- Số phận CMND cũ và các giao dịch trước đó sẽ ra sao khi mã số mới có hiệu lực và tính bảo mật của hệ thống quản lý đến đâu khi gom tất cả vào một mối... là những băn khoăn của người dân xung quanh dự thảo cấp mã số định danh cá nhân.

Dự kiến, từ tháng 6/2013, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành cấp mã số định danh cá nhân theo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư.

Đến năm 2020, toàn bộ công dân quốc tịch Việt Nam sẽ được định danh bằng một mã số gồm 12 chữ số cũng chính là số CMND mới đang được Bộ Công an cấp thí điểm tại 4 quận, huyện của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên xung quanh đề án này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Tiết kiệm và hiệu quả

Cái được lớn nhất từ việc cấp mã số định danh chính là giúp công dân đơn giản hóa các loại giấy tờ. Mã số công dân đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, giúp cơ quan chức năng quản lý hành chính dễ dàng nhờ sự đồng bộ.

{keywords} 

Mã số định danh chính là số CMND mới đang được Bộ Công an cấp thí điểm tại Hà Nội

"Các loại giấy tờ, các thủ tục hành chính của mình quá rườm rà. Giờ có mã số n trong 1 như vậy thì quá tốt. Thà làm một lần còn hơn phải sửa và đổi liên tục nhưng không hiệu quả như hiện nay", bạn độc Huỳnh Đức Thắng nêu quan điểm.

"Nếu nhà nước mình làm được thế này thì tốt quá. Trẻ em sinh ra là có ngay số ID của mình, sau đó quy định số năm thay đổi thẻ để phù hợp với tình trạng cá nhân hiện tại. Rất hay. Tôi ủng hộ", độc giả Vũ Phương viết.

Đồng quan điểm, bạn đọc Long Nguyễn cho rằng Bộ Công an và Bộ Tư pháp nên phối hợp triển khai càng sớm, càng tốt.

"Khi có mã số cá nhân, người dân ra đường chỉ cần cầm theo 1 loại giấy tờ thay vì đủ loại như BHYT, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, ATM... như hiện nay. Rất thuận tiện", bạn đọc này viết.

Trong cuộc đời mỗi công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ, trong đó có các giấy tờ phổ biến như: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, CMND, hộ chiếu, thẻ mã số thuế cá nhân, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT, GPLX, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử...

Trên thực tế, việc cấp mã số định danh cá nhân không phải là vấn đề mới mà đã từng được đặt ra tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong dãy số 12 chữ số như CMND Bộ Công an đang triển khai, 6 số đầu là mã tỉnh/thành phố, năm sinh, giới tính theo giấy khai sinh. Kho số này đảm bảo tính ổn định lâu dài và không trùng lặp.

"Tôi rất ủng hộ chủ trương này. Thay vì một người có tới vài số CMND như hiện nay, họ sẽ có một mã số cố định theo mình đến hết đời. Đi đến đâu, cũng chỉ cần gõ số ID của mình vào hệ thống là ra toàn bộ thông tin. Các giấy tờ nhờ đó nhất quán, đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả", bạn đọc ở địa chỉ maitanthanh71@... chia sẻ.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ giúp công tác giải quyết thủ tục hành chính tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm.

Như hiện tại, chi phí cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện thủ tục hành chính khoảng 4.780 tỷ đồng/năm.

Lo ngại về tính bảo mật

"Không nên dồn tất cả vào một nơi, cũng giống như không ai cất tiền hết một chỗ, khi mất sẽ bị mất hết", bạn đọc Hùng Lê lo ngại việc dùng mã số cá nhân để thay thế hầu hết các loại giấy tờ cá nhân hiện tại.

Bạn đọc này phân tích rõ, chế tài và công tác quản lý thông tin ở Việt Nam chưa nghiêm, người dùng rất dễ bị mất thông tin cá nhân. Điển hình là việc dữ liệu cá nhân bị bán lại cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm, du lịch.... nhưng chưa thấy ai bị phạt hay đứng ra chịu trách nhiệm.

Do tồn tại những lỗ hổng trong quản lý, bạn đọc Mạnh Hưng quan ngại thông tin cá nhân có thể bị truy vấn tùy tiện, đôi khi có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu.

"Trong trường hợp bị hacker xâm nhập, xóa sạch dữ liệu, sau một đêm ngủ dậy bỗng nhiên thấy mình không còn là công dân", bạn đọc này lo ngại.

Do đó, theo đề xuất của nhiều bạn đọc, các ngành liên quan cần nghiên cứu thật kỹ trước khi áp dụng. Tránh tình trạng đi vào hoạt động rồi sửa tới sửa lui gây lãng phí và phiền toái cho người dân.

Điều thứ hai khiến dư luận băn khoăn chính là số phận của CMND cũ cũng như tính hợp pháp của những loại giấy tờ cũ khi có mã số cá nhân thay thế.

"Khi có mã số định danh mới, người dân vô cùng phiền phức khi phải đi thay đổi, cập nhật đủ loại giấy tờ. Thay vì tốn kém như vậy, song song với việc cấp mã mới, cơ quan chức năng nên cấp kèm luôn bản xác nhận số cũ để khi cần người dân có thể trình ra", bạn đọc Lan Nguyễn nêu quan điểm.

Ngoài ra, một số bạn đọc lo ngại, việc cấp mã số định danh cá nhân có thể nảy sinh tiêu cực, tái diễn tình trạng mua số đẹp theo mình suốt đời giống như mua biển số.

Một điểm gây tranh cãi khác được nhiều người chỉ ra, CMND mới do Bộ Công an đang cấp yêu cầu phải ghi tên cha mẹ. Quy định này khiến dư luận phản ứng khá gay gắt, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) cũng chỉ ra quy định này trái với Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

"Trong trường hợp cấp mã số định danh, cơ quan chức năng có nên xem xét bỏ ghi tên cha mẹ và thay vào đó là nhóm máu hay ADN hay không?", bạn đọc ở địa chỉ Demo0713@... nêu câu hỏi.

Đ.Tâm (tổng hợp)

Các tin liên quan

'Gom cả cuộc đời vào mã số': Nên hay không?