– Chính hội Khai Ấn nên đền Trần trong hai ngày 23 - 24/02 đông nghịt người. Vất vả chen chúc, vất vả nhờ thầy cúng khấn, dâng lễ, viết sớ…, song khách đi hội cũng “hoa mắt” vì mê trận hòm công đức, hòm dầu nhang… đi đâu cũng gặp!


Có bao nhiêu hòm công đức ở di tích đền Trần?

Câu trả lời là: không thể đếm được! Tại các khu thờ chính, tại mỗi một ban, điện thờ… đều có một hòm công đức làm bằng hòm gỗ… đặt nghiêm trang trước ngai thờ. Song, liền kề đó là một chiếc hòm khác, cũng bằng gỗ, ngay ngắn và nghiêm trang không kém, có khóa cẩn thận, có một khe nhỏ để khách thập phương nhét tiền vào đó. Chiếc hòm nay ghi dòng chữ: “tiền dầu nhang nhà đền”.

 Tại bàn ghi công đức của khách thập phương ngay trước cổng của đền thờ Đức Thánh Trần, một chiếc “hòm công đức” cũng được đặt tại đây. Khách trảy hội không biết, “công đức” cho di tích hay “công đức” cho người ghi công đức!

Để ý quan sát tại khu thờ Đức Thánh Trần. Từ cửa chính bước vào khu thờ Đức Thánh Trần, qua ba khu thờ tự chính sắp xếp theo lối hàng dọc, hai hàng ngang hai bên cũng có khoảng gần chục ngai thờ khác. Mỗi ngai thờ cách nhau chừng nửa mét. Điều đó cũng đồng nghĩa với khoảng cách của các hòm “tiền nhang nhà đền” được đặt trước mỗi khu thờ.

Theo tinh thần chung đã được BTC lễ hội đền Trần quán triệt, khách đi lễ hội rất ít người đặt tiền lễ lên các đĩa trước ban thờ. Những người (nhiều khi theo thói quen) đặt tiền lên chiếc đĩa (trống không), cách một lúc sẽ có người của BQL đi đến cầm cả xấp tiền bỏ vào chiếc “hòm dầu nhang nhà đền”.

Hình ảnh tương tự tại khu thờ Đức vua Trần. Bên cạnh số lượng không nhỏ hòm công đức, những chiếc hòm “tiền dầu nhang nhà đền” cũng xuất hiện.

Nhưng, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận, tiền “dầu nhang nhà đền” được hiểu là “chi phí” khách đi hội trả cho những người trông coi khu di tích khi lấy hương nhang tại nhà đền, trong khi đó, ai cũng mang hương/nhang từ nhà (hoặc mua từ ngoài cổng đền) mang vào. Vô hình trung, ngoài tiền lương mà ngân sách nhà nước chi trả cho BQL di tích đền Trần, những người trong BQL còn có một nguồn thu khác, chắc chắn không nhỏ, từ những chiếc hòm có tên như thế!

Ghi công đức như đi… mua vé tàu!

“Mê trận” bàn ghi công đức và hòm nhét “tiền dầu nhang nhà đền” tại đền Trần

Một “sáng kiến” mới mà ai cũng nhận thấy, đó là công tác tổ chức ghi nhận tiền công đức của khách thập phương. Tại mỗi khu thờ, hàng chục bàn ghi công đức được kê ở các vị trí trung tâm, và dường như là những điểm “di động” “tăng cường” thêm cho khu vực “Bàn ghi công đức” chính vẫn được đặt trong khu thờ.

“Choáng” hơn nữa, khu vực Đền thờ Đức vua Trần, ngay cổng chính vào khu thờ, BTC đã “khu biệt” khu vực ghi công đức bằng hàng rào chắn barie hai bên, mỗi bên có cả dãy bàn ghi công đức. Khách muốn công đức, đứng bên ngoài hàng rào, người nào thấp bé phải kiễng chân, nhổm người, hay thò tay qua khe hàng rào sắt để đưa tiền, nhận giấy… Nhiều khách ngán ngẩm bởi cảnh tượng không khác gì đi… mua vé tàu ngày tết!

Trao đổi với VietNamNet, ông Khúc Mạnh Kiên – PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết: Sở VHTTDL tỉnh Nam Định chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước theo lĩnh vực đối với khu di tích đền Trần. “Một lễ hội lớn như lễ hội đền Trần, ngoài Sở VHTTDL còn có hàng chục các cơ quan, ban ngành khác. An ninh trật tự có công an, dân phòng, giao thông; quản lý hàng hóa, chất lượng hàng hóa… có đội quản lý thị trường; BTC lễ hội do UBND T.p Nam Định, UBND phường Lộc Vượng và BQL nhà đền…”.

Trả lời câu hỏi về việc đặt hòm công đức, hòm “dầu nhang nhà đền” với mật độ dày đặc trong khu di tích, ông Kiên cho hay: Cái này thuộc về BQL Di tích đền Trần. Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho biết quan điểm cá nhân: “Đi lễ chùa, quan trọng là cái tâm chứ không phải lễ vật to hay nhỏ, tiền công đức nhiều hay ít. Tâm linh người Việt hay ý thức, lấy của đền, của chùa lấy một đền ba, nên không ai đi tay không đến xin lộc thánh bao giờ. Việc khách thập phương đặt tiền dầu nhang, cũng chỉ là những tờ tiền lẻ, và cũng là tiền lộc cho những người làm công tác quản lý, trông coi di tích…”.

PGĐ Sở VHTTDL Nam Định cũng cho biết: BQL di tích đền Trần hàng năm có tiền ngân sách nhà nước từ UBND T.p Nam Định cấp xuống để vận hành, trả lương… cho bộ máy này. Tiền công đức của khách thập phương là tiền để xây dựng, trùng tu, sửa chữa… di tích.

Box: Quyết định số 2245/QĐ- BVHTTDL Bộ VH-TT&DL về đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, hạn chế dần và chấm dứt hoạt động mê tín dị đoan, khắc phục tình trạng xả rác, rải tiền lẻ bừa bãi tại các di tích, nơi thờ tự quy định: Mỗi di tích chỉ đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính, đĩa đặt tiền “giọt dầu” chỉ đặt trên những ban thờ chính. Bộ cũng khuyến khích mỗi di tích chỉ nên có một hòm công đức.



















Kiên Trung