Nghỉ lễ 30.4, nhà tôi dắt nhau về nội. Vừa chân ướt chân ráo vào sân đã được mẹ chồng đon đả đón: “Các con về rồi à, vào rửa tay chân mặt mũi đi. Xem bố mẹ vừa làm lại cái nhà tắm đẹp lắm. Bố mày cứ bảo không cần sửa nhưng mẹ bảo cái nhà tắm cũng phải đàng hoàng sạch sẽ con cái về nó còn dùng, làm rồi con nó cho tiền chứ có phải đi vay đâu mà ông lo”.
Nhìn mẹ chồng cười mà tôi chỉ muốn khóc. Điệp khúc “thiếu tiền thì con nó cho” mẹ chồng tôi lặp đi lặp lại không bao giờ chán.
Nhà chồng tôi xưa vốn nghèo, để nuôi chồng tôi học xong đại học rồi lại học mấy khóa ngoại ngữ, như mẹ chồng tôi nói là “tốn cả một gia tài”, vậy nên lúc nào mẹ chồng cũng nói cả đời ông bà vất vả để cháu con được sung sướng.
Ảnh: Daily Express |
Chồng tôi làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài, lương thưởng cũng khá, cùng với thu nhập của tôi, hàng tháng trừ mọi khoản chi tiêu cần thiết, chúng tôi cố gắng chắt chiu dành dụm để mua nhà. Thế nhưng mẹ chồng tôi, dăm bữa nửa tháng lại có lý do để xin tiền, nhiều khi tiền mới gửi tiết kiệm lại phải rút ra.
Chồng tôi là con trai một, thỉnh thoảng biếu bố mẹ chút tiền dưỡng già là trách nhiệm của vợ chồng tôi. Hồi mới cưới nhau, chồng tôi đã thỏa thuận trước chuyện này, rằng ông bà là nông dân, không có lương hưu, mỗi tháng chúng tôi sẽ biếu ông bà ba triệu để ông bà mua thức ăn. Tôi nghĩ đó là điều nên làm, chưa bao giờ ca thán.
Nhưng với mẹ chồng tôi, như vậy là chưa đủ. Cứ dăm bữa nửa tháng bà lại gọi điện, khi thì “bố mày răng hỏng hết rồi, tao bảo ông ấy đi làm lại hàm răng mà ăn cho ngon, tiền con cái nó cho, bảo mãi ông cũng chịu nghe rồi. Già rồi, răng không có mà ăn thì khỏe làm sao được”, rồi thì “mấy bà hàng xóm bảo sao không nói vợ chồng con mua cho cái xe đạp điện mà đi, nhiều tuổi rồi đi đâu cũng đạp xe đạp mệt lắm, mẹ thấy cũng có lý”, rồi thì “bố mày đi ra thấy nhà người ta có cái bình lọc nước, về nhà cứ muốn mua. Khổ, bao năm nay uống nước đun sôi, sao giờ lại dở chứng đòi uống nước lọc, các con xem thế nào”…tháng nào cũng có ít nhất một hai cuộc điện thoại, với ti tỉ mong muốn, ti tỉ lý do, miễn làm sao con cái có thể cho tiền. Nhưng rồi tiền cho chưa chắc đã chi tiêu đúng như mẹ chồng tôi đã nói.
Nhiều lần tôi khó chịu bảo chồng: “Vợ chồng mình nhà còn đi thuê, thành phố cái gì cũng đắt đỏ, chả biết tiết kiệm đến bao giờ mới có thể mua một căn hộ chung cư. Bà nội thì nay muốn cái này, mai muốn cái nọ, định để con trai mình đi ở trọ suốt đời chắc”.
Chồng tôi cũng biết tôi không vừa lòng, nhưng anh không thể mẹ ngỏ ý xin mà không cho. Vậy nên anh luôn nói vuốt đuôi: "Thôi, mình còn trẻ, đời còn dài rộng. Ông bà có tuổi rồi, chiều ông bà một tý cho ông bà vui".
Nói thì nói thế chứ, để ông bà vui thì tôi không vui nổi. Ai cũng có những dự định, có gia đình phải chăm lo. Như bố mẹ tôi, rất ít khi con cái biếu tiền mà lấy. Bố tôi thường nói “không phải cứ cho bố mẹ tiền là có hiếu, chúng mày cứ sống hạnh phúc cũng là báo hiếu rồi”. Mà nhà bố mẹ tôi cũng đâu khá giả gì, cũng là nông dân cả đời trông vào ruộng vườn, con gà con lợn. Nhiều khi thương quá cứ phải giúi vào tay.
