Gapo và Lotus là 2 mạng xã hội Việt đình đám ra mắt trong năm 2019, với mức đầu tư dự kiến từ 500-1.200 tỷ đồng. |
Năm 2019, các mạng xã hội Việt Nam đã có 73 triệu người dùng
Theo báo cáo tổng kết Bộ TT&TT, trong năm 2019, tổng số người Việt Nam dùng mạng xã hội trong nước vào khoảng 73 triệu người dùng, thấp hơn khoảng 7 triệu người dùng so với mạng xã hội nước ngoài. Trong đó, Zalo có khoảng 51,9 người dùng, Mocha khoảng 8,7 triệu, Gapo khoảng 2,62 triệu, các mạng xã hội khác khoảng 10 triệu người dùng.
Năm 2019 đã chứng kiến sự ra đời của 2 mạng xã hội Việt là Gapo (ra mắt ngày 23/7) và Lotus (ngày 16/9) trong sự hoài nghi của nhiều người sử dụng, dù những mạng xã hội nội này đều được cam kết đầu tư khủng, với Lotus là 1.200 tỷ, còn Gapo là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi Gapo đã công bố cột mốc 3 triệu người dùng thì Lotus đến thời điểm này vẫn im hơi lặng tiếng.
Chia sẻ về lý do ra đời, đại diện của cả Gapo và Lotus đều cho rằng, họ không cạnh tranh trực tiếp với Facebook mà chỉ “đánh trúng” những nhu cầu mà mạng xã hội lớn nhất thế giới chưa đáp ứng được cho người dùng. Cụ thể, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VC Corp, đơn vị phát triển Lotus cho rằng, các mạng xã hội ở Việt Nam hiện chưa chuyên nghiệp, ít cảm xúc, nặng về đọc, các nội dung "kén khách" chưa có đất sống. Từ đó, Lotus sẽ tạo ra các concept, ý tưởng sản phẩm tốt và đúng để đáp ứng nhu cầu của người dùng thông qua việc hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 8/11/2019, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định nếu không phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam sẽ rất khó nói tới việc tự chủ nền kinh tế. Đến năm 2020, số lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam sẽ chiếm khoảng 90 triệu, tương đương các mạng xã hội nước ngoài. Lý giải cho mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì… đều xuất hiện trên mạng xã hội. Do đó, nếu Việt Nam có không gian riêng, mỗi người sẽ dùng vài mạng xã hội, phân tán dữ liệu và tạo ra sự an toàn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mạng xã hội đã xuất hiện được 15 năm và quy luật cho thấy cứ sau 15 năm là sẽ có nhu cầu mới trên không gian mới. Các mạng xã hội mới có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt như công khai thuật toán, 90% giá trị thu được chia sẻ cho người dùng, cam kết có bộ lọc thông tin xấu độc. Các mạng xã hội mới hiện giờ có cách phát triển cộng đồng riêng, mang tính văn hoá, tạo ra không gian cho riêng mình.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. Các mạng xã hội Việt Nam sẽ song song tồn tại với điều kiện các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp như các mạng trong nước.
Gapo đặt tham vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 50 triệu người dùng, |
Cần có cơ chế công bằng giữa mạng xã hội nội và ngoại
Trong bài tham luận gửi Bộ TT&TT trong Hội nghị Tổng kết ngành năm 2019 và định hướng năm 2020, đại diện mạng xã hội Gapo cho biết, sau 5 tháng ra mắt, Gapo đã có gần 3 triệu người dùng, 1 triệu người sử dụng hàng tháng với tốc độ tăng trưởng trung bình 35%. Dù con số này cho thấy những tín hiệu tích cực, nhưng Gapo đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc người dùng chưa tin tưởng sản phẩm là một mạng xã hội của người Việt cũng như chưa tin tưởng sản phẩm do người Việt làm ra sẽ thành công. Khó khăn tiếp theo, đại diện Gapo cho rằng, đến từ việc Gapo và các mạng xã hội khác đều là những sản phẩm mới, cần thời gian và nhân lực để hoàn thiện. Điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các mạng xã hội nội với đối thủ nước ngoài đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Gapo khẳng định, các mạng xã hội Việt cũng có không ít lợi thế như việc thấu hiểu, có khả năng tuỳ biến công nghệ, nội dung phù hợp với người Việt hay đảm bảo an toàn dữ liệu khi hệ thống máy chủ được đặt tại Việt Nam nên dễ dàng xử lý khi có phát sinh. “Sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nền móng tư tưởng kiên định để phát triển mạng xã hội nội địa”, đại diện Gapo nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, theo đại diện Gapo, với khoảng 57% tổng dân số sử dụng mạng xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể khuyến khích người dân tham gia vào Chính phủ điện tử thông qua các mạng xã hội. “Tôi mong rằng cơ quan quản lý cần có cơ chế tạo điều kiện hơn nữa để mạng xã hội trong nước có đủ điều kiện cạnh tranh với mạng nước ngoài, nhất là các chủ trương khuyến khích người Việt dùng mạng xã hội trong nước”, đại diện Gapo chia sẻ.
Đối với cơ chế quản lý hoạt động mạng xã hội, các nhà mạng viễn thông đã triển khai định danh số điện thoại người dùng chặt chẽ, vì vậy Gapo mong rằng sẽ có cơ chế thông thoáng hơn cho khâu đăng ký tại Việt Nam để tránh việc định danh lại nhiều lần gây khó khăn cho người dùng.
Cuối cùng, đại diện Gapo mong cơ quan quản lý hoàn thiện những quy định pháp luật về khung hành lang pháp lý với dịch vụ thông tin điện tử trên mạng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa mạng xã hội trong và ngoài nước. Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là những quy định hiện tại chưa thể đảm bảo việc quản lý hoạt động của các mạng xã hội nước ngoài. “Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý có quy định chặt chẽ để đảm bảo các mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ đầy đủ các điều kiện, thủ tục tương đương như các mạng xã hội trong nước, nhằm đảm bảo sân chơi cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ”, đại diện Gapo kết luận.