Thượng nghị sỹ (TNS) John McCain, một chính khách và từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa cho rằng,  Trung Quốc cần ngồi lại đàm phán chung với các nước hiện có tranh chấp ở Biển Đông.

Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ phỏng vấn TNS John McCain về vấn đề này.

Tuyên bố của TQ về đường 9 đoạn không đúng sự thật

Thưa TNS, thời gian gần đây căng thẳng liên tục gia tăng tại khu vực  Biển Đông. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò là vô lý. Theo ông, tại sao trong 2 năm qua, Trung Quốc lại đẩy mạnh đòi chủ quyền ở Biển Đông và ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trung Quốc đang trở thành một cường quốc kinh tế, do vậy nước này đang cần rất nhiều nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ. Trung Quốc thấy rằng, có một trữ lượng dầu mỏ rất lớn tại khu vực Biển Đông. Đây là một nhân tố quan trọng để giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tuyên bố đường 9 đoạn. Họ cho rằng khu vực Biển Đông là thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là một tuyên bố không đúng sự thật. Khu vực Biển Đông là khu vực lãnh hải quốc tế. Chính vì thế mà tất cả chúng ta đều mong muốn có sự thương lượng hòa bình giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực để giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình.

Thời gian gần đây, trong khu vực đã diễn ra xung đột, căng thẳng tăng lên. Những căng thẳng đó cần phải được loại bỏ và đàm phán chính là câu trả lời cho vấn đề này.  

  Ông John McCain: Tôi không cho rằng, Trung Quốc mong muốn xung đột hoặc đẩy căng thẳng lên cao...


Không nên đàm phán riêng

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN cần phải làm gì để giúp giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông? Việt Nam cũng như các nước có tranh chấp khác cần làm gì để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực?


Các nước ASEAN cần phải thúc giục Trung Quốc tiến hành đàm phán như khối này đã từng làm trong thời gian qua. ASEAN cũng cần thúc giục Trung Quốc đàm phán chung với các nước. Tại các cuộc họp của ASEAN, từng nước thành viên trong khối đã chủ động phê phán Trung Quốc vì không thực hiện công việc này. Tôi không cho rằng, Trung Quốc mong muốn xung đột hoặc đẩy căng thẳng lên cao, nhưng tôi tin rằng Trung Quốc không hành động theo cách nhằm hướng đến một giải pháp hòa bình hơn.

Như tôi đã nói, Trung Quốc cần phải đàm phán các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia và các nước khác có lợi ích trong khu vực cũng như các nước quan tâm đến việc giảm thiểu căng thẳng trong khu vực. Theo tôi, những cuộc đàm phán đó sẽ rất có hiệu quả.

Chiến lược của Trung Quốc hiện nay là sẽ đàm phán với từng nước một, nhưng tôi cho rằng đó không phải là cách đàm phán mà các nước nên tiến hành, mà các nước cần thực hiện theo hướng đàm phán chung cho dù cơ hội thành công là rất ít.

Theo ông, với chiến lược quay trở lại châu Á của chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ sẽ làm gì để giúp ổn định tình hình và duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực?

Mỹ không tin rằng sẽ có xung đột với Trung Quốc. Bản thân tôi không tin rằng sẽ có xung đột với Trung Quốc. Chúng tôi có các đồng minh mạnh trong khu vực và tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị cũng như quân sự.

Hiện Mỹ có căn cứ quân sự tại Australia. Tôi mong muốn được chứng kiến những hợp tác quân sự theo kiểu đó với các nước khác trong khu vực châu Á. Trong trường hợp đó, Mỹ và các lực lượng của nước chủ nhà có thể tiến hành diễn tập chung để đào tạo chứ không phải để đe dọa Trung Quốc.

Mỹ sẽ đóng vai trò hòa bình trong khu vực

Thưa TNS, Trung Quốc nên làm gì để giải quyết vấn đề ở Biển Đông?

Tôi cho rằng, bước đầu tiên mà Trung Quốc nên làm là thực hiện theo khuyến nghị của ASEAN cũng như tất cả các nước trong khu vực. Trung Quốc cần ngồi vào bàn đàm phán với các nước có tuyên bố chủ quyền với những tài sản ở khu vực Biển Đông để đi đến một hiệp định chia sẻ những nguồn tài nguyên lớn đó và như thế sẽ giúp giảm căng thẳng trong khu vực.

Tất nhiên sẽ vẫn còn xảy ra những căng thẳng khi kinh tế phát triển nhưng Mỹ sẽ đóng một vai trò hòa bình trong khu vực. Tôi tin rằng, giữa Mỹ và Trung Quốc không thích thú gì xung đột với nhau và tôi cũng cho rằng, các nước khác ở trong khu vực cũng như vậy. Bởi vì khi căng thẳng xảy ra sẽ  cũng không mang lại lợi ích gì cho các nước. Mặc dù lúc này, lúc khác vẫn xảy ra xung đột, nhưng tôi cho rằng ASEAN là một tổ chức tốt để các nước phối hợp với nhau giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Ông đánh giá như thế nào về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp tại khu vực Biển Đông trong thời gian qua?

Tôi biết rằng, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử căng thẳng diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tôi tin rằng Việt Nam cam kết và rất mong muốn đạt được một giải pháp mang tính hòa bình về vấn đề này. Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng kinh tế to lớn trong 20 năm qua, chúng ta đều không muốn điều gì ngăn cản đà tăng trưởng này. Nếu căng thẳng trong khu vực bị đẩy lên cao sẽ gây hại cho tốc độ tăng trưởng trong khu vực.

Theo tôi, Việt Nam là một quốc gia mạnh về quân sự. Tôi tin rằng, Việt Nam đã đóng một vai trò tuyệt vời, có tính xây dựng cao đối với diễn đàn ASEAN và các diễn đàn thế giới khác. Tôi hy vọng rằng, Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực quân sự này.

Mỹ đã làm gì để góp phần giải quyết tranh chấp đó và ông sẽ làm gì để giúp giải quyết  tranh chấp ở khu vực Biển Đông?

Tôi cho rằng, chính quyền Mỹ và Tổng thống Obama hiện nay đã chuyến hướng tập trung sang khu vực châu Á vì Mỹ nhận ra rằng kinh tế thế giới giờ đây là ở châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải ở châu Âu như trước đây.

Mỹ cũng thừa nhận rằng, Trung Quốc hiện là một siêu cường trên thế giới. Mỹ có những mối quan hệ với các nước ở châu Á và cần vun đắp mối quan hệ đó. Tôi tin rằng, Mỹ cũng như Việt Nam không có ý định tạo ra căng thẳng. Những nỗ lực của chúng tôi là làm giảm căng thẳng và với những đồng minh tốt về kinh tế, chính trị và quân sự. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm những căng thẳng trong khu vực.

Theo VOV