Hiện nay, thiết bị điện tử nhái đang được bày bán nhan nhản trên thị trường. Do thiếu hiểu biết hoặc tâm lý ham đồ rẻ nên người tiêu dùng vẫn vô tư mua và dùng sản phẩm kém chất lượng mà không lường hết hậu quả từ những thiết bị này.


Đồ nhái tràn ngập thị trường

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường có bày bán, kinh doanh rất nhiều những mặt hàng, những sản phẩm có nhãn mác hoặc không nhãn mác, có thương hiệu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ... thiết bị điện tử, thiết bị điện gia dụng. Tuy nhiên, tất cả những sản phẩm này đều "phập phù" về chất lượng. Thậm chí có những sản phẩm hàng nhái vẫn được bày bán công khai như: Quạt điện, nồi cơm điện, mô tơ điện, đệm sưởi, máy bơm... Các loại ổ cắm, công tắc điện nháy bán trên thị trường với giá rất rẻ, khoảng 7.000- 10.000 đồng/cái, trong khi đó, giá chính hãng dao động từ 50.000- 100.000 đồng/cái. Không những vậy, khi khảo sát trên thị trường, PV còn phát hiện nhiều thiết bị chống giật, chống rò điện là hàng nhái mà vẫn được bày bán với giá vài chục ngàn đồng/bộ, trong khi hàng chính hãng có giá tiền triệu mỗi bộ.

Thâm nhập một số phố được coi là "điểm nóng" ở Hà Nội chuyên buôn bán đồ điện gia dụng, thiết bị điện tử nhưng chủ yếu là hàng nhái, hàng giả như: Chợ Đồng Xuân, phố Hai Bà Trưng, phố Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Phùng Hưng... Tại đây, chúng tôi phát hiện có nhiều mẫu sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: Quạt điện, nồi cơm điện, ấm điện... Theo khảo sát của phóng viên, tại phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), riêng mặt hàng dây điện đã có tới hàng chục nhãn hiệu, chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, so với hàng chính hãng của Việt Nam thì giá chênh nhau đến 50%. Chỉ cần tinh ý quan sát, khách hàng dễ dàng nhận thấy, lõi dây điện nhái lẫn nhiều tạp chất, dây đồng đã mất màu, có loại đã là lõi nhôm nhưng bọc một lớp đồng mỏng để đánh lừa khách hàng.

Các thiết bị điện gia dụng được bày bán nhiều ngoài thị trường.

Cũng phải nói thêm rằng, những mặt hàng điện gia dụng đảm bảo chất lượng lại là mặt hàng cao cấp, quá đắt so với túi tiền của người tiêu dùng. Theo các nhà phân phối, toàn bộ thị trường thiết bị điện tử, điện gia dụng đang "nằm" trong tay các thương hiệu Clipsal, National, SBN... Trong nhóm sản phẩm này, Clipsal chiếm 60% thị phần. Ở nhóm hàng giá thấp hơn, thị trường đang được cạnh tranh bởi các nhãn hiệu GP, Megaman, Merlin, Moeller, Chengli. Ở nhóm hàng này, có sự tham gia của công ty nhựa Thành Lợi, một doanh nghiệp Việt Nam nhưng sản phẩm do công ty này bán ra với giá khá cao.

Chấp nhận... “ngậm bồ hòn”

Đã có nhiều trường hợp mất tiền nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn" khi mua phải thiết bị điện "rởm". Những thiết bị này không đạt chất lượng chuẩn, điện áp bị sụt giảm sẽ làm cho các thiết bị điện như tủ lạnh, máy lạnh hoạt động liên tục bị hao phí điện năng, giảm tuổi thọ. Nhiều thiết bị khác cũng dễ bị hỏng hóc, nơi tiếp xúc lỏng lẻo, lớp nhựa bảo vệ bên ngoài bị rạn nứt, rò điện, hoặc không dẫn điện. Tuy nhiên, do sự thiếu hiểu biết hoặc tâm lý khách hàng muốn mua những thiết bị điện gia dụng giá rẻ nên nhiều người đã phải trả giá đắt.

Thủ đoạn của những kẻ chuyên buôn bán hàng nhái này thường sử dụng là dán nhãn nhựa vào sản phẩm để giả, nhái thương hiệu khác. Nếu bị phát hiện kiểm tra, trong khoảng thời gian ngắn họ có thể phi tang chứng, thoát tội. Chủ buôn bán hàng thiết bị điện gia dụng nhái có nhiều thủ thuật để lừa khách hàng: Khách hàng đã chọn được máy ưng ý, đúng hãng của cửa hàng, để lại địa chỉ để nhân viên cửa hàng đến lắp. Tuy nhiên thiết bị mang đến đã bị tráo đổi bằng hàng nhái, hàng giả. Anh Nguyễn Văn Long, trú tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Tôi mua một đèn compact và được người bán quảng cáo là hàng chính hãng. Dùng được vài ngày, đầu tiếp xúc có hiện tượng bị lỏng lẻo, lớp bảo vệ bên ngoài rạn nứt, rò điện. Bóng đèn này cũng chỉ cho độ sáng yếu, tôi mới dùng được vài ngày đã gặp "sự cố".

Thực tế gần đây cho thấy, đã có rất nhiều trường hợp bị chập điện dẫn đến bị giật, cháy nổ gây thiệt hại nặng nề. Phần đa những vụ việc liên quan đến điện cũng xuất phát từ những thiết bị điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không đáp ứng được về chất lượng.

Theo số liệu của trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố kết quả kiểm nghiệm của 36 mẫu dây, cáp điện bọc nhựa PVC, lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường, thì chất lượng rất đáng lo ngại. Cụ thể, có 64% vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa, 25% vi phạm về ruột dẫn, 56% vi phạm về kết cấu ruột dẫn, 64% không đạt về tiêu chuẩn điện trở...

Vì vậy, "để mua được hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên xem xét thật kỹ các thông tin cụ thể, liên quan đến sản phẩm như: Nguồn gốc xuất xứ, tên nhà sản xuất, cách thức, hạn sử dụng, giấy chứng nhận và tem bảo hành... Người tiêu dùng cũng cần xem kỹ từng chi tiết trên sản phẩm vì hàng thật luôn thiết kế và chế tạo tinh xảo hơn hàng nhái rất nhiều. Điều quan trọng nhất, khách hàng cần cẩn trọng khi mua sắm những thiết bị điện gia dụng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

Mất con vì bình nóng lạnh bị dò điện

Cách đây không lâu đã xảy ra một vụ án thương tâm liên quan đến việc sử dụng những thiết bị điện gia dụng kém chất lượng. Đó là trường hợp gia đình anh Nguyễn Minh T. ở phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chỉ vì ham giá rẻ nên anh đã lắp bình tắm nóng lạnh của Trung Quốc. Sự cố đau lòng này xảy ra khi con trai anh T. đang tắm thì vòi hoa sen bị rỉ và rò điện. Cả nhà đợi mãi chẳng thấy con xuống ăn cơm tối, bố mẹ chạy lên tìm, vào đến phòng tắm của con, anh T. hốt hoảng khi thấy thi thể con nằm sõng soài trong nhà tắm. Anh vội vã dập cầu dao, ngắt điện để cứu con. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. 

(Theo Người đưa tin)