Đợt này được nghỉ lễ dài ngày, cả nhà tôi định về chơi ngoại vì tết năm vừa rồi không về. Thế nhưng bà nội đã gọi điện sớm, nói “ông ốm, ông mong cháu nội về thăm đấy”. Vừa về đến nhà bà đã khoe cái nhà tắm mới. Nhà tắm được xây mới lại, ốp gạch hoa đẹp, cả bình nóng lạnh, bồn bệ vệ sinh, vòi tắm đều được thay mới hoàn toàn. Bà bảo “đẹp không con, 15 triệu đấy. Bố mày cứ kêu không có tiền. Gớm, già rồi, nhờ con cái chứ ai kiếm được tiền nữa”. Tôi thở dài, thế là lại đi tong 15 triệu, cảm thấy chán tột cùng.
Buổi chiều, nhân cho con ăn, lân la sang hàng xóm chơi. Bác hàng xóm cứ một hai khen vợ chồng tôi có hiếu, mua sắm, chăm lo cho ông bà chu đáo. Tồi bảo là con cái, lo cho ông bà là trách nhiệm phải làm của con cái, có gì đâu. Nói chuyện một thôi một hồi, bác hàng xóm mới bảo “mẹ chồng cháu nói, được đứa con trai, nuôi ăn học thành tài, giờ kiếm được tiền thì con dâu hưởng, cũng làm sao vớt vát lại chút ít chứ chẳng lẽ cả đời mình chịu khổ giờ để con người ta hưởng hết. Chắc mẹ chồng cháu cũng nói đùa cho vui vậy thôi. Có con dâu thế này còn tính toán đong đo gì nữa”. Chỉ một câu nói mà khiến tôi mất hết chút tình cảm còn lại với mẹ chồng, nỗi ác cảm cứ thế tăng dần lên. Nghĩ lại bao lần mẹ chồng cứ tìm lý do để xin tiền con trai con dâu, hóa ra đang kể công mình nuôi con sợ giờ con dâu hưởng hết.
Bữa cơm, nhìn mẹ chồng ngọt nhạt, kể về bao ước mơ, dự định của mình mà tôi chỉ muốn đặt bát cơm xuống rời khỏi mâm. Muốn nói rõ với mẹ chồng rằng chúng tôi ở thành phố cũng bợt mặt kiếm từng đồng chứ chẳng phải hốt vàng hốt bạc ở đâu mà ông bà cái gì cũng “con nó cho”.
Ngày tôi lấy chồng, mẹ tôi nói “với nhà chồng, nếu chuyện gì có thể giải quyết được bằng tiền đều là chuyện nhỏ. Đừng bao giờ để chỉ vì tiền bạc mà khiến tình cảm sứt mẻ, bố mẹ chồng và chồng bực mình hay ghét bỏ”. Tôi cũng tự nhủ mình, bố mẹ không trông vào con cái thì trông vào đâu. Nhưng giờ hiểu rõ tâm ý mẹ chồng muốn “vòi tiền” con trai vì sợ con dâu hưởng hết bỗng thấy vô cùng chán nản và thất vọng.
Tôi không biết mình có nên nói với chồng những gì mình được nghe, thắt chặt lại kế hoạch chi tiêu cũng như tiền biếu bố mẹ chồng. Với tư tưởng của mẹ chồng, e rằng chúng tôi có đưa bà bao nhiêu tiền cũng không trả hết nợ bà đã nuôi chồng tôi. Chẳng lẽ chỉ vì mình là con nên phải “cắn răng” mà chịu?
Cú điện thoại bất ngờ từ anh họ tiết lộ bí mật của chồng
Phải mất một lúc thăm dò, chị bán nước mới tiết lộ cho tôi biết, bình thường, phòng của chồng tôi thường xuyên có một cô gái trẻ qua lại. Cô gái này đến nấu ăn, ngủ lại qua đêm và sáng hôm sau mới về.
Chuyện của hai người đàn ông
Tôi nhận được một cuộc điện thoại, người gọi là đàn ông. Anh ta muốn tôi thu xếp cho anh ta một cuộc gặp mặt.
Ở cữ chưa hết tháng, con dâu thành phố đã nằng nặc đòi về nhà ngoại
Ở đây mọi người đều chăm con dâu ở cữ như vậy nhưng có ai bị làm sao đâu. Sao chăm con dâu thành phố ở cữ lại khó như vậy?
(Theo Dân trí)