Đại diện Đội Quản lý thị trường số 8 (Hà Nội) cho biết: Ngay sau dịch Covid-19, cơ quan này đã ra quân kiểm tra các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).

Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt chủ ki ốt bán hàng không hóa đơn, chứng từ, trong đó có nhiều loại quần áo, chống nắng nghi bị làm giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của hàng loạt các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.

Ông Trương Bình Minh, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: Qua kiểm tra thực tế, tại một số điểm, ki ốt, đã phát hiện một số chủ đại lý kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ như các hãng Chanel, Gucci, Elvis và các mặt hàng trong nước như áo chống nắng Laroma...

{keywords}
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều áo chống nắng bị làm giả.

Trước thông tin phát hiện hàng loạt áo chống nắng thương hiệu Laroma không có hóa đơn chứng từ, nghi bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Marketing của công ty thời trang Laroma xác nhận: Các sản phẩm bày bán tại chợ Ninh Hiệp được cơ quan chức năng đưa ra nhận diện đều là hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của Laroma.

Theo ông Ngọc, thời gian qua, sau khi sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường và có niềm tin người tiêu dùng, chúng tôi đã ghi nhận hàng loạt phản ánh của khách hàng về sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chức năng để làm rõ các loại sản phẩm, doanh nghiệp làm giả thương hiệu của chúng tôi để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và người tiêu dùng.

"Thời gian qua, chúng tôi nỗ lực trình báo với các cơ quan chức năng giúp doanh nghiệp xử lý các đối tượng sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người dân.

"Tem mác của các loại áo chống nắng làm giả rất sơ sài, không có tem chống hàng giả, mã QR Code để khách hàng xác thực nguồn gốc sản phẩm. Quan sát bằng mắt thường, hàng áo chống nắng chính hiệu của Laroma dày hơn, có bao bì in mã QR Code và có kèm theo giấy chứng nhận chống tia tử ngoại (UPF50+) ở mức cao nhất của Viện dệt may kiểm nghiệm đi kèm, còn các sản phẩm hàng giả không có", ông Ngọc cho biết kinh nghiệm khi chọn mua hàng.

Ngoài ra, nếu mua quần áo chống nắng, người tiêu dùng nên quan tâm đến các loại tem nhãn phụ ghi thành phần, hàng xuất xứ, sử dụng công nghệ gì... Ở sản phẩm chính hãng của Laroma, các thông tin đều có trên các tem hoặc khi xác thực mã QR Code sản phẩm, còn các loại áo chống nắng nhái, hàng giả đều không có, thậm chí trên áo là thương hiệu Laroma, nhưng dưới thông tin lại ghi là hàng của UNIQLO.

Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ: "Chủ yếu các mặt hàng không có hóa đơn chứng từ do trong nước gia công, sản xuất tại các địa phương như Phúc Thọ (Hà Nội) hay Bắc Ninh. Số hàng này được ký gửi đến các đại lý, ki ốt của chợ đầu mối Ninh Hiệp, sau đó bán buôn, bán lẻ đi khắp nơi".

Ông Trương Bình Minh cho biết: "Bước đầu chúng tôi xác định các mặt hàng không hóa đơn, chứng từ là vi phạm về quy định cam kết kinh doanh. Qua liên hệ với các thương hiệu của sản phẩm, bước đầu xác định đây là các loại hàng bị làm giả hết sức sơ sài, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, nếu các ki ốt, quầy hàng tiếp tục vi phạm, quản lý thị trường sẽ tổ chức thu giữ và xử phạt nghiêm minh".

Thực tế, áo chống nắng là thị trường ngách của ngành dệt may và rất ít được người tiêu dùng quan tâm bởi số người sử dụng chủ yếu là chị em phụ nữ, áo mặc đi đường nên rất ít người mua quan tâm đến chất lượng, tiêu chuẩn và thương hiệu.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư dây truyền công nghệ và thiết kế sản phẩm để đưa ra thị trường và được đón nhận. Dù thị trường mới nhen nhóm và các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc áo chống nắng mới đạt hiệu quả kinh doanh bước đầu song nhìn thấy lợi nhuận, các cơ sở sản xuất gia công đã tranh thủ dùng mọi thủ đoạn để làm giả, trục lợi bất chính.

"Hầu hết các sản phẩm may gia công hàng chống nắng có thiết kế sơ sài, mang thương hiệu chính hãng, nhưng đều được cắt bỏ các chi tiết nhận biết thương hiệu. Thậm chí một sản phẩm áo chống nắng của thương hiệu này, nhưng lại có cả mác của thương hiệu khác", đại diện đội quản lý thị trường số 8 tại Hà Nội.

Hà Duy 

Hàng lậu, hàng giả tràn ngập sàn thương mại điện tử

Hàng lậu, hàng giả tràn ngập sàn thương mại điện tử

Hiện nay, không thể phủ nhận rằng nhờ các trang thương mại điện tử mà việc mua bán trở nên thuận lợi hơn, bởi chỉ cần một cú click chuột thì “cái gì cũng có”.