{keywords}
Vào bất cứ mùa nào trong năm, vườn hoa hồng trên sân thượng của chị Hiền cũng bung nở rực rỡ.

Không tin mình trồng được vườn hoa đẹp

Trời chiều, nắng tắt, chị Đinh Thị Diệu Hiền (ngụ Quận 11, TP.HCM) lại lên sân thượng, hòa mình vào vườn hoa hồng đang khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Chị nói, đến bây giờ, chị cũng không tin mình có thể trồng được vườn hoa hồng đẹp đến thế. Bởi, hoa hồng là loài thích hợp với khí hậu ôn đới trong khi TP.HCM lại quanh năm nắng nóng.

Chị Hiền kể, chị trồng hoa vì yêu và muốn làm đẹp cho căn nhà của mình. Thế nên, khi thấy ban công nhiều căn nhà ở nước ngoài được phủ kín bởi hoa hồng, chị đã mơ ước có thể trồng được loài hoa này trên ban công nhà mình.

{keywords}
Vườn hoa có nhiều loại hoa hồng nội, ngoại nhập khác nhau.

Đam mê ấy càng thêm cháy bỏng khi chị nhận thấy tại Việt Nam đang xuất hiện phong trào trồng hoa hồng ngoại. Không thể chần chừ thêm, chị đặt mua một chậu hồng từ tỉnh Phú Thọ về trồng trên ban công căn nhà.

“Hồng đỏng đảnh lắm. Phải hiểu mới chăm hoa được. Lúc đầu, tôi chỉ trồng hồng ở các ban công. Tuy nhiên, tại đây cây không đủ nắng nên rất yếu, cho hoa nhỏ, ít. Thế là tôi bưng hoa lên sân thượng cho cây đủ nắng rồi lại bê cây xuống vị trí cũ”, chị Hiền chia sẻ.

{keywords}
Để trồng được vườn hoa đẹp đến vậy trên sân thượng chị Hiền đã bỏ ra 3 năm mày mò thử nghiệm.

Di chuyển cây liên tục khiến chị mệt mỏi và nảy ra ý định sẽ biến sân thượng đang trống thành vườn hoa trồng các loại hoa hồng. Tuy nhiên, chuyển cây lên sân thượng chị phải đối mặt với thực tế trời oi bức, nắng nóng đến bỏng rát.

Để cây phát triển tốt, cho hoa đẹp, chị lại mày mò và tìm ra công thức chăm sóc hoa cho riêng mình. Chị kể: “Ở ban công ít nắng, mỗi ngày tôi chỉ tưới xịt lá kỹ vào buổi sáng. Nếu trời nóng quá thì chiều tôi chỉ phun sương trên lá và phun trước 17 giờ. Chế độ bón phân cũng giảm phân có nhiều đạm bởi ít nắng mà nhiều đạm cây dễ sinh bệnh”.

{keywords}
Những năm đầu, chị rơi vào căng thẳng vì việc trồng hoa liên tục thất bại.

“Khi trồng trên sân thượng, cây sẽ có được nhiều nắng, gió hơn. Do đó, tôi tưới nước ngày 2 lần, phun xịt lá kỹ vào buổi sáng lẫn buổi chiều. Ngoài ra, tôi cũng chú ý khâu che mát cho mặt chậu bằng rơm, vỏ thông...hoặc trồng những loại rau, hoa rễ ngắn vừa cung cấp oxy vừa làm mát cho bộ rễ hồng”, chị thông tin thêm.

Mất ngủ, thao thức vì hoa

Chị nói, để tích lũy được kinh nghiệm ấy, chị đã trải qua những đêm không ngủ chỉ để suy nghĩ, tìm cách làm cho vườn cây sống, nở hoa đẹp. Năm đầu tiên trồng hoa, chị Hiền gần như lúc nào cũng rơi vào trạng thái căng thẳng, stress bởi đầu tư công sức, tiền bạc mà cây không đâm chồi, cho nụ, nở hoa.

{keywords}
Đến nay, chị đã tìm ra bí quyết riêng để có thể trồng mọi loại hồng trên sân thượng căn nhà của mình.

Không đầu hàng, chị tham gia, học hỏi kinh nghiệm từ các hội, nhóm trồng hoa hồng. Chị áp dụng kỹ thuật ấy vào vườn hoa của mình rồi bỏ thời gian nghiên cứu, tích lũy thêm kinh nghiệm từ thực tế chị chăm sóc hoa hàng ngày ngoài vườn.

Cuối cùng, sau 3 năm, chị đã hiểu và nắm bắt được các đặc tính của loài hoa hồng. Thậm chí, chị còn tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa hồng trên sân thượng trong tiết trời nắng nóng quanh năm của TP.HCM.

{keywords}
Sau 3 năm, chị đã phủ kín sân thượng trống của mình bằng rất nhiều loại hoa hồng cho hoa rực rỡ, ngào ngạt hương.

