- "Trong gia đình, mọi chuyện diễn ra không như mong muốn, chỉ vì tôi học khối C, nhất là chuyện dạy dỗ con cái" - chị Nhàn (Hà Nội) kể với Góc phụ huynh.

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Chuyện khiến tôi phiền lòng và lo lắng nhiều bởi nó không chỉ dừng ở mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu - mà nó đi xa hơn là mối quan hệ bà - cháu có thể bị lệch lạc bởi những quan niệm cứng nhắc của thế hệ trước.

Mẹ chồng tôi vốn là một giáo viên giỏi. Nhưng bà luôn cho rằng chỉ có những người học giỏi Toán, giỏi các môn khoa học tự nhiên mới là những người giỏi giang. Và vì vậy, bà thường xuyên tỏ ra coi thường tôi, chỉ vì tôi học khối C.

Chuyện tôi kể là một ví dụ - và cũng là "vấn đề" khiến tôi rất chạnh lòng...

Năm rồi, thằng bé lớn trúng tuyển vào ngôi trường tiểu học khá có tiếng.

Tôi vui vẻ vì bước đi đầu đời của con được thông suốt. Con học tốt, thích đi học, thậm chí còn ẵm cả giải của trường và đi thi cấp quận, huyện...

Tuy vậy, bà không tỏ thái độ vui mừng, thậm chí có lúc chẹp miệng chê trường của cháu như trường tư ấy mà, chất lượng không thể bằng trường này trường nọ được.

Áp lực ở chỗ khi cháu mắc lỗi, bà có xu hướng chê bai cháu kiểu: "Mẹ học khối C, hoặc chả biết dạy, con nhà người ta thế này, thế kia...".

Tôi cũng có lúc tỏ ra cứng rắn để được bảo vệ quan điểm trong cách giáo dục con. Nhưng những lời chê bai của bà với mẹ con tôi thì tôi không cách nào kiểm soát nổi.

Thỉnh thoảng bà đem cháu (con tôi) ra so sánh với con của bà chị dâu. Bà khen con chị dâu thông minh  vì chị dâu học khối A - nên đẻ con ra chắc chắn thông minh hơn...

Cùng là con là cháu, mà cứ so sánh đứa này với đứa kia - khiến tôi có cảm giác bà mặc định một đứa là mầm non ưu tú, còn một đứa thì có vẻ như khó phát triển. Đến mức có lần con tôi nó hỏi: “Mẹ ơi, có phải bà chê con học dốt không?”.

Học khối C có tội?

Khi mà tôi tốt nghiệp không thất nghiệp. Tôi kiếm được công việc khá tốt ngay sau khi ra trường, thu nhập đủ để tiêu dùng và có tích lũy...

Tôi cũng đã lắng lại để tìm hiểu quan điểm giáo dục của bản thân có khác với các thành viên trong gia đình nhà chồng?

Tôi mong những năm đầu đời của con đi học là niềm vui, không gò ép, được phát triển tính sáng tạo, được tham gia các hoạt động ngoại khóa; nhưng thường xuyên phải nghe những câu “phải rèn giũa”, phải luyện viết chữ đẹp cho có nề nếp, phải “tập trung chính khóa” chứ không mơ mộng đàn hát vẽ vời gì...

Thấy tôi đèo con đi đây đi đó, có lần bà bóng gió “tham vọng lắm, thất vọng nhiều”; rồi thì “Con nó có thông minh hay không là theo gen mẹ, mà chị học khối C nhỉ....”.

Con trai quan tâm đến các vấn đề xã hội, thay vì được khuyến khích, 2 mẹ con tôi nhận được câu nói mỉa mai “Thế này thì lại học khối xã hội giống mẹ thôi”.

Có những lúc ngồi "kiểm điểm" lại bản thân thì có lẽ bà mặc định tôi kém cỏi, vì khối C là khối chỉ những đứa không học được Toán mới đi thi. Nhưng choáng nhất là lúc máu hơn thua cao trào, bà sẵn sàng chê cả cháu nội là... gen kém thông minh.

Có lúc tôi nghĩ bụng sẽ đầu tư cho con môn Toán để cho bà biết mặt. Xong tôi phải bình tĩnh lại, bởi chắc chắn sự ăn thua sẽ khiến tôi thất bại trong việc giáo dục con, và con mình sẽ là người chịu thiệt.

Điều lo lắng là ở độ tuổi của con, rất cần động viên, khuyến khích thì con tôi lại bị chê bai nhiều hơn.

"Chẳng có bà mẹ nào muốn tách con ra khỏi quê hương, nguồn cội, cũng muốn con được gần gũi ông bà, thế mà “đã cố gắng lờ đi nhưng có cảm giác cháu mắc lỗi gì đó là hay bị chê  bai, so sánh... mình chỉ sợ con mình nó “chột” cả người. Bởi đến chính mình, nghe nhiều lời chê bai quá, nhiều lúc mình cũng mất cả niềm tin vào bản thân” – chị Nhàn nói.

• Nguyễn Hiền (ghi)