Luật Căn cước công dân 2014 nêu rõ, số định danh cá nhân chính là số căn cước công dân của công dân, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong khi đó, mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.
Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật Quản lý thuế, khi mọi công dân có mã số định danh cá nhân, thì có thể sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế. Do đó, trong tương lai gần, mã số định danh cá nhân sẽ được sử dụng thay cho mã số thuế.
Ngoài việc được dùng thay thế mã số thuế, mã số định danh cá nhân cũng sẽ được dùng thay cho bản sao các giấy tờ tùy thân khi người dân đi làm các thủ tục về nhà ở, kinh doanh bất động sản. Cụ thể, khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định: Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, chỉ sử dụng thay nếu đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP).
Anh Tuấn