Từng có thời gian đưa con đi học tại một trường mẫu giáo ở Nhật, tôi choáng váng vì lòng yêu trẻ của giáo viên mầm non Nhật.

Hôm qua, khi vụ việc clip Bảo mẫu trường mầm non Phương Anh baọ hành trẻ rầm rộ trên khắp các diễn đàn và các trang báo mạng, tôi cũng như bao bà mẹ khác đều cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Tôi xem clip mà nước mắt rơi không ngừng, nhiều lần phải ấn ngừng vì cảm giác như có ai bóp chặt con tim. Từng có thời gian sống bên Nhật và cũng cho con đi gửi trẻ tại một điểm trông trẻ của Nhật, tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì con trai mình được chăm sóc, dù trong thời gian không dài, bởi những giáo viên mầm non Nhật rất tận tâm và yêu quí trẻ nhỏ. Trông người mà tôi lại ngẫm đến ta. Tôi không cố suý “sính ngoại” nhưng thật sự, “ngoại” thế này thì hẳn bà mẹ nào cũng muốn “sính”.

Cũng giống như ở Việt Nam, trước khi tròn 3 tuổi và được theo học tại trường mẫu giáo thì các bé từ 8 tháng đến trước 3 tuổi có thể được gửi đến các nhà trẻ (ở Nhật gọi là Hoikuen). Vì vậy, với những phụ nữ vẫn đang phải đi làm thì gửi con đến trường Hoikuen sẽ là một giải pháp tuyệt vời. Tuy nhiên, không giống những bà mẹ Việt, đưa con đi học mà đến cơ quan thấp thỏm không yên, tim đập như đánh “lô tô” mỗi khi thấy máy báo điện thoại cô giáo gọi, tôi gửi con đi nhà trẻ Nhật rất yên tâm và thoái mái dù khi đấy, Tomo mới được 10 tháng tuổi. Lý do cho sự thoái mái đó, là vì:

Công việc của giáo viên mầm non Nhật cực vất vả

Không ai bảo làm giáo viên mầm non hay bảo mẫu nhà trẻ ở Việt Nam thì không vất vả. Vậy nhưng những giáo viên mầm non Nhật thậm chí còn “nâng” sự vất vả đấy lên nhiều lần.

Thông thường, Tomo và các bạn đến trường vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều tôi đã đón về. Vậy nhưng các cô giáo thì phải làm việc từ 7 giờ sáng đến tận 7 giờ tối. Họ đến sớm để chuẩn bị lớp học, đồ ăn trong ngày cho các con và sau đó, ở lại cho đến khi đứa trẻ cuối cùng được bố mẹ đón về. Khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, các cô lại ngồi tự làm những món đồ chơi hay đồ dùng cho các bé. Giáo viên mầm non ở Nhật hầu như có rất ít thời gian cho bản thân vì thậm chí vào thứ 7 và chủ nhật, họ vẫn nhận trông trẻ cho các gia đình có việc đột xuất hoặc đăng ký gửi con cả cuối tuần.

{keywords}

Giáo viên mầm non Nhật rất hay đưa các bé đi ngoại khoá trên những chiếc xe đẩy đặc trưng

Không phải ai cũng có thể mở nhà trẻ

Tôi không hiểu, vì sao các nhà trẻ tư thục ở Việt Nam “mọc lên như nấm” mà không hề có một qui chuẩn nào. Ở Nhật, không phải bất cứ ngồi nhà nào cũng có thể biến thành một hoikuen (nhà trẻ). Tuy ở đây, mỗi nhà trẻ lại có qui tắc khác nhau nhưng tất cả đều phải được sự cấp phép của chính quyền và đáp ứng đủ các yêu cầu như: có phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng bếp, sân chơi ngoài trời và toilet có bệ rửa tay, chỗ thay bỉm với chiều cao phù hợp cho trẻ. Mỗi lớp ở nhà trẻ Nhật cũng được chia theo lứa tuổi và có tên riêng. Như lớp của Tomo con trai tôi thì có tên là lớp Dream (giấc mơ). Lớp của các bé sơ sinh trên 1 tuổi có tên là Tanpopo (Bồ công anh) và lớp Sakura (Lớp hoa anh đào) là cho các bé từ 2-3 tuổi. Mỗi lớp thường có không quá 16 bé. Đối với cấp mẫu giáo, lớp có thể đông hơn, từ 10-30 bé một lớp.

{keywords}

Một phòng ở nhà trẻ Nhật dành cho các bé dưới 1 tuổi.

