{keywords}
Ảnh minh hoạ: Thiên Ân 

Người dân thường quan niệm Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường làm cỗ rất to. Nhưng theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng mỗi gia đình lại khác nhau, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm.

Theo bà, các gia đình không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mà có thể dâng cúng đĩa xôi gấc, bánh chưng cùng với một khoanh giò trên ban thờ gia tiên, mong một năm làm ăn thuận lợi, mọi sự hanh thông.

Còn nếu muốn chuẩn bị đầy đủ hơn thì món quan trọng nhất là gà trống.

Khi chọn gà cần chọn gà mã đẹp, mào cờ tức là mào to và đỏ chót, gà phải là gà chưa đạp mái (gà trống hoa) hoặc gà trống thiến với ý nghĩa khỏe mạnh và tinh khiết, có lông màu lửa, đuôi đẹp, ức vươn lên, cựa mới nhú, lườn không nhọn để khi luộc lên con gà sẽ có tướng đẹp. 

Ngoài ra, thường có 2 mâm cỗ là mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng Phật gồm:

- Hoa quả

- Chè xôi

- Các món đậu

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu

- Bánh trôi nước

Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên:

Ngoài các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng gia tiên.

Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, gồm có:

- Bát canh măng

- Bát bóng bì

- Bát canh miến

- Bát canh mọc

- Đĩa thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn)

- Đĩa giò (hoặc chả)

- Đĩa nem

- Đĩa xào

- Đĩa dưa muối

- Đĩa xôi (hoặc bánh chưng)

Các bà nội trợ cũng có thể tùy nghi biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình. 

Người làm cỗ có thể làm các món có tính mát, dễ ăn, sau khoảng thời gian bổ sung quá nhiều bánh chưng, giò chả, đồ xào mỡ dịp Tết Nguyên đán, ví dụ như các món cá hấp, cá nấu riêu kèm thêm rau sống. 

Đăng Dương