Chính quyền xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) vừa tiến hành cưỡng chế, phá dỡ ngôi mộ tổ dòng họ của một người dân vì lý do xây dựng trên đất ruộng. Sự việc khiến gia đình người dân bức xúc.

Xây mộ dòng họ phải xin giấy phép?

Theo phản ánh của gia đình ông Võ Huấn (thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh): cuối năm 2015, gia đình ông tiến hành sửa chữa, tôn tạo mộ của dòng họ tại thôn Nội Đồng theo phong tục, tập quán địa phương.

Công trình này gia đình ông Huấn có sử dụng đá xanh để xây dựng khuôn viên khu mộ. Điều đáng nói, trị giá của vật liệu đá xanh được gia đình ông Huấn mua của cơ sở đá mỹ nghệ trên địa bàn lên tới hơn 220 triệu đồng.

Tuy nhiên, chính quyền xã Đại Thịnh cho rằng công trình thi công trái phép vì xây dựng trên đất nông nghiệp và… không có giấy phép. Ngày 21/12/2015, UBND xã Đại Thịnh đã ra quyết định buộc gia đình ông Huấn phải đình chỉ việc tôn tạo phần mộ và tự dỡ công trình.

{keywords}

 

 Hiện trường xảy ra vụ việc tại xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội.



“Việc xây dựng phần mộ từ trước tới nay tại địa phương không yêu cầu phải xin giấy phép xây dựng, nhất là khi chưa có quy định quy hoạch nghĩa trang. Chính vì thế, chúng tôi cứ mạnh ai nấy làm. Và, cũng là việc tâm linh nên gia đình, dòng họ chúng tôi đã họp bàn để tiến hành xây dựng, tôn tạo phần mộ của các cụ” – ông Huấn cho biết.

Ngày 24/12/2015, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh tiếp tục ký Quyết định số 191/QĐ-CT yêu cầu ông Huấn phải thực hiện phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

“Ngày 04/01/2016, UBND xã Đại Thịnh có thông báo yêu cầu tôi tự tháo dỡ công trình xây dựng xong trước 19h00 ngày 05/01/2016. Không muốn mang tiếng chống đối chính quyền, gia đình chúng tôi đã tiến hành phá dỡ toàn bộ cổng và mặt trước của công trình đồng thời xếp gọn các phiến đá xanh trên khuôn viên khu mộ để chuẩn bị mang đi, dù chúng tôi cũng rất cấn cá vì việc làm liên quan tới tâm linh” ông Huấn cho hay.

Tưởng chừng việc chấp hành phá dỡ như vậy đã được chấp nhận, nhưng đến ngày 11/01/2016, gia đình ông Huấn lại nhận được văn bản của UBND xã Đại Thịnh về việc ấn định thời gian tổ chức cưỡng chế công trình. Thời gian thực hiện cưỡng chế vào hồi 8h00 phút ngày 14/01/2016.

“Trong quá trình tiến hành cưỡng chế, chính quyền địa phương đã không lập biên bản ghi số lượng, tình trạng tài sản bị phá dỡ. Họ đã di dời tất cả các phiến đá xanh có giá trị tới hơn 220 triệu đồng (có hóa đơn mua bán – PV) của dòng họ chúng tôi đi nơi khác mà gia đình tôi không hay biết” – ông Huấn nói.

Cho rằng việc UBND xã Đại Thịnh tiến hành cưỡng chế phá dỡ phần mộ dòng họ là bất hợp lý, ông Võ Huấn đề nghị cơ quan này phải bồi thường thiệt hại số tiền 259.040.000 đồng. Trong đó, 224.040.000 đồng tiền vật liệu xây dựng (đá xanh) và 35.000.000 đồng tiền vật liệu xây dựng móng công trình (gạch, xi măng, sắt, thép và nhân công).

Cưỡng chế vì… xây trên đất ruộng

Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh, ông Nguyễn Đa Bảy xác nhận, UBND xã Đại Thịnh đã tiến hành phá dỡ công trình khu mộ dòng họ của gia đình ông Võ Huấn. Xã cũng đã nhận được đơn khiếu nại của ông Huấn.

 {keywords}

Ông Bảy cho rằng, gia đình ông Võ Huấn đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chính vì thế, chính quyền địa phương phải yêu cầu phá dỡ. Khi gia đình ông Huấn không tự phá dỡ theo đúng tiến độ, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ.

Liên quan đến những khối đá xanh có trị giá hàng trăm triệu đồng mà gia đình ông Võ Huấn phản ánh, ông Nguyễn Đa Bảy xác nhận chính quyền đã di chuyển ra khỏi mảnh đất có công trình vi phạm trật tự xây dựng.

“UBND xã Đại Thịnh sẽ mời đại diện gia đình ông Huấn lên làm việc liên quan tới nội dung khiếu nại yêu cầu đền bù” – chủ tịch xã Đại Thịnh thông tin.

Tại nhiều địa phương, tình trạng chôn cất, xây dựng phần mộ cho người quá cố từ nhiều năm ở vào tình trạng tự phát, nhất là ở các đơn vị cấp làng – xã khi những địa phương này chưa có quy hoạch về nghĩa trang.

Thái Bình