- Nhiều phụ huynh - dù là hiện đại, nhưng theo nếp nghĩ văn hóa phương Đông - vẫn cho rằng: dạy giới tính cho trẻ nên kín đáo, tế nhị, thậm chí thêu dệt “chuyện ấy” thành những câu chuyện cổ tích. Họ né tránh việc nói trực diện về chủ đề này, và nghĩ rằng "chuyện đó" cứ lớn lên là các con sẽ khắc biết.


Nguồn ảnh: blog.critics.org
Vượt sốc để dạy em về sex


Khi là sinh viên năm thứ 3, Đại học Ngoại thương, Minh Tâm vẫn nghĩ rằng trẻ con được sinh ra… từ nách.

Tâm còn thấy "khiếp đảm" hơn nữa khi biết con trai mới lớn, đứa nào cũng xem phim sex. Buồn bã, thất vọng, Tâm mất niềm tin và hoang mang tột độ về cánh mày râu. Cô cho rằng xem phim sex là việc làm của những con người bệnh hoạn và hoài nghi bạn trai mình.

Cho đến một ngày, cậu em trai học lớp 9 của Tâm cũng cập nhật kiến thức về giới tính theo chính con đường đó. Em trai của Tâm không hề hiểu sex, giới tính, mộng tinh, cương cứng… là gì. Còn những hình ảnh trong phim càng lúc càng khiến cậu trai trẻ ám ảnh, rối loạn trong một mớ ảo giác.

“Nó còn quá nhỏ để nhận thức đúng về văn hóa phẩm đồi trụy, nhưng đã quá đủ lớn để hiểu biết về giới tính. Vậy mà phim sex lại đến với nó trước khi nó có một màng lọc kiến thức giới tính an toàn” - Minh Tâm lo lắng.

Vượt qua cú sốc của mình, Minh Tâm lại đối mặt với cú sốc của em trai, cô cậu viện bạn bè, người quen, và cả "giáo sư Gúc gồ" (Google).

Thường xuyên đi và về gần 300 km và gọi điện thoại cho em trai liên tục trong khoảng thời gian khó khăn , Minh Tâm trở thành "giáo viên dạy môn giới tính" và ổn định tinh thần cho em trai.

"Dường như mọi người đều trốn tránh web sex hoặc đưa nó vào danh sách 'cấm' khi dạy con cái. Trong khi đó cái bọn trẻ cần là biết được tác hại của web xấu để không chọn nó để giải trí nữa.

Chính vì thế, mình quyết định cùng ngồi với em trai, cùng nó vào xem tất cả những trang web xấu. Mình theo dõi mọi cảm xúc, diễn biến tâm lý của nó và giải thích.”

“Mình đã để em tự lựa chọn những gì nó thấy tốt cho nó.”- Minh Tâm vui vẻ nói về thành công của một người chị- “Nhưng mà mình phải luôn sát sao, quan tâm đến cảm xúc của em, lúc nào cũng trực tiếp, rõ ràng chứ không úp mở gì cả.”

Đau khổ khi con trai trở thành ... đàn ông


Vĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) được cha mẹ gửi sang châu Âu học một mình từ khi còn nhỏ. Mặc dù xa gia đình nhưng bố mẹ của Nam luôn cố gắng dạy bảo con khôn lớn. Mọi tham vọng của bố mẹ về cậu con trai thật giỏi giang, tự lập, Nam đều dốc lòng thực hiện cho kỳ được.

Sợ con "xa mặt, cách lòng", mẹ Nam luôn tỉ tê, tâm sự với con trai mọi điều, mong sao con không chểnh mảng, đua đòi theo các bạn khác, và đảm bảo luôn "trong tầm kiểm soát". Trong mắt của mẹ, Nam là một cậu bé ngoan, biết nghe lời, và tự chăm lo tốt cho bản thân.

