Duy trì một danh mục đầu tư nhỏ, tăng thời gian bán sản phẩm để đàm phán giảm giá linh kiện từ chuỗi cung ứng...là hai chính sách giúp Xiaomi có thể tạo ra những chiếc smartphone có cấu hình cao nhưng giá bán rẻ.

Có thể nói Xiaomi đang là cái tên được giới truyền thông nói đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, nhờ những thành công vang dội mà startup đến từ Trung Quốc này có được. Xiaomi đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, startup có giá trị lớn nhất hiện nay với khoảng 45 tỷ USD, vượt Samsung để trở thành công ty smartphone hàng đầu tại Trung Quốc...

{keywords}
Smartphone của Xiaomi thường rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ.

Thành công của Xiaomi, không có gì để khó nhận ra, đến từ chính sách bán smartphone có cấu hình cao với giá rẻ. Dòng điện thoại Mi cao cấp của hãng trước đây có giá khoảng 300 USD, còn chiếc Mi Note Pro mới được giới thiệu cũng chỉ hơn 500 USD; dòng smartphone Redmi của Xiaomi thậm chí rẻ hơn rất nhiều, chỉ có giá từ 150 USD trở xuống. 

Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với iPhone, vốn có giá khoảng 1000 USD nếu không đi kèm hợp đồng với nhà mạng viễn thông. Samsung Note và Galaxy S cao cấp của Samsung thường có giá tương đương iPhone, tức cũng cao hơn điện thoại của Xiaomi rất nhiều. Làm thế nào mà Xiaomi có thể tạo ra những chiếc smartphone cấu hình cao và giá rẻ như vậy?

Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Một trong số đó là Xiaomi chấp nhận bán máy mà không cần lợi nhuận sau đó tìm cách thu tiền từ các dịch vụ khác bù lại. Hugo Barra, Phó Chủ tịch quốc tế của công ty, mới đây đã chính thức tiết lộ một số thông tin về chính sách giúp công ty Trung Quốc có được thành công ngày hôm nay.

Barra giải thích rằng, Xiaomi có thể đưa giá bán sản phẩm về mức thấp như vậy, nhờ sự kết hợp giữa một danh mục đầu tư nhỏ (mua linh kiện từ một số đối tác nhất định chứ không dàn trải), và thời gian bán trung bình mỗi sản phẩm dài. Một chính sách quan trọng không kém khác là Xiaomi tiếp tục bán các sản phẩm cũ (cũng như các phiên bản nâng cấp của các sản phẩm này) với giá bán rẻ hơn ngay cả khi đã ra mắt model mới.

"Hầu hết sản phẩm của Xiaomi lên kệ trong thời gian từ 18 đến 24 tháng và trải qua ba đến bốn lần giảm giá. Ví dụ như chiếc Mi2 và Mi2s có mặt trên kệ hàng 26 tháng. Redmi 1 lần đầu tiên ra mắt vào tháng 9/2013, và 16 tháng sau chúng tôi mới ra mắt Redmi 2”.

Chính sách này rất quan trọng, bởi nó giúp Xiaomi có được đòn bẩy để đàm phán với các chuỗi cung ứng nhằm giảm giá linh kiện. "Lý do Xiaomi giảm giá sản phẩm là vì công ty đã đàm phán thành công với các nguồn cung linh kiện của mình" - Barra cho biết.

Phó Chủ tịch của Xiaomi cũng nói thêm thêm: "phần lớn linh kiện trong các thiết bị của Xiaomi đều có nguồn gốc từ các chuỗi cung ứng giống nhau, do đó, nhìn từ quan điểm của chuỗi cung ứng và nguồn cung, hợp đồng linh kiện dùng cho Redmi 2 vẫn là hợp đồng với Redmi 1, và điều này đồng nghĩa với việc Xiaomi vẫn được hưởng chính sách giảm giá từ đối tác". Theo Barra, việc có được một chuỗi danh mục đầu tư nhỏ là rất quan trọng, và Xiaomi vẫn sẽ duy trì chính sách này trong tương lai. Đó là lý do vì sao mỗi năm công ty này chỉ ra mắt một ít sản phẩm mới, và Xiaomi cũng chỉ có tất cả hai dòng sản phẩm thay vì "mắn đẻ" như Samsung hay các công ty khác.

Vị lãnh đạo của Xiaomi cũng nói thêm rằng, giảm giá sản phẩm không phải là "liều thuốc tiên cho thành công". Bên cạnh giảm giá, Xiaomi cũng rất chú trọng đến việc cập nhật phần mềm, linh kiện thay thế (khi hỏng hóc), cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dùng. "Càng có được danh mục đầu tư tập trung, chúng tôi càng quản lý các chi phí này một cách hiệu quả hơn" - Barra phát biểu.

Xiaomi đang tham vọng vươn ra khỏi thị trường châu Á trong 2015, bởi vậy, chính sách duy trì giá bán rẻ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Ở hầu hết các thị trường, công ty hiện vẫn chủ yếu bán điện thoại từ store trực tuyến. Tuy nhiên, gần đây Xiaomi đang thử nghiệm bán hàng qua điện thoại với nhà mạng Airtel ở Ấn Độ. Mô hình bán hàng này cũng đang được hãng chạy thử ở Malaysia và Singapore.

Barra nói rằng kiểu bán hàng này gặp khó khăn ở những thị trường mà người dùng chủ yếu sử dụng thuê bao trả trước như Ấn Độ. Tuy nhiên, hãng sẽ tìm cách khắc phục các khó khăn để mở rộng phương thức bán hàng trong tương lai. Xiaomi bán được một triệu máy ở Ấn Độ trong vòng 5 tháng chỉ bằng mô hình bán trực tuyến, bởi vậy, nếu tìm được thêm phương thức bán hàng mới cũng như sản xuất đủ số lượng máy cho nhu cầu thị trường, doanh số của Xiaomi hứa hẹn còn cao hơn nữa. Năm ngoái, hãng dự tính sẽ bán được 100 triệu máy trong 2015, và nếu mọi việc thuận lợi, không loại trừ khả năng Xiaomi sẽ đưa ra một con số dự đoán mới trong thời gian tới.

Theo ICTnews