Sự nhầm lẫn hay xảy xa khi người dùng cho rằng tốc độ mạng lên đến 100Mbps có nghĩa rằng mỗi một giây, lượng dữ liệu được tải xuống (hay upload lên mang) là 100 megabyte (MB). Tuy nhiên sự thật không phải là như vậy.
MB, Mb và marketing hiệu quả
Megabyte (MB) là một thuật ngữ dùng để nói về khả năng lưu trữ dữ liệu của các phần cứng chuyên dụng như ổ đĩa 500MB, ổ đĩa 1024MB (1GB), 2048 MB (2GB)… Còn megabit (Mb) là một tiêu chuẩn được các nhà cung cấp internet quy ước cho tốc độ mạng (hay tốc độ truyền tải dữ liệu). Việc chia nhỏ tốc độ thành các đơn vị bit/s có ý nghĩa hơn đối với nhà mạng, giúp tăng độ chính xác và mang tính tổ chức hơn.
Và tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể quy đổi đơn vị Mb sang MB để đưa về chuẩn chung thống nhất. Theo quy ước, 1 byte = 8 bit, suy ra 1 megabyte sẽ tương đương với 8 megabit, với một phép toán cơ bản, có thể tính ra được tốc độ 100MBps sẽ vào khoảng 12,5 MBps.
1 byte = 8 bit
1 megabyte = 8 megabit
12.5 megabyte = 100 megabit
1 gigabyte = 8 gigabit
Tuy vậy, xét về góc độ kinh doanh, nếu so sánh "gói cước mạng 12,5 MBps" và "gói cước mạng 100 Mbps", rõ ràng sẽ thấy con số 100 trông ấn tượng hơn nhiều, một thủ thuật nhỏ nhưng mang lại hiệu quả maketing vô cùng lớn, giúp thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Tốc độ thật sự có đúng như nhà mạng quảng cáo?
Các nhà mạng hiện nay thường quảng cáo rằng tốc độ gói cước sẽ đạt ở mức cao nhất, tức gói 100Mbps sẽ luôn ở mức 100Mbps, hay gói 5Mbps cũng luôn luôn đạt tốc độ tối đa 5Mbps.
Có thể, trong một khoảnh khắc nào đó chúng ta có thể sẽ thật sự nhận được "100Mbps, 5Mbps", tuy nhiên chỉ trong một khoảnh khắc mà thôi, bởi tắc nghẽn đường truyền, chiều dài đoạn cáp, mất dữ liệu, cường độ Wi-Fi…. sẽ là những yếu tố luôn tồn tại và "đảm bảo" tốc độ mạng mà bạn đang sử dụng sẽ không bao giờ đạt được mức tối đa.
Quang Minh