Từ khi 15-16 tuổi, Nam "thích" bạn gái nào, mẹ đều biết và "định hướng" cho con trai. Mẹ Nam rất hài lòng vì nắm được các thông tin về cuộc sống của con, dù sống xa nhau, và yên tâm là con trai mình "đi đúng đường" trong chuyện tình cảm.

Nhưng khi phát hiện ra con trai mình nay đã trở thành ... đàn ông, mẹ Nam đã sốc tột độ. Những ngày hè ngắn ngủi về thăm nhà trở thành khoảng lặng bức bối và tổn thương tình cảm mẹ con.

Vì sợ con chưa kịp đổi tiền khi đi chơi với các bạn cũ, mẹ Nam tranh thủ để tiền vào ví của con trai. Chỉ trong giây lát, mẹ Nam tối sầm mặt, suýt ngất xỉu khi thấy trong ví của con mình có ... 2 chiếc bao cao su còn nguyên.

Quá choáng váng, nỗi thất vọng trào dâng về cậu con trai trong sáng "mới 18 tuổi đầu" đã biết trò "gái gú", mẹ Nam đã trút mọi cơn giận dữ vào Nam bằng nước mắt và những lời quát mắng thậm tệ.

Suốt gần 8 năm học ở nước ngoài, Nam lớn lên bằng sự bao bọc từ xa của cha mẹ. Nhưng về thể chất, đặc biệt là giai đoạn dậy thì, Nam lại trải nghiệm sự trưởng thành này một mình. Với Nam, đó là chuyện của riêng cá nhân - một "căn phòng" mà mẹ luôn phải đứng ngoài và phải "gõ cửa" khi muốn bước vào.

Bỗng dưng bị mẹ "đột nhập" vào thế giới riêng và trút cơn giận, Nam cảm thấy bị xâm phạm ghê gớm, Nam giận dữ quát lớn: "Sao mẹ lại lục ví của con?".

Sau ba tháng đau khổ và dằn vặt, mẹ của Nam mới nguôi ngoai nỗi "thất vọng", và chấp nhận một thực tế hiển nhiên: con trai mình đã không còn là cậu bé. "Lúc đó mình đã quá nóng nảy. Mình cũng rất ân hận khi không hề nghĩ tới việc nói cho con biết về những chuyện 'tế nhị' như giới tính, sex... Giờ nghĩ lại, thấy còn may mắn là nó đã biết cách tự bảo vệ mình" - mẹ Nam chia sẻ.

Dạy con từ thuở lên 5?


Trong khi đó, một bà mẹ khác đã quyết định dạy giới tính cho con từ khi 5 tuổi bằng cách tắm chung với con gái. Chị nói với con về sự quý giá của thân thể mình và không được để bất kỳ ai tùy tiện chạm vào.

Lên 8 tuổi, con gái của chị đã được dạy rằng quan hệ tình dục là đỉnh cao nhất của tình yêu và sẽ sinh ra em bé. Chị nhắn nhủ con khi nào chuyện đó mới xảy ra và nếu sớm hơn, nó sẽ có hại gì.

Khi con gái 11 tuổi, những gì đọc được trong sách báo khiến cô bé thắc mắc về “chuyện người lớn”, chuyện "cô" trứng gặp "cậu" tinh trùng. Cố gắng gạt bỏ tất cả những suy nghĩ rằng con còn bé quá, chị “nín thở” giải thích cho con một cách rõ ràng, khoa học nhất về quá trình thụ thai.

Dày vò trong lòng chị rằng liệu con có suy nghĩ “lệch chuẩn” hay không, chị vừa dạy con vừa không ngớt lo âu. Qua những câu hỏi và thái độ của con, chị mong rằng cách làm của mình vẫn “an toàn”.

Người mẹ kỳ công với hi vọng con lớn lên là một cô gái tự tin và hiểu biết, con sẽ chọn đúng con đường lành mạnh để hưởng thu những món quà tự nhiên của tạo hóa.

  • Nguyễn Hường - Lê Thu