Lý do là vì khi thực hiện cách ly toàn xã hội, phòng chống dịch Covid-19, hoạt động vận tải, nhất là các tuyến xe khách đi các huyện, các tỉnh, thành phố trong cả nước tạm dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ mận khó khăn, bà con thất thu. Đời sống của nhiều hộ nông dân bỗng lâm cảnh khó khăn, rất cần được Chính phủ quan tâm hỗ trợ về an sinh xã hội.

Mấy ngày nay dù vườn mận đã chín đỏ cây nhưng gia đình chị Tòng Thị Hoàn ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La vẫn không buồn hái bởi không biết bán cho ai. Chị Hoàn cho biết, năm nay do hạn hán kéo dài nên quả mận bé, thu hoạch lại đúng lúc hoạt động xe khách, xe buýt trên địa bàn tạm ngừng hoạt động nên không có người mua.

Có mua thì mận bé thế này cũng chỉ bán được 1.000 -2.000 đồng/kg. Như năm trước, quả mận cũng vậy nhưng xe tải vào tận nhà thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cả vườn mận cũng thu được gần 70 triệu đồng, còn năm nay chưa thu nổi 2 triệu đồng.

{keywords}
Nhiều diện tích mận tam hoa đã chín đỏ nhưng không có người mua.

"Đi bán ở chợ thì có ngày thì cũng bán được 1.000 đồng/kg, tư thương thì họ vào bản mua rất là ít. Có lúc đi bán thì họ đủ hàng rồi họ không lấy nữa lại phải mang về nhà, một là đổ đi làm phân, hai là cho trâu, bò ăn. Như nhà tôi năm nay cũng chưa bán nổi 5 tạ mận, trong khi ở vườn thì còn khoảng 5 - 6 tấn quả chưa hái được mà cũng đang rụng đầy gốc" - chị Hoàn nói.

Anh Tòng Văn Inh ở xã Chiềng Cọ cho biết, mọi năm thường đến cuối tháng 4 mận tam hoa mới chín đỏ, riêng năm nay mới đầu tháng mà mận đã chín rụng đầy gốc. Trong khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải chưa hoạt động trở lại, khó khăn là điều hiển hiện trước mắt. Để cứu vãn kinh tế cho gia đình, anh Inh đang tập trung thuê nhân công lựa chọn, thu hái những cây có quả to, đẹp, còn vườn nào quả bé quá đành bỏ.

"Như mận tam hoa sô bây giờ ở đây chỉ khoảng 6.000 -7.000 đồng/kg, nhưng mọi năm thì phải 12.000 đồng/kg bởi vì thông xe được. Hiện tại nếu muốn chuyển hàng lên Lào Cai thì phải gửi về Hà Nội xong mới lên được Lào Cai. Chuyển mận đi các tỉnh khó khăn thế, còn đi các huyện trong tỉnh thì xe buýt không chạy mà mọi người cũng không ra ngoài nhiều nên cũng không mua" - anh Inh nói.

{keywords}
Mận rụng đầy gốc, hàng trăm gia đình gặp khó khăn vì không bán được.

Xã Chiềng Cọ có diện tích mận tam hoa lớn nhất thành phố Sơn La với gần 300 ha, sản lượng trung bình hàng năm đạt 1.200 tấn. Ông Cà Văn Danh, Chủ tịch xã Chiềng Cọ cho hay, mọi năm mận tam hoa bán rất đắt hàng, loại bình thường cũng có giá bán ổn định từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Năm nay, do thời tiết hạn hán kéo dài nên quả mận bé, cộng thêm bị mưa đá nên sản lượng mận tam hoa của xã chỉ được khoảng 600 tấn, giá lại thấp, chỉ tử 2.000 – 5.000 đồng/kg, mận khác giá 1.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng có người mua.

“Chính vì thế mà ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân vì vậy bà con cũng mong muốn các cấp, các ngành cũng như Chính phủ quan tâm hỗ trợ đời sống cho bà con khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khan. Trong khi giá cả thực phẩm thị trường vẫn cao, mà sản phẩm nông nghiệp làm ra lại không bán được, đời sống người dân khó khăn” - ông Danh cho biết.

Với người trồng mận, nếu bán được với giá trung bình 6.000 đồng/kg coi như chẳng có lãi so với chi phí bỏ ra chăm sóc. Thế nhưng đang trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và kiểm soát chặt chẽ số người ra vào tỉnh Sơn La thì lúc này việc “giải cứu” hàng trăm tấn mận dù giá rẻ như cho cũng không thể thực hiện.

Mận chín đỏ cây nhưng bà con lại lo đói! Những khó khăn chồng chất của người trồng mận ở Sơn La rất cần được các cấp, ngành của tỉnh và Chính phủ quan tâm hỗ trợ về an sinh xã hội để người dân vượt qua mùa dịch này.

(Theo VOV)