- Buổi lễ xong lúc 9h thì đến 10h thành phố đó nhận được thông tin có 36 cháu học sinh ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân sau đó được làm rõ, do người bốc bún bán hàng ăn cho các cháu bị chín mé, trên tay có tụ cầu trùng vàng.

“Trong quá trình đi kiểm tra, giám sát và khám sức khỏe để sàng lọc, cơ quan y tế đã phát hiện rất nhiều trường hợp người đang bán hàng ăn bị mắc các bệnh truyền nhiễm, ví dụ bệnh lao tiến triển. Nếu không đi khám, người ta không thể biết mình mắc bệnh. Nếu bị lao tiến triển thì đó là nguồn lây bệnh cho cả cộng đồng”.

Sáng 23/1, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã có buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi một số thông tin liên quan đến thông tư 30 về quản lý thức ăn đường phố vừa có hiệu lực vào ngày 20/1 vừa qua.

Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh truyền nhiễm bị cấm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

“Ổ bệnh” từ thức ăn đường phố

“Ổ bệnh” trong thức ăn đường phố không chỉ đến từ việc nguồn gốc nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, chế biến mất vệ sinh, bảo quản kém mà còn đến từ người bán hàng – nhất là khi họ mang mầm bệnh trong người, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.

 

Thức ăn nấu chín bày la liệt trên bàn, không phương tiện che chắn, ruồi muỗi bâu đầy nhưng vẫn hút khách.

Ông Phong nhắc lại một sự cố tương tự khác: Cách đây không lâu, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành vừa đến một thành phố để phát động tháng hành động vì chất lượng ATVSTP.

Buổi lễ xong lúc 9h thì đến 10h thành phố đó nhận được thông tin có 36 cháu học sinh ngộ độc thực phẩm. Điều tra nguyên nhân cho thấy, người bốc bún bán hàng ăn cho các cháu bị chín mé, trên tay có tụ cầu trùng vàng. Đây chính là tác nhân gây ngộ độc hàng loạt.

“Nói thế để thấy việc khám sức khỏe đối với người kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố là tối quan trọng”, ông Phong nhấn mạnh.

Điều này đã được đưa vào trong thông tư mới được ban hành, theo đó, người bán thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. Ngoài ra, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn kiến thức về ATVSTP.

Theo ông Phong, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thì các quy định này sẽ được miễn phí. Địa điểm đăng ký khám sức khỏe và tập huấn là các cơ sở y tế xã/phường/thị trấn.

Tuy nhiên, cái khó là người bán hàng rong, thức ăn đường phố rất phân tán, nay đây mai đó. Cơ quan quản lý cũng chưa thể đưa ra phương án cụ thể để hiện thực hóa điều này, ông Phong cho hay.

Người tiêu dùng phải từ chối quán ăn bẩn

Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì sở dĩ thức ăn đường phố rất mất vệ sinh nhưng vẫn có “đất sống” là vì người dân vẫn “vô tư” sử dụng.

"Người tiêu dùng phải từ chối quán ăn bẩn thì người bán sẽ phải cải thiện tình trạng vệ sinh hàng quán", ông Trung nhấn mạnh.

 

Chất lượng thức ăn đường phố đang ở mức báo động .

Hiện nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phong, có những quy định thực hiện vừa dễ vừa không tốn kém lớn, như: thực phẩm phải để cách mặt đất tối thiểu 60 cm; phải có dụng cụ chứa chất thải; đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi tiếp xúc thức ăn; thức ăn sống-chín phải để riêng và để trong lồng kính; không ngồi cạnh cống rãnh, nơi ô nhiễm; vv …

“Thời gian trước đây, khi Hà Nội có dịch tiêu chảy cấp, cơ quan chức năng đã mua hàng ngàn chiếc găng tay (dùng một lần) phát miễn phí cho người bán thức ăn đường phố nhưng họ cũng không sử dụng.

"Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ quy định khó thực hiện mà là nhận thức, thói quen của người bán hàng", ông Phong chỉ rõ.

Ông Trung cũng bày tỏ quan điểm, hiện nay có hàng ngàn người kiếm sống nhờ buôn bán, kinh doanh thức ăn đường phố. Nhưng không phải vì thế mà không siết chặt quản lý, thậm chí hi sinh quyền lợi của một nhóm nhỏ để bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng.

Vẫn “bùng nhùng” trong thực hiện

Quản lý thức ăn đường phố hiện rất cấp thiết. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ thực hiện sẽ thế nào.

Theo quy định, thẩm quyền quản lý thức ăn đường phố thuộc về chính quyền địa phương. Điều khiến dư luận băn khoăn nhất ngoài việc đăng ký khám sức khỏe và tập huấn (như đã nói ở trên) là khâu thanh tra, kiểm tra sẽ thế nào để thông tư này thực sự phát huy hiệu quả.

Chính cơ quan soạn thảo và ban hành thông tư này cũng chưa thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi làm thế nào để triển khai hiệu quả thông tư trên.

 

 

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” của VTV cách đây hai tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, không cấm kinh doanh thức ăn đường phố, nhưng nếu cứ buông lỏng thế này thì không biết sẽ đi về đâu, khi mà một xô nước rửa hàng trăm cái bát, thức ăn để cạnh cống rãnh, chỗ ngồi bụi bặm.

“Về lâu dài ngành y tế muốn xây dựng đề án “Bữa ăn an toàn”. Vì an toàn thực phẩm là 1 quá trình (từ nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, phân phối, chế biến,…) nhưng cái đích là phải an toàn. Ăn là phải an toàn, ăn vào phải để cho cơ thể khỏe mạnh, không mắc bệnh trước mắt và không mắc bệnh mãn tính lâu dài”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.


Cẩm Quyên