật trắng. Đôi môi thật mọng và đôi mắt rất đa tình ...
Hắc công tử xuống lầu. Ông đợi cô trở lại. Ông nhìn cô từ xa. Lúc này trên vai cô đôi thùng nước đã trống. Cô bước đi tung tăng. Ông càng nhìn càng say đắm bởi cô còn trẻ nhưng ẩn chứa một dung nhan thật đẹp. Một người như thế đó mà lam lũ thì uổng quá. Ông ngẩn ngơ ...
Thế rồi ông tìm hiểu. Thì ra cô bé đó là con gái của người thợ sửa xe đạp trước cổng công viên Tao Đàn. Sài Gòn vào những năm 1960 hệ thống nước thủy cục chưa phủ rộng khắp. Tai các khu dân cư thường có những phông tên (vòi nước công cộng) ai cũng có thể đến lấy nước. Các nhà giàu thường thuê người gánh. Cô bé con người thợ sửa xe hàng ngày đi gánh nước thuê cho các gia đình ở gần đó...
Công tử Bạc Liêu lần mò đến nhà ông thợ sửa xe. Đó là một túp lều nhỏ, cả một gia đình tá túc. Ông nhỏ nhẹ: "Em nó còn trẻ mà làm việc cực nhọc quá. Nếu ông bằng lòng gả em nó cho tôi, tôi sẽ tặng ông căn nhà tôi đang ở và giúp vốn ông làm ăn". Trước khi từ biệt, Hắc công tử để lại danh thiếp và một số tiền có giá trị khoảng một lượng vàng.
Ông thợ sửa xe hết sức bất ngờ. Nhìn tấm danh thiếp ông biết cậu Ba Huy, công tử Bạc Liêu, một người giàu có nổi tiếng lâu nay. Ông phân vân trước lời đề nghị rất thật lòng của công tử. Hơn nữa, cả đời ông có bao giờ dám mơ tưởng đến ngôi nhà lầu ấy. Nhìn lại con mình, cô con gái cả một đời lam lũ. Phải thay đổi cuộc sống thôi...
Hai ngày sau, công tử Bạc Liêu trở lại. Ông thợ sửa xe đã đồng ý gả cô con gái Nguyễn Thị Ba chưa đầy 20 tuổi về làm vợ công tử Bạc Liêu. Một tháng sau, đám cưới được diễn ra tại một nhà hàng sang trọng. Đám cưới xong, giữ đúng lời hứa ông chuyển ngôi nhà số 117 đường Nguyễn Du có giá trị hơn 1000 lượng vàng cho cha vợ. Ông và cô vợ trẻ kém ông 40 tuổi dắt nhau về hưởng hạnh phúc trong căn nhà trên đường Nhất Linh.
Cổng công viên Tao Đàn nơi cha vợ công tử Bạc Liêu sửa xe đạp. |
Cô Ba về làm vợ ông cho đến ngày ông ra đi tính ra được hơn 10 năm. Ông mất năm 74 tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều người đàn ông đã sức tàn lực kiệt nhưng công tử Bạc Liêu vẫn còn đủ khả năng cho ra đời thêm 4 đứa con : Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ.
Điều làm cho ông hài lòng nhất là cô Ba vẫn trọn một lòng với ông, lo toan cho ông chén cơm bát nước đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày ông mất đi, cô Ba vẫn ở vậy nuôi con cho đến khi chúng trưởng thành.
Tiền không mua được tình
Vào những năm cuối thập niên 1950 đầu 1960, Sài Gòn chưa có nhiều nhà hàng. Những nhà hàng có nhạc sống hát về đêm lại càng hiếm. Soái Kình Lâm là một nhà hàng trong số hiếm hoi ấy đang là tụ điểm ăn chơi của các đại gia thời bấy giờ.
Dạo ấy, Soái Kình Lâm vừa ký hợp đồng với một ca sĩ trẻ. Cô ca sĩ này có giọng ca rất đặc biệt. Mỗi khi cô trỗi lên một bản tình ca cả khán phòng im phăng phắc. Tiếng hát của cô đi vào tận đáy lòng người nghe.
Khán giả cũng hết sức ngất ngây trước nhan sắc trời cho của cô ca sĩ này. Trang điểm nhẹ nhưng nét đẹp rất quí phái. Mái tóc đen nhánh suôn mượt buông dài đến nửa lưng. Những đường cong rất chuẩn của cơ thể nàng khiến các chàng trai suýt xoa ...
Một đêm nọ, Hắc công tử và bạn bè kéo đến nhà hàng uống rượu. Chưa được nửa tiệc, cô ca sĩ trẻ xuất hiện. Lúc đầu, công tử Bạc Liêu không hề chú ý đến lời giới thiệu. Nhưng, khi tiếng hát bắt đầu cất lên, mọi người hướng mắt về sân khấu, cậu Ba Huy mới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tiếng hát hay quá. Con người xinh quá. Cậu Ba ngẩn ngơ ...
Màn trình diễn của cô ca sĩ vừa xong, cậu Ba Huy vẫy người hầu bàn đến. Nhét trong tay người hầu bàn một nắm tiền, cậu nói: "Anh đưa cho cô ca sĩ đó và nói có công tử Bạc Liêu muốn mời ly rượu làm quen".
Dõi mắt nhìn theo, cậu Ba Huy thấy cô ca sĩ chẳng màng đếm xỉa gì đến mình. Hắc công tử tự an ủi, chắc cô ta chưa hề nghe danh công tử Bạc Liêu.
Nhà hàng Soái Kình Lâm góc đường Phùng Hưng - Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) nơi Hắc công tử si mê cô ca sĩ trẻ. Nhà hàng này đã bị đập bỏ từ hơn 10 năm nay và hiện được rào kín bằng tôle. |
Đêm sau, đi một mình, cậu Ba Huy tìm gặp ngay chủ nhà hàng giao một xấp tiền với yêu cầu nói rõ cho cô ta biết công tử Bạc Liêu là ai và mời đến uống rượu làm quen. Chủ nhà hàng ra sức thuyết phục cô ca sĩ trẻ nên sau buổi trình diễn, cô ta đã đến chào công tử, uống một chén rượu rồi từ biệt ra về.
Đến lúc này thì vượt quá sức kiên nhẫn của công tử Bạc Liêu. Ông đề nghị bao nguyên nhà hàng chỉ cần dọn một bàn thật sang với đầy đủ cao lương mỹ vị để một mình công tử ngồi uống rượu thưởng thức giọng ca của cô ca sĩ.
Ông chủ nhà hàng toát mồ hôi nhỏ nhẹ nói: "thưa công tử bao trọn nhà hàng phải mất 100.000đ đó. Câu nói của ông chủ nhà hàng vừa dứt, công tử Bạc Liêu đặt ngay số tiền xuống bàn và yêu cầu thực hiện. Được biết, 100.000đ thời bấy giờ có giá trị gần 0,5kg vàng.
Sau đêm đó, cô ca sĩ cũng xuống bàn ngồi uống với công tử ly rượu rồi đứng dậy chào tạm biệt.
Suốt mấy đêm liền như thế, mặc dù công tử Bạc Liêu bỏ ra rất nhiều tiền với hi vọng mua đứt giong ca và làm chủ thân thể cô ca sĩ trẻ tuổi kia nhưng kết quả chỉ là con số không.
Có lẽ đây là lần đầu tiên công tử Bạc Liêu thất bại và cũng là lần đầu tiên để cho ông thấy rằng đồng tiền có thể mua được tất cả nhưng không thể mua được một con người.
Trần Chánh Nghĩa
(Còn nữa)