Họ cẩn thận với con trẻ của chúng ta như con mình

Khi Tomo nhà tôi đi gửi trẻ, giáo viên yêu cầu tôi chuẩn bị cho con rất nhiều túi. Một túi để sách vở, một túi chăn, một chiếc túi để đồ dùng ăn uống, một hộp để đồ dùng ăn uống, một túi quần áo, một túi quần áo thay, một túi quần áo để cất đồ sau khi thay ra, và một túi để giày…. Tất cả những cái túi này đều không khiến giáo viên Nhật cảm thấy phiền phức. Tôi để ý, mỗi khi tôi đến đón Tomo ở trường, con luôn được đóng một cái bỉm mới toanh và sạch sẽ. Nhìn vào túi những chiếc bỉm đã thay của Tomo, tôi để ý có những cái bỉm vẫn còn khá mới và con hầu như không tè mấy. Vậy nhưng các cô giáo ở Nhật vẫn thay cho bé rất đúng giờ và không bao giờ để con phải chịu hăm, chịu mặc suốt một cái bỉm cả ngày như nhiều giáo viên mầm non ở Việt hay “quên”.

{keywords}

Khăn và túi được chia cất rất cẩn thận

Ngay cả quần áo của Tomo, các cô cũng rất chịu khó thay cho bé. Họ còn để riêng cho tôi quần áo của Tomo theo hai túi: 1 túi là quần áo thực sự đã bị bẩn và 1 túi là những quần áo bé chỉ mới thay ra. Như vậy, tuỳ theo các bà mẹ, chúng tôi có thể quyết định có cho con mặc tiếp ngày mai không hay giặt đi.Và khăn ướt của Tomo, các cô cũng hỏi tôi có gửi riêng khăn không và không ngần ngại chỉ dùng đúng từng loại khăn ướt cho từng bé để đảm bảo vệ sinh và tránh trường hợp có trẻ bị dị ứng.

{keywords}

Giấy ướt cũng được dùng riêng theo từng bé

Chuyện ăn uống của trẻ

Đây có lẽ là vấn đề khiến tôi trăn trở nhất khi gửi Tomo đi trẻ: Con mới chỉ hơn 10 tháng, mới chỉ biét bò, vẫn đang ăn dặm và cần them 4-5 cữ sữa mỗi ngày. Tomo cũng kén ăn nên càng khiến tôi lo lắng. Vậy nhưng khi nhìn các giáo viên Nhật chăm sóc cho bữa ăn của con. Tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

Thông thường, các bé ở lớp Dream (Lớp giấc mơ) mà con trai tôi đang gửi, sẽ ăn vào lúc 10 giớ 30. Cô giáo sẽ cho các bé ăn sữa công thức hoặc sữa mẹ gửi ngăn đá ở nhà trẻ. Với các bé đã ăn dặm như Tomo, nhà trường cũng sẽ chế biến đồ ăn dặm cho con hoặc lấy theo mẹ chuẩn bị. Thực đơn của trẻ được thong báo hàng tuần và những gì các bé ăn đều được bày trong một hộp thuỷ tinh ở đường ra vào, nơi các bố mẹ đón con hàng ngày. Các bé ở lớp Tanpopo và Sakura sẽ ăn muộn hơn 30 phút.

{keywords}

Một bữa ăn dặm ở nhà trẻ Nhật

Đồ ăn dặm của Tomo rất phong phú. Bé không hề bị ép phải ăn hết các món. Tuy nhiên món nào các cô cũng cho Tomo ăn thử. Với các bé lớn cũng vậy. Cũng có đứa chẳng thích ăn gì và có đứa thích ăn rất nhiều. Tuy nhiên giáo viên mầm non Nhật không ép trẻ ăn mà chỉ yêu cầu các bé món nào cũng cần xúc ăn. Có lẽ chính vì như vậy, trẻ con Nhật không hề sợ ăn mà ngược lại, coi giờ ăn như một hoạt động thú vị. Khi lớn lên, hầu hết các bé đều ăn được đủ món mà không hề “kén cá chọn canh”.

Chơi với trẻ con thì rất thích, vậy nhưng chăm trẻ lại là một việc hoàn toàn khác. Nó stress, nó căng thẳng, nó đầy áp lực và đôi khi nó cũng khiến chúng ta “phát điên”. Vậy nhưng ở các giáo viên mầm non Nhật, tôi luôn thấy một sự kiên nhẫn và sức khoẻ “phi thường”. Có lần, tôi đã hỏi một cô giáo mầm non của Tomo là “Trông các con như vậy, có lúc nào chị thấy áp lực? Có lúc nào chị muốn đánh, muốn mắng các bé?”. Tôi đã nhận được câu trả lời “Chúng tôi nghĩ đến sự may mắn của bản thân. Khi ngoài kia rất nhièu người không có được việc làm, rất nhiều người không có được con. Thì chúng tôi có. Chúng tôi có cả việc làm và có cả những đứa con đáng yêu. Sự may mắn này khiến cho những vất vả, mệt mỏi và căng thẳng dường như không còn to tát. Khi nghĩ vậy, chúng tôi hết mệt mỏi, hết bực bội và không bao giờ đánh mắng những đứa trẻ”.

Ở nước Nhật, họ chăm trẻ bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Nó cũng tạo ra được những đứa trẻ lớn lên với lòng bao dung và đức tính kiên trì. Tôi nghĩ, đó là một phần quan trọng cho sự thành công của quốc gia này. Một điều các giáo viên mầm non Việt cần học tập.

(Theo Khampha.vn