Trung tá Lê Trọng Phổ, Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển vùng 2 cho biết, sắp tới sẽ có máy bay tuần thám tham gia tuần tra trên biển. Cảnh sát biển sẽ có các trạm trên các đảo trọng yếu để phối hợp với máy bay tuần thám xử lý tàu nước ngoài xâm nhập, hỗ trợ, khẩn cứu ngư dân và tàu trên biển gặp nạn.
Mỗi tháng đuổi hàng chục tàu Trung Quốc
Thời gian gần đây, tàu cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông ngày càng nhiều, thậm chí còn tiến gần đến các đảo thuộc các tỉnh miền Trung chỉ vài chục hải lý. Trung tá Lê Trọng Phổ khẳng định: “Việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển miền Trung là có thật, nhất là từ sau khi Trung Quốc bỏ lệnh cấm biển do họ tự đặt ra vào đầu tháng 8 này. Các tàu cá Trung Quốc đã đi sâu vào vùng biển gần đảo Lý Sơn từ 30 – 45 hải lý, với lượng tàu mỗi đợt xâm nhập từ 18 – 30 chiếc”.
Để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép, vi phạm chủ quyền trên biển Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển vùng 2 (đóng tại Quảng Nam) liên tục tuần tra để xử lý, xua đuổi những tàu cá này.
Tàu cá Trung Quốc xâm nhập bị tàu công vụ Việt Nam xua đuổi (ảnh do cảnh sát biển vùng 2 cung cấp). |
Riêng từ đầu năm đến nay, theo trung tá Phổ, mỗi tháng đơn vị xua đuổi vài ba chục lượt tàu Trung Quốc xâm phạm. “Tàu cảnh sát biển luôn nạp đầy đủ nhiên liệu, lương thực và nhu yếu phẩm, đảm bảo có thể hoạt động 45 ngày trên biển. Khi nhận lệnh, các tàu cảnh sát biển tức tốc lên đường”, trung tá Phổ nói.
Hiện cảnh sát biển còn được trang bị radar có tầm quét cánh quạt 100km, trong đó khoảng 70km radar nhìn rõ tàu xâm phạm vùng biển.
Trung tá Phổ cho chúng tôi xem nhiều đoạn clip mà đơn vị khi thực thi nhiệm vụ đã ghi lại. Đặc biệt, trong đó clip tàu cảnh sát biển vùng 2 giám sát tàu Trung Quốc hoạt động trên biển mà Trung Quốc từng bù lu bù loa cho rằng, đã ngăn cản và đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam!
“Sắp tới, sẽ có máy bay tuần thám tham gia tuần tra trên biển. Hiện nay máy bay này đã có và sẽ đi vào hoạt động trong một ngày gần đây”, trung tá Phổ cho biết. Cùng với máy bay tuần thám, cảnh sát biển sẽ có các trạm trên các đảo trọng yếu để phối hợp với máy bay tuần thám xử lý các vụ tàu nước ngoài xâm nhập.
Đồng thời nắm tình hình ngư dân, tình hình trên biển để bảo vệ vùng biển tốt hơn. Bên cạnh đó, trạm và máy bay tuần thám còn hỗ trợ, khẩn cứu ngư dân và các tàu trên biển gặp nạn.
Nhiều ngư dân phản ánh, khi gặp tàu cá Trung Quốc hoạt động đánh bắt trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhưng không liên lạc được với lực lượng chức năng. Trả lời vấn đề này, trung tá Lê Trọng Phổ cho biết: Đơn vị đã phát cho ngư dân hơn mười ngàn tờ rơi, trên đó có ghi rõ tần số liên lạc ngày và đêm.
Đánh bắt kiểu tận diệt
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều ngư dân Quảng Ngãi, hiện nay tàu cá Trung Quốc hoành hành trên vùng biển của ta, đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt”. Thông thường các tàu này hành nghề theo cách: hai tàu một cặp và “cào” tận đáy biển, bắt tất tần tật tất cả hải sản lớn nhỏ.
Một sĩ quan cảnh sát biển vùng 2 cho biết, tàu cá Trung Quốc đánh bắt thuộc vùng biển Việt Nam ngày càng ngoan cố hơn. “Nếu trước đây, khi gặp tàu công vụ Việt Nam, họ chạy đi ngay. Còn nay, khi bị đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam, tàu khác lại xuất hiện khai thác trái phép. Hầu hết tàu cá của Trung Quốc đều trang bị máy dò cá, rađa rất hiện đại”.
Theo ông Phùng Đình Toàn, thường trực hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, chức năng xử lý các tàu cá này thuộc lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Thế nhưng hiện ở vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ có hai tàu kiểm ngư, còn các vùng biển khác không có tàu kiểm ngư hoạt động.
“Có tỉnh cũng có tàu kiểm ngư, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Bởi kiểm ngư các tỉnh thường chỉ hoạt động tầm 24 hải lý trở lại”, ông Toàn nói. Thêm vào đó, lực lượng này vừa mỏng, vừa thiếu phương tiện nên việc bảo vệ ngư trường chưa hiệu quả, đặc biệt ngư trường xa bờ.
Theo SGTT