- Khi đọc thông tin về vụ bảo mẫu hành hạ trẻ, chị Hường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chợt nhói đau khi nhớ lại hai năm trước, mình đã phó thác mọi việc chăm sóc con cái cho người giúp việc. Để bắt trẻ phải vâng lời, người giúp việc này đã trừng phạt trẻ bằng cách vặn "cái ấy" của cậu bé ba tuổi khi tắm cho cháu.
Hình phạt đáng sợ của người giúp việc
Các bậc cha mẹ không nên giao con cả ngày cho người giúp việc. Ảnh mang tính minh hoạ.
Khi đứa lớn được ba tuổi, chị sinh tiếp đứa thứ hai, chồng chị cũng bận rộn công việc tới khuya mới về, con lại hay ốm đau nên công việc vất vả nhất dồn hết lên đầu người giúp việc.
Đứa trẻ đầu là một cậu bé nghịch ngợm, hiếu động. Lẽ ra, cần sự kiên nhẫn trong dạy bảo, tuy nhiên, chị Hường cũng bất lực vì phải dồn thời gian chăm sóc đứa thứ hai, ban ngày đi làm đến 6 giờ chiều mới về.
Người giúp việc trông hai đứa trẻ, cộng với một đống công việc nhà, mệt lử.
Mãi đến lúc cho người giúp việc thôi việc sau một năm, vì có nhiều mâu thuẫn, chị mới phát hiện một số bất ngờ.
Khi tắm cho con, rửa bộ phận sinh dục, thằng bé cứ co người lại, kêu đừng đụng đến, chị hỏi lý do, nó mới bảo "bác Sửu toàn vặn chim con lúc tắm, con sợ lắm".
Tá hoả, chị ôm con vào lòng, tỉ tê hỏi nó, thằng
bé mới khai thật về những vụ trừng phạt của bác Sửu mà trước đây không dám
nói, như cốc vào đầu, giúi đầu vào tường, cởi quần ra đét đít cho đau.
Chị Hường lúc ấy mới thấm thía nỗi chua xót khi ít thời gian ngó ngàng đến con. Chị hiểu rằng, chắc chắn để một đứa trẻ bướng bỉnh phải nghe lời, cách thông thường của người giúp việc trình độ thấp là trừng phạt thô bạo.
Người viết bài này đã từng chứng kiến, nhiều người giúp việc khi dẫn trẻ đi ăn sáng ở chợ, đã tát vào miệng trẻ khi bé lười ăn, hay doạ dẫm khiến cho trẻ phải sợ hãi.
Trẻ em ít có khả năng "tố cáo"
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phòng khám Tâm lý trẻ em và Gia đình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết việc người giúp việc đánh đập trẻ như đã nói, sẽ làm cho trẻ trở nên nhút nhát, ích kỷ hoặc giả dối, vì có lẽ ít người giúp việc nào dám nhận là mình đã "kỷ luật" trẻ bằng đòn roi hay thậm chí bằng những lời nói rủa xả cục cằn, thậm chí là còn tạo ra những "nguyên nhân giả" như "cháu nó nghịch quá nên bị té trầy xước cả người...".
Ở nhiều nước, giúp việc nhà được xem là một nghề,
và đã là nghề thì phải được đào tạo, phải có bằng cấp hay giấy chứng nhận và có
sự phân biệt giữa người chỉ giúp việc nhà theo giờ, thuần tuý chỉ là dọn dẹp,
nấu ăn ... với người chăm sóc trẻ. Những người chăm sóc trẻ có thu nhập cao hơn và
dĩ nhiên là phải được đào tạo bài bản chứ không phải là cần phải có trình độ
cao, nhưng cũng không thiếu người có trình độ cao muốn đi làm việc chăm sóc trẻ. Còn ở Việt Nam, cho đến nay, giúp việc nhà vẫn
được xem là chuyện bao gồm cả dọn dẹp, nấu ăn và trông trẻ, đồng thờ cũng là một
công việc dành cho những người ít học... Hơn nữa, nhiều bậc cha mẹ
cũng không đòi hỏi những " tiêu chuẩn cao" ở người giúp việc vì chỉ muốn trả
lương càng thấp càng tốt.
