Phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về việc "mất bằng lái phải thi lại" trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6/3 tạo nên nhiều phản ứng gay gắt những ngày qua.

Bộ trưởng Thể sau đó cũng gửi công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Trong công văn, Bộ trưởng GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại, hoặc cố tình báo mất để sở hữu cùng lúc nhiều GPLX.

Việc quản lý thông tin dữ liệu ra sao?

Đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể xuất phát từ lo lắng tình trạng một số trường hợp lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh. Vậy điều này cần thiết hay không?

Mat bang lai xe phai thi lai: Bo GTVT mau thuan voi chinh minh hinh anh 1
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trách nhiệm quản lý trường hợp bị thu giữ GPLX là của cơ quan Nhà nước. Khi một người đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý mà có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì được cấp lại.

Như vậy, trách nhiệm quản lý GPLX bị thu giữ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Các cơ quan này có nghĩa vụ phối hợp với nhau để lập hồ sơ các trường hợp bị thu giữ GPLX. Trong trường hợp người nộp hồ sơ xin cấp lại thuộc danh sách có GPLX đang bị thu giữ thì cơ quan quản lý sẽ từ chối cấp lại.

"Chúng ta đã có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đối với các trường hợp bị thu giữ GPLX", ông Trạch so sánh với việc doanh nghiệp kinh doanh online chỉ cần một phần mềm quản lý có thể xử lý hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày với thông tin chi tiết quá trình giao, nhận hàng. Điều quan trọng là có những quy định phù hợp với pháp luật và tuân thủ triệt để Hiến pháp.

Ngoài ra, luật sư cho rằng cần bổ sung chế tài mang tính răn đe với các trường hợp bị thu giữ, bị tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian lận để được cấp lại.

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc quản lý dữ liệu trong thời đại công nghệ thông tin không khó. Do đó, lo ngại về các trường hợp "giả bộ" mất bằng lái xe để xin cấp thêm là không cần thiết. 

"Nếu còn lo lắng về các trường hợp cố tình báo mất để cấp thêm thì chứng tỏ hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu liên thông, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ và cơ quan công an về danh sách các trường hợp vi phạm bị thu giữ GPLX", luật sư Nghiêm nhận định.

Mất bằng lái chứ không mất khả năng lái xe

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết GPLX là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người được phép điều khiển phương tiện giao thông. Khi GPLX bị hư rách, thất lạc thì đến nơi cấp giấy để được cấp lại tờ giấy khác.

"Việc mất GPLX về bản chất chỉ là mất giấy chứng nhận, chứ không phải mất đi năng lực, điều kiện và chương trình đã học về lái xe”, luật sư Trần Đình Dũng nêu.

Mat bang lai xe phai thi lai: Bo GTVT mau thuan voi chinh minh hinh anh 2
Các luật sư cho rằng đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại" là điều bất hợp lý, vi phạm chính Thông tư của Bộ GTVT. 

Theo luật sư, phát biểu của Bộ trưởng Thể đã coi việc mất giấy phép lái xe như mất luôn năng lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển xe. “Nói như Bộ trưởng thì chẳng khác nào nếu như mình mất giấy đăng ký kết hôn phải thi lại hoặc nói vui thì mất giấy khai sinh thì phải làm sao?”, luật sư đặt câu hỏi rồi cho rằng đề xuất này sẽ đẩy những người bị mất bằng lái vào tình huống khó khăn, phức tạp, tốn kém không cần thiết.

"Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm lưu giữ lại hồ sơ gốc và cấp lại bản sao cho người dân khi mất bản chính. Trường hợp thiên tai, hỏa hoạn hay các hoàn cảnh khách quan khác làm mất giấy tờ, người dân không có nghĩa vụ về việc phải giữ lại bản chính. Tạo điều kiện cho người dân được cấp lại giấy tờ cũng chính là việc phải làm của các cơ quan quản lý Nhà nước”, luật sư Dũng cho biết.

Bộ GTVT tự "đá" quy định của mình

Cả 3 luật sư cùng cho rằng quan điểm của người đứng đầu Bộ GTVT đi ngược với chính văn bản của bộ này về việc cấp lại GPLX. Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng được xét cấp lại GPLX.

Theo quy định này, người đề nghị cấp lại GPLX không phải thi lại. Còn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là phải quản lý được các trường hợp vi phạm bị thu giữ GPLX để đối chiếu với các trường hợp bị mất vì lý do khách quan.

Mat bang lai xe phai thi lai: Bo GTVT mau thuan voi chinh minh hinh anh 3
Mất bằng lái xe hoàn toàn có thể xin cấp lại chứ không cần phải thi lại. 

"Tôi từng đi làm lại bằng lái xe, phải chờ một thời gian để kiểm tra xem có đúng mất thiệt hay không mới được cấp lại. Và khi cấp lại thì mã số y hệt cái cũ. Việc này chứng tỏ cơ quan quản lý Nhà nước có lưu trữ hồ sơ nên không thể có trường hợp gian lận để xin cấp lại", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.

Lo ngại về những khó khăn liên tục thủ tục và tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, luật sư Trần Đình Dũng nêu quan điểm "phải ban hành luật trên nền tảng các nguyên tắc pháp luật cơ bản. Như trường hợp này, chúng ta không thể buộc người mất giấy phép lái xe phải thi lại".