Chị chia sẻ: “Hồng rất thích nắng ngoài yếu tố cần 3 giờ nắng trở lên thì còn cần các yếu tố: nhất đất, nhì chậu, tam giống. Phân bón chỉ là phần phụ cuối cùng. Thành phần đất trồng của tôi gồm: 25% đất thịt phù sa xay nhỏ, 45% phân trùn quế, xơ dừa đã xử lý, trấu hun, phân dơi và đá perlite”.

Chị cũng lưu ý việc trộn đất phải đảm bảo được yếu tố đất tơi xốp, thoát nước tốt. Do phải trồng hồng trong các chậu, đặt trên sân thượng nên chậu trồng cũng có các tiêu chí nhất định. Kinh nghiệm của chị Hiền là cần chọn chậu thoát nước tốt, thậm chí sau khi mua về, chị còn khoan thêm lỗ thoát nước.

{keywords}
Để duy trì vườn hoa, chị Hiền bỏ ra nhiều công sức, thời gian chăm sóc với những kỹ thuật riêng của mình.

Ngoài ra, chị Hiền cũng liệt kê các kỹ thuật bón phân cho cây. Chị luôn dành một ngày cuối tuần để bón phân, phun thuốc cho vườn hoa của mình. Đến nay, chị Hiền đã có trong tay kỹ thuật bón phân cho hoa hồng theo công thức, kinh nghiệm riêng biệt.

{keywords}
Một trong những yếu tố để cây cho hoa sai, liên tục là kỹ thuật cắt tỉa cây.

Những kỹ thuật này gồm: chọn phân cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mỗi giai đoạn của cây, khi bón phân phải bón cách thành chậu 2-5cm, trước cắt hoa tàn 3 ngày thì bón phân cung cấp nhiều lân để kích ra rễ cho đợt mầm kế tiếp, sau khi cắt hoa tàn, bón phân cung cấp nhiều đạm, bón bánh dầu kết hợp tưới kích rễ bằng tảo biển…

{keywords}
Điều đặc biệt, chị trồng hoa không sử dụng thuốc, phân hóa học mà chỉ sử dụng các chế phẩm từ thiên nhiên.

Đặc biệt, chị Hiền trồng hoa hồng hoàn toàn hữu cơ và không dùng bất kỳ loại thuốc hay phân bón hóa học nào. Khi cần xử lý sâu bệnh, chị chỉ dùng dầu neem, tinh dầu cam…

Do đó, vườn hoa của chị vô cùng an toàn cho các thành viên trong gia đình. Thậm chí, hiện nay, dù đang mang thai và cận ngày sinh, chị vẫn lên sân thượng, ra vườn hồng ngắm hoa, chăm sóc cây mỗi ngày.

{keywords}
Thế nên vườn hoa không chỉ đẹp mà còn rất an toàn. Các thành viên trong gia đình chị Hiền đều rất yêu thích vườn hoa.

Hiện, vườn hoa trên sân thượng của chị Hiền có rất nhiều giống hoa hồng Việt như: hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng.

Nơi đây cũng có những loài hoa hồng ngoại có nét đẹp rất lạ và cuốn hút như: Soeur Emmanuelle, Juliet, Mac Spice, Angela, Masora, Mon Coeur, Friendship of Strangers, Purple Ice Cream, Corail Gelee, Kinda Blue, Amandine Chanel, Pope John Paul II, Double Delight...

{keywords}
Dù đang mang thai, chị Hiền vẫn có thể ra vườn hoa để ngắm hoa, hít hương thơm ngào ngạt từ những đóa hồng.

Chị Hiền chia sẻ thêm rằng, để hoa hồng cho hoa đẹp, đều thì việc cắt tỉa cây chiếm giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong khâu chăm sóc. Đối vói từng loại hồng, chị có một cách cắt tỉa cành cụ thể.

{keywords}
Ngoài hoa hồng, hiện chị Hiền đang trồng thêm một số loại rau, trái sạch để bổ sung vào thực đơn của mình mỗi ngày.

Chị chia sẻ: “Những dòng hồng leo khi cắt cành, cứ canh từ hoa xuống 5-6 nách lá chọn ngay nách có mắt mầm đẹp nhất mà cắt. Dòng bụi thì cứ cắt cách 2-3 nách lá, dòng hoa chùm, cắt dưới chùm 4-5 nách lá".

"Cắt hết cành tăm cành xấu thì cây rất dễ cho mầm gốc có hoa chùm dài. Muốn cây nở hoa đồng loạt thì khi cắt hoa tàn nên cắt 1 lần duy nhất, hoa nở trước có tàn thì cứ để trên cây đợi hoa nở sau cho hết xong mới cắt”, chị Hiền nói thêm.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nàng dâu Việt ở Nhật trồng vườn hoa hồng tuyệt đẹp bên hàng rào

Nàng dâu Việt ở Nhật trồng vườn hoa hồng tuyệt đẹp bên hàng rào

Từ ngày có vườn hồng này, mỗi khi đi làm về, chị Liễu lại ra vườn ngắm cây, chụp hình những bông hoa mới nở làm kỷ niệm.