Là giáo viên tiểu học, biết rõ tác hại của việc cho con xem tivi không điều độ, tôi đã quán triệt với chồng hạn chế thời gian bé dành cho tivi.
Hôm qua, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, vợ chồng tôi đưa 2 bé sinh đôi Cún Cua sang nhà ông bà nội chơi và ăn cơm. Trong khi 2 bé nhà tôi hiếu động quấn quýt bên ông bà, chạy loanh quanh giúp mẹ lấy cốc nước, quả chanh thì các anh chị nhà bác cả, chú út không dán mắt lên tivi thì úp mặt vào ipad, iphone. Đứa nào đứa nấy đeo cặp kính dày cộp, điển hình nhất là cu Bin con chú Út, mới 5 tuổi chưa vào lớp 1 đã cận tới 2,5 điop.
Tác hại của việc xem tivi quá nhiều
“Xem tivi nhiều = đánh mất cuộc sống” hay “ bật tivi = tắt cuộc đời” là những câu nói phổ biến khi nói về tác hại của việc ngồi lỳ ở nhà, dán mắt vào tivi.
Thực tế, tác hại của việc cho con xem tivi quá nhiều không còn là vấn đề gì mới mẻ. Tuy vậy, nhiều mẹ vẫn cho rằng chỉ cần cho bé xem một chút để bé không làm phiền lúc làm việc, nghỉ ngơi thì không ảnh hưởng gì; song thời lượng “một ít” là bao lâu khi trẻ thường không có ý thức tự tắt tivi?
Bé xem tivi nhiều sẽ ít vận động thể chất, do đó dễ tăng cân, béo phì. Đồng thời, do chỉ mải mê xem tivi nên trẻ ít có những hoạt động bên ngoài, khả năng giao tiếp vì thế sẽ bị hạn chế. Việc xem tivi nhiều còn có thể gây nên các bệnh liên quan đến mắt, hệ thần kinh…
Là giáo viên trong một trường tiểu học ở thành phố, biết rõ tác hại của việc cho con xem tivi không điều độ, tôi đã quán triệt với chồng một số mẹo nhỏ dưới đây để hạn chế thời gian bé dành cho tivi. Thật may, các mẹo này đều “nghiệm” cả. Hai bé nhà tôi không bị phụ thuộc quá vào tivi cũng như các đồ công nghệ khác.
Xem tivi nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con (Ảnh minh họa) |
Game show gia đình
Mỗi tuần hai vợ chồng tôi dành ra hai tối, một tối cuối tuần và một tối giữa tuần tổ chức trò chơi cho cả 4 thành viên. Có khi tôi với Cún một đội, chồng tôi với Cua một đội, có khi hai bé “chấp” hai bố mẹ một đội.
Tôi và chồng thường tìm kiếm những trò chơi gia đình hay trên mạng, mong đem lại cho mình cũng như cho con những trải nghiệm thú vị. Có tối vợ chồng tôi cho các bé chơi những trò chơi dân gian mà tôi dám chắc phần đông các bé bây giờ không được biết đến như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây ... hoặc những trò chơi phổ biến hiện nay như cá ngựa, nặn đất sét, xé và dán giấy ...
Phần thưởng của đội thắng sẽ là được đội thua mát xa cho tất cả những ngày sau đó. Cả hai bé đều phấn khích và mong đến ngày game show diễn ra để được “phục thù”. Còn hai vợ chồng tôi thì tất nhiên là cười từ game show này đến game show khác.
Trò chơi dân gian sẽ giúp kéo bé ra khỏi màn hình tivi (Ảnh minh họa) |
Nhà mình cùng làm phim
Vợ chồng tôi bắt đầu mẹo này khi Cún và Cua cùng chuẩn bị vào lớp 1. Để phục vụ cho “công cuộc làm phim” của gia đình, chồng tôi đầu tư một chiếc máy ảnh có camera loại tốt. Thông thường, mỗi tháng gia đình tôi sẽ cho ra mắt một bộ phim hoặc một chương trình ca nhạc, lễ hội thời trang ...
Cả nhà sẽ làm cùng nhau, từ khâu viết kịch bản, chọn trang phục đến thiết kế sân khấu. Nói thì to tát thế thôi chứ sân khấu của gia đình tôi chính là tấm đệm trải trên sàn, bối cảnh làm phim cũng chỉ loanh quanh phòng khách, phòng ngủ nhưng sau mỗi “tác phẩm” là những trận cười sảng khoái và quan trọng hơn là tình cảm gia đình ngày càng bền chặt.
Thể thao 24/7
Mỗi chiều đi học về, Cua Cún đều theo đuôi bố ra công viên không đạp xe thì chạy nhảy. Sau khoảng thời gian khởi động, trọng tài bố sẽ huýt sáo (giả làm còi) để hai vận động viên nhí hoặc là thi nhảy lò cò, hoặc là thi xem ai đi bộ nhanh hơn mà không được chạy ...
Huy chương của mẹ khi thì là cây kem mát lạnh, khi thì là chiếc bánh nóng hổi mới ra lò. Vui nhất với tôi vẫn là hai bé khỏe mạnh, ăn ngon, ít ốm.
Trên đây là những chương trình truyền hình mà hai vợ chồng tôi đã biến tấu nhằm giúp hai bé hạn chế thời gian ngồi trước tivi. Đây đều là những hoạt động đơn giản, không cần chuẩn bị cầu kỳ, các mẹ hoàn toàn có thể áp dụng cho gia đình mình.
Bố làm trọng tài cho hai vận động viên nhí (Ảnh minh họa) |
Không cấm tuyệt đối
Hiện tượng bé xem tivi quá nhiều được coi là một “cơn lũ” của đời sống hiện đại, tuy nhiên nếu các mẹ biết quản lý đúng cách, bé vẫn có thể học được nhiều điều. Đối với hai bé Cua Cún, vợ chồng tôi cho các bé xem tivi với chế độ sau.
Về thời lượng, tôi cho hai bé xem theo quy tắc 2:2. Dưới 2 tuổi, tôi hoàn toàn không cho hai bé xem tivi hay chơi các game trên điện thoại, truyền hình. Khi bé được hai tuổi trở lên, thời gian dành tối đa cho tivi và game trên điện thoại là 2 tiếng mỗi ngày.
Để kiểm soát, tôi thường cái đặt chương trình tự động tắt máy. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể áp dụng khi các bé còn nhỏ. Về lâu dài, các mẹ nên hình thành cho con thói quen tự giác. Thêm vào đó, các mẹ có thể áp dụng những mẹo trên của gia đình tôi để giúp bé “bơ” tivi.
Về chương trình, các mẹ nên cho bé xem những chương trình có nội dung vui vẻ, liên quan đến thiên nhiên, làm việc tốt, phát triển trí thông minh. Một số chương trình phù hợp với độ tuổi của bé như Bibi, Discovery for Kids, Cartoon, Animal Planet…, những game tích cực như ô chữ, xếp hình, ai là triệu phú… sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ, kiến thức.
Trên đây là tất cả chia sẻ của vợ chồng tôi về những mẹo giúp ngăn chặn “cơn lũ tivi” cho các bé. Hi vọng những mẹo này có thể giúp ích được cho các mẹ và chúc các bé, các mẹ vui vẻ, hạnh phúc.
Chia sẻ của Mẹ Cua Cún
(Theo Khám phá)