Với cậu bé Peter (tám tuổi), ký ức về bố vỏn vẹn là vài tấm hình em chụp cùng bố trong những lần hiếm hoi ông đến thăm. Mẹ của Peter quen biết Max, người đàn ông Úc 78 tuổi khi cô làm việc tại khu “đèn đỏ”. Ba năm sau, Peter chào đời. Em là một trong số những trẻ sinh ra từ nạn du khách đến Philippines “du lịch tình dục” và có con rơi.

{keywords}
Hoạt động bên trong một quán rượu ở Philippines - Ảnh: Al Jazeera

Không thể mang đến cho mẹ con Peter mái ấm trọn vẹn, ông Max cố gắng bù đắp bằng vật chất. Ngôi nhà hai mẹ con đang sống là do ông mua, nhưng ông ngày càng già, nên sự chia sẻ này không làm cho mẹ con Peter an lòng. Mỗi lần ông tới thăm họ, cô Grace, mẹ của Peter thường nhủ rằng đó là lần cuối cùng.

Mỗi tháng, Grace có được 100 USD nhờ cho thuê căn phòng trong ngôi nhà họ đang ở. So với người cùng cảnh ngộ, cuộc sống của hai mẹ con vẫn tốt hơn nhiều. Thỉnh thoảng, ông Max gửi thêm tiền trợ cấp, nhưng gần nửa năm nay, mẹ con Peter không có tin tức gì của ông.

Không may mắn, Renz - một cậu bé chào đời tương tự Peter - có lẽ không bao giờ được gặp bố. Học sinh trong lớp thường trêu chọc Renz vì cậu bé trông chẳng giống ai với màu tóc vàng, mắt xanh. Mới tám tuổi, Renz đã biết mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Mẹ em, cô Nelcy (30 tuổi), làm việc ở khu “đèn đỏ” suốt quãng đời thanh xuân.

Tại một quán rượu, Nelcy quen với Frank, người đàn ông đến từ Na Uy đã ngoài lục tuần và có vợ người Philippines. Cuộc “đổi chác” diễn ra chóng vánh, nhưng lại đưa Renz đến với cuộc đời. Frank từ chối thẳng thừng việc Renz là con của mình khi Nelcy ẵm đứa trẻ tìm gặp ông. Hiện mẹ con Nelcy sống ở khu ổ chuột Hadrian.

Nelcy sau đó sinh thêm hai con trai nữa, cũng như Renz, chúng là trẻ vô thừa nhận. Nelcy kể, hàng ngày Renz bị bạn bè ở trường trêu chọc, cậu bé thường nổi cáu và sẵn sàng đáp trả. Renz không hề tỏ ra yếu đuối, nhưng em sống khép kín, không cười đùa như bạn đồng trang lứa.

{keywords}
Peter với tấm hình hiếm hoi chụp cùng bố - Ảnh: Al Jazeera

Trường hợp như Peter, Renz không khó kiếm ở Philippines. Đa số đều không một lần được gặp bố. Ít ông bố nào chấp nhận đứa trẻ sinh ra từ khu “đèn đỏ” là con mình. Nhiều người dứt khoát không xét nghiệm ADN vì họ vốn mặc định mình không có trách nhiệm gì sau một cuộc vui qua đường.

Theo một cựu đại sứ Mỹ từng công tác ở Philippines, 40% du khách đến nước này là để “thưởng thức” tình dục. Ước tính, ở Philippines có khoảng nửa triệu lao động tình dục nữ, hầu hết xuất thân nghèo khó và 20% trong số họ là người thiểu số. Dù đây là hoạt động “chui” nhưng du khách đã tốn khoản tiền khá lớn, khoảng 400 triệu USD mỗi năm để “mua vui”.

Thế hệ trẻ vô thừa nhận được ra đời và phần lớn bị cha ruồng bỏ. Sống trong khu ổ chuột, lạc lõng giữa cuộc đời là tương lai tất yếu cha mẹ đã tạo ra cho chúng. Các em chỉ có thể được thoát khỏi tương lai mù mịt nhờ các tổ chức xã hội hoặc các quỹ từ thiện.

{keywords}
Renz và các em cùng mẹ khác cha - Ảnh: Al Jazeera

Ở Philippines, khoảng 300.000 - 400.000 phụ nữ kiếm sống ở khu “đèn đỏ”. Vòng xoáy mại dâm tại quốc gia này ngày càng lan rộng. Theo đại diện Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Manila, có đến 100.000 trẻ vị thành niên bị ép buộc, đẩy vào con đường mại dâm.

Tinh vi hơn, các em được mua bán qua hình thức “trưng bày” ảnh nóng trên mạng. Trong khi số phận những đứa con sinh ra từ phố “đèn đỏ” vẫn còn là bài toán chưa có lời đáp thì không ít trẻ vị thành niên Philippines tiếp tục bị lạm dụng và sa chân vào vòng xoáy ác nghiệt của nạn “du lịch tình dục”.

(Theo Phunuonline.com)