Điều tai hại là khi chứng kiến cảnh đóng kịch của người giúp việc trước mặt bố mẹ chúng, trẻ cũng sẽ "học tập" những phản ứng như vậy, trở nên những kẻ thiếu trách nhiệm và giỏi đổ thừa cho người khác".
"Tuy nhiên, có những trường hợp, mặc dù biết là người giúp việc có "hơi nặng tay" với con mình, nhưng vì bận rộn, khó kiếm người mà nhiều bậc cha mẹ đành phải làm lơ, vì cho rằng cũng không có gì là quá đáng, mà không ý thức được những hậu quả về tính cách của trẻ mà sau này có khi chính họ là người phải "lãnh đủ"!"
Ông Lê Khanh cũng cảnh báo một nguy cơ không kém phần lo ngại, đó là giao con cho người giúp việc chăm sóc sẽ dẫn đến hậu quả là trẻ bị chậm nói hay nói ngọng!
Trẻ chậm nói do đa số người giúp việc ít quan tâm đến việc trò chuyện với trẻ, nhất là khi cho trẻ ăn và họ thường "nhờ chiếc tivi" với những phim hoạt hình hay ca nhạc Xuân Mai, để giúp cho trẻ ăn nhanh hơn. Tình trạng này nếu kéo dài thì khả năng chậm nói hầu như là chắc chắn.
Cũng có những người tính trầm lặng, không biết cách chơi với trẻ, họ chỉ làm đúng theo yêu cầu là cho ăn, tắm rửa và trông chừng cho trẻ đừng nghịch phá, việc này sẽ làm cho trẻ không biết chơi và dẫn đến sự chậm phát triển về nhận thức.
Nguy cơ nữa là người giúp việc thường nói không rõ, nói ngọng và nhanh, trẻ nghe rồi bắt chước nói theo.
Nếu bố mẹ không quan tâm thì khi phát hiện sẽ rất khó để tập cho trẻ nói đúng, vì đa phần khi tập nói, trẻ đều phát âm chưa chuẩn, nhưng nếu nghe đúng thì trẻ sẽ điều chỉnh lại, nếu cũng nghe sai thì chắc chắn trẻ sẽ giữ cách phát âm sai.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng tất cả những yếu tố trên đã khiến cho việc thuê người giúp việc chăm sóc trẻ có khả năng tạo ra những hậu quả mà đôi khi rất khó để khắc phục.
Vì thế, dù có thuê người chăm sóc thì các bậc
cha mẹ cũng vẫn phải giành một số thời gian trong ngày để chơi với con, qua đó
có thể phát hiện sớm những vấn đề về hành vi và ngôn ngữ của trẻ để có những can
thiệp kịp thời. Cha mẹ, hãy tỉnh ngộ! Khi thấy trẻ không chịu nói, hay bắt đầu nói
ngọng, không thích chơi đồ chơi cũng như có tình trạng ăn ít khi nhai và hay tỏ
vẻ sợ hãi, có những phản ứng cục cằn, đánh hay cắn người khác thì nên lưu ý đến
cách chăm sóc của người giúp việc hoặc nên đưa trẻ đi chẩn đoán tâm lý để "phòng
bệnh hơn chữa bệnh". Ngoài ra, khi giao con cho người giúp việc, cha mẹ cũng cần có những hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về việc chăm sóc, chơi
đùa, cho trẻ ăn, nếu cần thì phải tập huấn và xem cách họ chăm sóc trẻ như thế
nào. Chúng ta cũng nên đối xử một cách tử tế với họ,
có những hoạt động "cùng cộng tác và chia sẻ " việc trông nom đứa trẻ để họ nhận
thấy đây là một chuyện "thú vị" và tạo được cho họ sự quan tâm, yêu thương thực
sự con em mình, đồng thời cũng nên giúp họ có thêm những hiểu biết cần thiết về
trẻ em để họ biết cách chăm sóc tốt hơn cho con mình. Tuy nhiên, không phải người giúp việc nào cũng
đáng bị lo ngại. "Nhiều người giúp việc "quê rặt" đôi khi lại giúp cho con trẻ
những điều còn tốt hơn cả các bà mẹ thành thị " trí thức", nhưng sống theo kiểu
"nói một đằng làm một nẻo", chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhấn mạnh.
-
Tú Uyên