Dù không giàu có gì nhưng chị Linh luôn có tâm lý mua hàng xịn cho con. Chị quả quyết: “Mình có thể bóp mồm, bóp miệng chứ đồ dùng cho con cái gì cũng phải sắm hàng tốt nhất".
Mà hàng tốt thì chỉ có nhập ngoại thôi. Đồ Việt Nam chất lượng không đảm
bảo”.
Với tâm lý trên, chị Linh dành phần lớn số tiền dành dụm được để mua hàng ngoại
cho con. Từ sữa, bỉm đến quần áo, tất cả đều không đóng mác “made in Việt Nam”.
Hễ đồ dùng nào có chữ Việt Nam là chị quẳng ra một góc không thương tiếc.
Chính vì vậy, bé Phương con gái chị luôn là nhóc tì sành điệu nhất trong lớp mẫu
giáo. Chị rất tự hào về đẳng cấp mà chị tạo nên cho con gái nhờ hàng ngoại.
Tuy nhiên, vì ngân sách có hạn, chị không dám vào các cửa hiệu lớn sắm đồ cho
con. Chị bật mí: “Hàng ngoại mới có giá cả triệu đồng, tôi lấy đâu ra tiền mà
mua. Cái khó ló cái khôn, tôi thường xuyên dạo trên các shop online, các địa
điểm bán hàng secondhand. Cũ người mới ta. Hàng ngoại dù cũ một tí nhưng chất
lượng vẫn rất tốt”.
Không chỉ có vậy, chị thường săn đồ giảm giá tại các website nước ngoài. Lúc nào
có món đồ hợp ý, chị sử dụng dịch vụ oder hàng nước ngoài để mua hàng. Thế nên,
chị luôn luôn vỗ ngực khoe với mấy bà cùng cơ quan: “Em vừa mua hàng Pháp, Mỹ,
Anh về cho cháu”.
Chị thao thao bất tuyệt: “Một chiếc áo phao hàng Trung Quốc bán đầy ngoài chợ
cũng có giá tới 200.000 đồng. Tôi chỉ cần bỏ thêm một chút tiền là dễ dàng có
hàng nhập ngoại, đẹp hơn, xịn hơn lại có mác Tây”.
Chị Lệ cũng là một bà mẹ sính hàng ngoại. Từ khi còn độc thân, chị thường hay
diện hàng nhập. Chính vì vậy, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, chẳng có lý do
gì chị lại cho con dùng hàng nội “rẻ tiền, kém chất lượng”.
Ảnh minh họa. |
Hàng ngoại hại túi tiền
Khi mới sinh con, kinh tế gia đình khá giả nên việc chị Lệ chi quá nhiều tiền để sắm đồ ngoại cho con không khiến anh Khanh, chồng chị bận tâm. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến doanh nghiệp của anh dù lớn cũng lao đao. Trong năm nay, mới tính sơ sơ, anh đã thấy thu nhập giảm một nửa. Nhìn vợ tiêu tiền anh thấy xót ruột.
Anh ngồi tính một tháng cu Bin nhà anh xài hết 3 bịch bỉm Goon trị giá gần 1 triệu đồng, 3 hộp sữa nhập khẩu giá gần 2 triệu đồng. Rồi từ gạo, váng sữa, pho mát, hoa quả,… đến quần áo, chị Lệ tuyệt đối dùng hàng ngoại. Chỉ có rau chị mới đồng ý để bà nội mang từ quê lên. Đó là rau sạch do chính bà trồng nên chị tạm yên tâm.
Anh còn phát hoảng khi phát hiện ra có miếng thịt bò bé tí chị mua cho con có giá cả trăm ngàn đồng. Anh tính sơ sơ, chỉ 1 tháng, cu Bin đã “đốt” của anh gần 15 triệu đồng. “Đấy là cu cậu còn chưa đi mẫu giáo. Nếu cu cậu đi học, kiểu gì cô ấy cũng chọn trường quốc tế. Mỗi tháng mất thêm ngót ngét 10 triệu nữa”.
Thấy hàng ngoại tốn tiền quá nhiều trong khi lương thưởng lại giảm mạnh, anh đàm phán với vợ chuyển sang ủng hộ chính sách “Người Việt dùng hàng Việt”. Nhưng chỉ nghe chồng nói vài câu, chị đã nhảy dựng lên “Anh lại muốn bạc đãi con trai anh à”.
Không nói được vợ và anh cũng chẳng nói được sếp tăng lương. Thế là chi tiêu hàng tháng, anh chị phải rút tiền tiết kiệm ra tiêu. Đùng một cái, bố anh ốm nằm viện. Anh gọi điện bảo chị rút tiết kiệm rồi đưa vội bố vào viện. Đến lúc này chị mới để ý, chẳng biết mấy sổ tiết kiệm đã “bốc hơi” từ lúc nào theo đống hàng ngoại của con trai.
Nghèo hơn vợ chồng chị Lê nên chị Linh không dám xài hàng hiệu. Đồ dùng của chị ở cấp thấp hơn. Chính vì hàng rẻ tiền hơn nên chị Linh đã dính phải “quả đắng” mang tên hàng nhập ngoại. Bao nhiêu lần mua sữa nhập ngoại qua xách tay cho con, bé ăn rất ngoan. Nhưng chẳng hiểu sao trong một lần, vẫn mua ở chỗ người quen, hộp sữa của chị bị nhiễm khuẩn. Bé Phương đau bụng đi ngoài mấy hôm mà không khỏi. Nhìn con hốc hác mà chị thấy xót xa.
Không chỉ có vậy, chiếc quần mà chị mua từ website nước ngoài cũng có vấn đề. Một lần chị mang đồ mua từ Mỹ mang tới công ty để khoe với đồng nghiệp. Chưa kịp nổ mũi tự hào, chị đã bị dội một gáo nước lạnh khi chị trưởng phòng đưa cho chị chiếc áo và bảo: “Made in Viet Nam” em ơi.
Sau vài lần gặp sự cố với hàng ngoại, chị Linh quay về với hàng nội và rút ra kết luận hàng nội rất ổn. Chị chia sẻ: “Bây giờ quần áo thì tôi cứ made in Việt Nam mà dùng, sữa và đồ chơi cho con cũng vậy. Xài hàng nội mà cháu vẫn phát triển rất tốt. Tôi thấy tiếc vì đã ham mê hàng ngoại quá lâu”.
Các mẹ nên nhớ không phải cứ xài hàng ngoại, hàng đắt tiền là tốt. Cái quan trọng là hợp với bé và với kinh tế gia đình.
(Theo Theo MaskOnline)