Vài chục năm qua đã bao lần ghé qua nước Pháp, nhưng tôi vẫn chưa hề được đặt chân đến Marseille. Lần này, tôi quyết đi bằng được, vì khoảng cách từ Paris đến Marseille chỉ 777 km, tương đương từ Hà Nội đi Huế mà tàu TGV của Pháp chỉ chạy có 3 tiếng - sao lại đắn đo?
Mấy mươi năm trước, khi còn rất nhỏ tôi đã nghe đến cái tên Marseille - thành phố lớn thứ hai của nước Pháp có tuổi đời lên đến 2600 năm. Vì ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 đã có hàng ngàn người Viêt bị bắt sang làm thợ, làm phu trong các xưởng máy, đồn điền, trang trại đã cập cảng Marseille rồi định cư ở đó.
Marseille là chặng đường đầu tiên chiếc tàu chở anh Ba - Nguyễn Tất Thành cập bến vào năm 1911. Marseille cũng là địa danh châu Âu đầu tiên mà một vị vua Viêt Nam đã đặt chân đến vào năm 1922.
Riêng về gia đình tôi, vào năm tôi mới chập chững – năm 1942, cha tôi đã có sản phẩm chạm gỗ trưng bày tại hội chợ thủ công mỹ nghệ Marseille và có bằng khen về treo giữa nhà.
Rồi lớn lên, đươc học bài thuộc lòng "Những vì sao" của Alphonse Daudet, đêm đêm mơ về bầu trời đầy sao miền Provence nước Pháp mà Marseille là thủ phủ vùng này.
Lại nữa, khi biết mê bóng đá thì thì đâu phải là MU, Chelsea, Juventus, Barcelona mà Olympic Marseille mới là mối tình đầu.
Vậy thì Marseille rất quen! Thế mà, vài chục năm qua đã bao lần ghé qua nước Pháp nhưng tôi vẫn chưa hề đặt chân đến Marseille.
Lần này, thì tôi quyết đi bằng được vì khoảng cách từ Paris đến Marseille chỉ 777 km .. tương đương từ Hà Nội đi Huế mà tàu nhà mình đi mất 14-15 tiếng đồng hồ mình còn đi được, trong khi TGV của Pháp chỉ chạy có 3 tiếng - sao lại đắn đo?
Tôi đến Marseille rất may đươc gia đình nhac sỹ Phạm Quốc Trọng kiều bào đón tiếp, hướng dẫn tham quan nên chỉ có vài ba hôm là tôi đã đến những địa danh mà tôi từng ao ước.
Tác giả trước toà thị chính Marseille |
Sáng sớm, xuống ngay mấy quán cà phê vỉa hè khu trung tâm thành phố cạnh nhà nhac sỹ Quốc Trọng gặp khá nhiều các bác Việt kiều hẹn nhau ăn sáng hàn huyên chuyện con cháu, quê nhà, tôi bỗng thấy Marseille hoá thành quen.
Mấy ông bạn rủ tôi ra trước cửa Toà thị chính Marseille chụp tấm hình kỷ niệm rồi đi thăm Bến Cũ. Tôi dùng chữ Bến cho nó gọn chứ thật chính xác thì đây là Bến Cảng cũ. Một thương cảng hàng trăm năm phát triển bên bờ Địa Trung Hải. Nơi đây hàng vạn người Việt ngày trước đến nước Pháp chỉ qua bến cảng này. Đúng là trên bến dưới thuyền, san sát thuyền buồm.
Bến cảng xưa |
Đã đến vùng bến cũ, bà Nicole từ Paris nhắc tôi, cậu đã ăn Bouillabaisse chưa? Chưa ăn món này là coi như chưa đến Marseille đâu nhé. Tôi buộc phải để ý món ăn mà từ các quán dân dã đến khách san sang trọng đều có này. Ai chứ người Việt thì không lạ. Nó chỉ là loại lẩu hải sản thập cẩm.
Nghe nói ban đầu, Bouillabaisse là món ăn của dân nghèo. Tất cả những gì là đầu thừa đuôi thẹo sau mỗi mẻ đánh bắt của những người ngư dân - nghêu, sò, tôm, cá ...tất cả hổ lốn cho vào nồi. Sau đó, Bouillabaisse đã bước chân vào các nhà hàng cao cấp với nước cốt cá thay cho nước biển và thêm một số loại gia vị đắt tiền tạo nên thương hiệu của các nhà hàng, khách sạn.
Cảng cũ được bảo vệ bởi pháo đài St Nicolas và Fort St John, rồi ngọn hải đăng Phare de Sainte Marie được xây dựng từ năm 1855 là những điểm dành cho khách có thời gian ở lâu hơn.
Nhà thờ Notre Dame de la Garde điểm đến không thể không đến
Từ nhiều nơi trên thành phố Marseille đã có thể nhìn thấy nhà thờ Notre Dame ở trên núi cao nhất thành phố 162 m. Nhà thờ là biểu tượng của thành phố, xây dưng xong từ năm 1853 do kiến trúc sư Henri-Jacques Épérandieu thiết kế.
Cuộc đời ông chỉ hơn 40 năm nhưng để lại cho thành phố Marseille 3 công trình tuyệt tác đó là nhà thờ Chính toà Marseiile, nhà thờ Đức Bà và công viên Longchamp.
Chúng tôi trèo lên 170 bậc thang để lên sân nhà thờ. Từ đây có thể nhìn khắp toàn bộ thành phố Marseille. Và cũng từ đây, chúng tôi ngước nhìn pho tượng Đức Mẹ bồng chúa Giê su linh thiêng cao 9,7 m, đươc dát bằng 30 ngàn lá vàng toả sáng lung linh.
