Mới nhìn, bạn sẽ không thấy quá nhiều sự đặc biệt trong khu vườn. Nhưng khi chuyện trò với chủ nhân của vườn rau, bạn mới thấy hết được sự chịu thương chịu khó của chị.
Vốn không gian đang ở là nhà đi thuê, nhưng có sẵn khoảng sân thượng, chị Lê Nhung (Hà Nội) vẫn dành thời gian dọn dẹp để thực hiện dự định đã ấp ủ từ lâu, đó là trồng rau sạch cho con ăn. Chị Nhung chia sẻ, ngoài mục đích yên tâm hơn khi chế biến thực phẩm cho con, cho gia đình, chị còn muốn trồng rau để xả stress và cho con được tiếp xúc với thiên nhiên, tạo khu vườn xinh xắn, trong lành để con được hòa mình với cây xanh và được lao động. Hiện tại, bé nhà chị Lê Nhung đã 4 tuổi và rất thích tưới rau cho mẹ.
Khoảng sân thượng nhà chị Nhung rộng 60m2 nhưng được chống nóng bằng tôn, chỉ có phần trên bếp và nhà tắm là trần ngang nên chị tận dụng khoảng diện tích rộng 15m2 đó để trồng. Thời gian đầu, chị xin vài thùng xốp ở hàng hoa quả về trồng đậu đũa, đậu cô ve và mướp đắng. Tuy nhiên, cây lớn mà không cho thu hoạch vì chị để ít đất, chỉ có đất phù sa mà không trộn hay tưới phân gì. Mục đích ban đầu là để 2 mẹ con cùng lao động nên cây lớn cũng đã thấy vui. Đến tháng 10 năm ngoái, chị quyết định mở rộng diện tích trồng và đa dạng các loại rau, vì thời gian này chị Nhung bận làm luận văn nên toàn thời gian ở nhà, ban đêm học, ngày có hôm đi làm, có hôm không, vì vốn chị làm giáo viên nên dạy theo lịch.
Để trồng rau tươi tốt như hiện tại, chị Nhung đã lên mạng tìm hiểu các cách trồng rau và thấy trồng rau thủy canh tĩnh là phù hợp nhất với điều kiện của mình. Vật tư trồng rau chị Nhung mua dung dịch thủy canh và mùn dừa ở siêu thị. Các thùng xốp thì chị đi xin ở hàng bán hoa quả.
Tuy nhiên, do không biết về mùa vụ trồng nên chị trồng nhiều loại rau trái vụ, rau không lớn, chị không thu hoạch được nhiều. Chị Nhung chia sẻ: 'Vào mùa đông nên mình chỉ thu hoạch được các thùng trồng rau cải (cải mào gà, cải bó xôi), và xà lách, các loại rau thơm. Đặc biệt các loại cây ăn quả như cà chua, dưa chuột mình cũng thử trồng thủy canh tĩnh nhưng thất bại, khi cây lớn bắt đầu cho quả thì cây chết do thối rễ. Mình tiếp tục tìm hiểu trên mạng và đã được những người có kinh nghiệm trồng rau sạch chia sẻ thêm. Mình học hỏi được cách pha dung dịch thủy canh nên tự pha mà không mua sẵn nên chi phí rất rẻ'.
Chị Nhung cho biết chị chuyển sang trồng rau thổ canh và tưới dung dịch thủy canh với các loại cây ăn quả cho thu hoạch rất tốt. Dưa chuột chị trồng vài cây mà cả nhà ngày nào cũng có dưa ăn không hết. Đặc biệt là đậu đũa rất sai và ngọt. Cây mướp hương trồng trong thùng sơn nhưng cũng cho tới hơn 50 quả. Rau quả nhiều khi ăn không hết còn mang cho chủ nhà và bạn bè.
Kinh nghiệm chị rút ra sau một năm trồng rau đó là đất trộn phải thật tơi xốp để rễ cây phát triển, khi trộn đất trộn thêm trấu, mùn dừa, đá perlite... để đất thật tơi xốp nhưng vẫn giữ ẩm tốt. Với rau ăn lá chị Nhung trộn thêm phân gà hoặc phân bò, còn cây ăn quả chị tưới dung dịch thủy canh.
Sau mỗi vụ trồng chị lại phơi đất hoặc xới đất để khoảng một tuần sau mới trồng cây. Đặc biệt là luôn luân phiên đất trồng cho cây ăn quả và rau ăn lá để hạn chế sâu bệnh. Mình phun dung dịch tỏi ớt để phòng bệnh cho cây, nếu cây bị bệnh nặng thì phun dầu khoáng hoặc nhổ bỏ.
Theo Em đẹp