Bánh trà cổ được lên men từ loại trà này, thực sự được coi là “báu vật” bởi càng để lâu, giá trị và phẩm trà càng tăng.
Sau hơn 4 năm thai nghén, sản phẩm bánh trà shan tuyết chính thức được đưa ra thị trường năm 2019. Có mặt tại Hội chợ nông sản vùng miền (tổ chức tại Hà Nội thời điểm đầu tháng 12/2020), bộ bánh Trà Cổ Shan tuyết in hình 12 con giáp thực sự thu hút giới sành trà.
Bộ sản phẩm bánh trà cổ 12 con giáp được sản xuất theo đơn đặt hàng từ trước. |
Người Việt, từ hơn thế kỷ trước đã biết gia công trà ép bánh theo hướng dẫn của các nhà sản xuất trà từ Vân Nam. Qua hơn trăm năm, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu trà ép bánh thuần Việt, dù nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ ở Việt Nam đứng ngôi đầu thế giới về số lượng lẫn chất lượng.
Người làm trà Việt vẫn tiếp tục gia công, sản xuất nguyên liệu thô xuất đi Đài Loan, Trung Quốc… phục vụ doanh nghiệp làm trà ép bánh cao cấp ở bên ngoài.
Bánh trà 100% là nguyên liệu từ cây trà cổ thụ 500 năm tuổi. |
Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ ở Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang mà người làm trà trên vùng núi cao này đã nghiên cứu, khảo sát thị trường trong – ngoài nước, cho ra sản phẩm trà ép bánh đầu tiên do người Việt làm chủ công đoạn sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Nếu là trà thường (các loại trà xanh, hồng trà…) để qua thời gian phẩm trà sẽ đi xuống do hết hạn sử dụng, hoặc lưu trữ không trong điều kiện tốt, nhưng với trà shan tuyết khi được ép bánh càng để lâu, giá trị và phẩm trà càng tăng. Đó là sự khác biệt.
Trà ép bánh Shan tuyết là sản phẩm thuần Việt, không chỉ để sử dụng phổ thông, mà còn dùng làm vật trang trí không gian nội thất, để chơi, để sưu tầm, như một cách đầu tư và tích lũy cho tương lai |
Do đặc tính trà cổ thụ có nội chất mạnh, được thu hái theo quy cách (thường là một tôm hai lá), sơ chế, lên men, khi đem ép bánh chặt sẽ hạn chế tiếp xúc không khí, độ ẩm, nhiệt độ từ bên ngoài. Trà được ép chặt, nhưng nội chất vẫn tiếp tục chuyển biến, lên men chậm theo thời gian (ép càng chặt, độ biến chuyển càng chậm, càng tốt để lưu giữ lâu năm), hàm lượng khoáng chất trong trà như axit amin, các loại vitamin, độ ngọt umami càng biến chuyển dày và phong phú hơn. Chất chát (tanin) trong trà ép bánh qua thời gian trở nên dịu thắm, dậy mùi hương tươi của trà xanh cổ thụ, hương hoa lan. Càng để lâu, hương tươi mới trong bánh trà biến chuyển dần sang mùi hoa quả chín, hương mật ngọt, giá trị thị trường và dược tính càng tăng cao, được ví là một loại “thuốc tiên” hợp mọi độ tuổi.
Trà shan tuyết khi pha, sẽ hãm được hơn 10 lần nước, tùy khẩu vị đậm – nhạt |
Nói thêm về sản phẩm này, chị Đặng Thị Hiền – đại diện gian hàng Hợp tác xã chè Tà Xùa cho biết, sản phẩm bánh trà cổ được nhiều người sành trà đặt hàng dùng làm quà biếu tặng cho dịp Tết nguyên đán. Mỗi bánh trà tương đương hơn 7 kg trà khô nguyên liệu.
Theo người dân bản địa, đến nay giống trà Shan Tuyết cổ thụ chỉ tồn tại số lượng rất ít, nên loại trà này được giới sành trà trân quý nhất nhì. |
Để “ra lò”, mỗi bánh trà cần trải qua quá trình từ 3 đến 6 tháng để ủ và lên men sản phẩm, sau đó tiến hành ép bánh.
Sau khi hoàn thiện, bánh trà có giá tương đương từ hơn 2 triệu đến 3 triệu đồng/kg.
Nguyên liệu sản sản xuất loại trà này là trà xanh, trà đen, được lên men 100%, trà vàng được lên men từ 15 đến 85%. Cũng chính vì độ lên men giới hạn như vậy nên bánh trà được chia làm hai loại trà, đó là trà chín và trà sống.
Bánh trà khi "ra lò" có thể để từ 5 đến 10 năm, thậm chí tới vài chục năm |
Khi ép bánh, tác động của môi trường tới trà ít đi, ngược lại nội chất sinh ra bên trong bánh trà trong quá trình ép bánh, lên men theo thời gian nên chất dinh dưỡng lại càng nhiều, bánh trà sẽ càng quý hơn.
Sản phẩm trà ép bánh khi “ra lò” có thể để từ 5 tới 10 năm; với bánh trà sống thậm chí có thể để tới vài chục năm mà vẫn đảm bảo chất lượng. “Giá trị của nó có thể tích lũy theo thời gian” – chị Hiền cho hay.
Được biết, các sản phẩm bánh trà đều đã qua kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm, và được các nghệ nhân sành trà đánh giá cao.
(Theo Dân Việt)