Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Tư vấn và Khám dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) nhiều năm trở lại đây Hà Nội xuất hiện các quán nước ép, sinh tố di động với nhiều sản phẩm được quảng cáo làm từ trái cây nhưng giá rất rẻ từ 10 – 20 nghìn đồng/ly.  Bác sĩ Hưng lo ngại chất lượng của sản phẩm này có thể không an toàn, được làm từ trái cây dập, thối đã cắt bỏ.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Phương (chủ một quán trà sữa, nước ép, sinh tố sinh viên) tại Hà Đông, Hà Nội cho biết chị đều nhập hoa quả từ một nguồn nhất định. Hầu như các loại hoa quả tươi ngon giá đắt nếu bán với giá sinh viên sẽ không có lãi. Ví dụ, 1 kg bơ mua hàng ngon giá 50 – 60 nghìn đồng/kg, xay được khoảng 3 – 4 ly sinh tố. Nếu bán 20 nghìn đồng/ly sẽ không có lãi.

Thay vào đó, người bán hàng sẽ mua những loại hoa quả dập, chín không đều. Vì các loại hoa quả này cắt bỏ phần dập, thối lấy phần thịt ngon rồi cho vào xay với sữa đặc.Tương tự, nước ép hoa quả cũng như vậy.

Các loại nước ép, sinh tố giá rẻ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. 

Chị Nguyễn Thị Hà – bán hoa quả tại Thanh Xuân Trung, Hà Nội, cho biết mỗi ngày chị bán khoảng 400 – 500kg hoa quả các loại trong đó có một số loại chỉ bán trong ngày. 21h tối, chị Hà lại lọc hàng và bán cho người làm sinh tố, nước ép quay vòng số hoa quả chất lượng kém. Các loại xoài đen đầu thối ít, dưa dập hay dâu tây đều không lo bỏ đi. 

Theo người phụ nữ này, trái cây là hàng “hương hoa” rất dễ bị dập, thối và bỏ đi. Hầu như tất cả người bán hoa quả đều có nguồn “giải cứu” là những cửa hàng làm sinh tố, hoa quả dầm. Họ mua về làm ngay hoặc cấp đông. Đặc biệt các loại hoa quả theo mùa vụ.

Ngoài làm từ hoa quả không đảm bảo, nhiều quán còn sử dụng các loại phụ gia chống tách nước. Các loại phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng rất đắt, hàm lượng dùng ít. 

Các loại bột chống tách nước như bột Frappe, Mix, mềm giúp hạn chế việc phân tầng hay tách lớp nước ép, sinh tố, làm chậm quá trình tan đá, giúp thức uống lâu bị loãng, giữ được hương vị, tiết kiệm được nguyên liệu.

Bác sĩ Hưng cho biết các loại phụ gia này có nhiều loại, chất phụ gia chưa qua kiểm định vẫn được bày bán. Các loại bột này không đảm bảo chất lượng, vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và chứa cáccác chất cấm.

Một chuyên gia về tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, hoa quả dập, người ăn không cần phải ăn nhiều, ăn một ít cũng có thể nhiễm trùng đường ruột, nhiễm nấm từ hoa quả thối. Hoa quả dập, thối khi chúng ta cắt bỏ phần thối, phần còn lại nhìn cảm quan ngon nhưng chúng vẫn có thể chứa độc tố từ nấm, vi sinh vật. Đặc biệt, các loại quả nhiều nước như xoài, dưa… khi dập thối nhanh chóng lan rộng ra cả quả.

Vị bác sĩ này khuyến cáo tốt nhất hoa quả thối không nên dùng ngay chính trong gia đình. Vì hoa quả này đã bảo quản lâu, không còn giá trị dinh dưỡng, lại nhiễm vi sinh vật có thể gây ngộ độc thực phẩm.  Nhiều người vì lợi ích kinh tế nên bất chấp việc dùng hoa quả hỏng bán hàng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng. 

Phạm Duy Linh, Vũ Việt Bảo Phùng, Lê Bích Thủy