Theo lời kể, pho tượng này trước đây là vàng thât, đến khi bị phát xít Đức xâm chiếm, pho tượng bị lấy đi. Sau ngày giải phóng với tuần lễ vàng, phát đông nhân dân quyên góp đã đúc lại bức tượng bằng đồng và dát vàng thật. Người dân vùng này luôn tin rằng Đức Mẹ linh thiêng từ đỉnh cao nhà thờ này luôn luôn phù hộ, che chở cho mỗi một người trên sông nước, cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
Kiến trúc nhà thờ
Tác giả ở bên trong nhà thờ Notre Dame
Marseille có lẽ từ đây tất cả đội quân viễn chinh Pháp đã đi đến các chiến trường trên thế giới. Vì vậy, người Pháp đã xây dưng trên bên cảng này một tháp kỷ niệm những người đã bỏ mình trên các chiến trường hải ngoại trong Thế Chiến thứ I ở Bắc Phi, đặc biêt là Đông Dương kéo dài trong suốt 300 năm từ 1624 đến 1956.
Tháp tưởng nhớ những người Pháp đã bỏ mình ở hải ngoại.
Tại đây, tôi gặp một số thân nhân những người lính viễn dương Pháp và có cả một cựu quân nhân năm nay đã ngoài 85 tuổi ngực đeo đầy kỷ niệm chương. Ông từng có mặt ở Đông Dương. Biết tôi đến từ Việt Nam, ông hồ hởi hỏi thăm và luôn nhắc đến Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ.
Tác giả chụp ảnh cùng một cựu quân nhân Pháp từng có mặt ở Đông Dương
|
Lâu đài Longchamp |
Lâu đài Longchamp được kiến trúc sư tài ba Henri Épérandieu xây dựng xong từ năm 1862 để tôn vinh nguồn nước, ca ngợi con kênh đào dẫn nước từ sông Durance vào thành phố Marseille. Hàng cột hoành tráng chạy thành vòng bán nguyệt bao quanh bên ngoài một đài phun nước đồ sộ với những trang trí điêu khắc ấn tượng và tỉ mỉ.
Đằng sau là công viên với nhiều loại cây trồng tạo nên một tác phẩm nghệ thuât xứng đáng một danh thắng hàng năm thu hút hàng triệu lươt khách tham quan. Hai bên lâu đài Longchamp là viện bảo tàng khoa học và Viện bảo tàng Nghê thuật.
Đây rồi sân Vélodrome!
Vélodrome nằm khá gần trung tâm thành phố với 60235 chỗ ngồi là sân vận động lớn thứ hai nước Pháp, chỉ sau sân Stade de France ở Paris. Đây là thánh địa của đội bóng mà tôi từng yêu mến nên dù thời gian ở Marseille không bao lâu tôi cũng tìm đến. Vélodrome là sân vân động xây dựng để phục vụ giải bóng đá vô địch thế giới lần thứ 3 vào năm 1938.
Và, ngay sau Giải đấu này, chiến tranh thế giới lần thứ 2 diễn ra nên gián đoạn liền hai kỳ WC sau đó. Và 60 năm sau, Vélodrome lại đã vinh dự tổ chức tới 7 trận đấu giải Vô đich bóng đá thế giới WC 1998. Và mới đây, dẫu rất căng thẳng trong viêc chống khủng bố nhưng nơi này cũng tổ chức thành công các giải vô địch bóng đá Châu Âu Euro 2016.
Ở Vélodrome không thấy hàng đoàn khách du lich kéo đến tham quan như ở Sân Nou camp (Barcelona), nhưng những người yêu bóng đá không thể không đến Vélodrome.
**********
Ở Marseille còn rất nhiều điểm đến, nhưng với tôi, tôi rất muốn tìm hiểu về hội chợ triển lãm Marseille, nơi mà cách đây hơn 75 năm cha tôi từng gửi những sản phẩm chạm gỗ từ Đồng Hới sang dự "Đấu xảo Marseille" .
Từ đấu xảo những hàng thủ công mỹ nghệ thuộc địa đến Hội chợ Quốc tế Marseille là hơn 100 năm. Đến đây tôi đươc biết là từ năm 1906 đã có ban nhạc tài tử Nam kỳ sang biểu diễn tại đấu xảo Marseille và mấy năm gần đây, Vietnam Pavilion to Marseille's International Trade Fair đã thu hút nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam, thủ công mỹ nghệ, gốm, sứ, mây tre, sơn mài, lụa tơ tằm, may mặc, đồ trang trí nội ngoại thất, đồ gia dụng, quà tặng, đồ trang trí, thiết bị nhà bếp, dụng cụ làm vườn....
Năm nay, tôi gặp hoạ sỹ Đặng Thị Diệp, Giám đốc công ty TNHH Diệp Dương đến Marseille tham gia triển lãm. Chị cho biết, các mặt hàng mang sang do cơ sở của mình tự sản xuất nên đươc nhiều người đặt mua. Dù không bán chạy như ở Paris, song đây vẫn là một kỳ hội chợ thành công đối với chị.
Hội chợ quốc tế Marseille là nơi hội tụ nhiều sản phẩm tiến tiến, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, cho nên đây cũng là điểm hẹn cho các khách du lịch mê shopping.
Mấy ngày ở Marseille gặp khá nhiều bà con người Việt. Marseille đúng là không lạ gì đối với hàng triệu người Việt, nhưng kể từ những thập niên mà người Việt đến nước Pháp qua cảng hàng không Charle de Gaule thì Marseille lại là lạ với rất nhiều người.
Bài: Nguyễn Lương Phán
Ảnh: Quốc Trọng