Những ngày cận tết này, tại các bến xe khách ở Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm… lúc nào cũng nườm nượp khách đổ về. Ai cũng hối hả, chen lấn, xô đấy, để được lên xe về quê sớm…Tất cả đã tạo nên cảnh tượng hết sức lộn xộn. Đây chính là lúc để đạo chích được dịp hoành hành. Không ít người đã rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi đồ đạc bị mất vào tay những kẻ hành nghề "hai ngón" này.

Mếu dở khóc dở vì đạo chích

Buổi chiều ở bến xe Mỹ Đình, trời đã gần tối nhưng mẹ con chị Nguyễn Thị Tâm vẫn chưa hết bàng hoàng. Người mẹ đứng lặng người, không nói được câu nào. Cô con gái ngây thơ, chưa biết gì nên thỉnh thoảng lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao mình chưa lên xe về quê ăn tết hả mẹ?” Người mẹ không biết trả lời sao cho đứa con bé bỏng hiểu được.

Đứa bé ấy đâu biết rằng tất cả tiền bạc, điện thoại của hai mẹ con đã không cánh mà bay tự lúc nào. Chị Tâm kể: Lúc xuống xe 34, từ bến xe Gia Lâm xuống bến xe Mỹ Đình, vì đông quá, chị lại vướng ôm đứa con nhỏ, lại mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc nên không mắt nào để ý được. Khi hai mẹ con xuống xe, chị mới giật mình, chiếc ví và điện thoại chị cầm trên tay đã mất tự lúc nào không hay. Chị đã tìm mỏi mắt ở đó nhưng vẫn không thấy đâu nữa.
Cảnh giác với “lòng tốt” của xe ôm và cò xe ở bến xe ngày tết (Ảnh: LangBiang)
Cả hai mẹ con còn có 200 nghìn ra bến xe. Và bây giờ, hai mẹ con chị Tâm vẫn chưa biết tính sao để lấy tiền về quê, khi mà chiếc điện thoại để liên lạc cũng không còn.

Trường hợp của Vũ Thị Tuyến, sinh viên đại học sư phạm Hà Nội cũng không kém phần “dở cười dở khóc” ở bến xe khách Mỹ Đình. Vì biết rằng tết sẽ rất đông, nên khi được nghỉ học, Tuyến vội vàng thu xếp hành lí để hôm sau về quê luôn. Nhưng không ngờ bến xe lại đông vậy. Vốn đã từng bị mất điện thoại ở bến xe buýt nên Tuyến đã cảnh giác.

Nhưng rồi đồ đạc nào quần áo, quà tết…nên khi vừa mới chen qua một “rừng” xe ôm rất đông ở trước cửa bến, sờ đến ví tiền đã không thấy đâu. Biết là đã đã bị đạo chích “sờ túi” nên cô bạn chỉ biết tự trách mình; “Em chỉ còn 100 nghìn đi xe về quê, giờ bạn bè đã về hết, không biết sẽ vay mượn ai để về được đây” – Cô bạn mếu máo tâm sự.

Không chỉ vậy, mà nhiều bạn, dù đã “bắt tận tay” kẻ móc túi mình, nhưng rồi, đồ mất vẫn hoàn mất. Bùi Văn Tâm, sinh viên đại học Quốc gia Hà Nội than thở: Lúc đó, rõ ràng em đã bắt được tay hắn, nhưng hắn đã lấy được đồ của em, và còn đe dọa: “Mày thích gây sự à, mày thích gây sự à…” Lại thêm có rất nhiều kẻ khác cũng hùa theo, nên em đành cắn răng, bỏ đi cho qua chuyện.

Đó là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của không ít bạn sinh viên cũng như những người lao động về quê dịp tết này. Rất nhiều bạn, đã bị mất tiền ngay trước lúc lên xe, để rồi không biết vay mượn ai để có tiền về quê ăn tết.

Chiêu thức cũ, vẫn lợi hại

Ở Hà Nội có lẽ không ai là không biết đến tiếng tăm của đạo chích, hay còn gọi là những kẻ hành nghề "hai ngón" ở đây. Và cũng không mấy ai còn lạ lẫm với những chiêu thức tưởng chừng như đơn giản nhưng vẫn rất lợi hại của chúng. Vẫn là những chiêu thức cũ, những thủ đoạn cũ của bọn đạo chích, nhưng trong những ngày này, vì ai cũng có tâm lý vội vàng để được lên xe về quê sớm nên không ít người bị sa bẫy của chúng.

Cách thức hành nghề của đạo chích là chúng thường đi theo nhóm, từ 3 đến 5 người. Những địa điểm lí tưởng cho chúng mặc sức hoành hành là những nơi đông người, nhất là những bến xe khách, xe buýt, đặc biệt là thời điểm cuối năm nay. Thường thì chúng có một đối tượng chuyên theo dõi “con mồi” và đứng ngoài cảnh giác cho kẻ còn lại trực tiếp hành nghề. Chúng thường lợi dụng lúc đông người, chen lấn, xô đẩy để ra tay. Thời điểm thuận tiện nhất cho chúng là lúc hành khách lên xuống xe.

Vì dịp Tết này, ai cũng mang theo nhiều đồ đạc nên thường chủ quan ví tiền, điện thoại. Sau khi lấy đồ xong, chúng chuyển ra cho một kẻ đứng ngoài, để nếu bị phát hiện cũng dễ dàng tẩu tán. Đó là cơ hội tốt để chúng “bội thu” vào dịp cuối năm này.
Lúc chen lấn lên xe là cơ hội thuận lợi cho đạo chích ra tay (Ảnh: LangBiang)
Không ít những kẻ còn giả danh làm cò xe, hay tài xế xe ôm để lừa mọi người, nhất là những bạn sinh viên còn thiếu kinh nghiệm. Câu chuyện của Phạm Văn Đức là một ví dụ.

Đức là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Mới một năm lên Hà Nội nên cậu chưa biết nhiều về những thủ đoạn lừa bịp trên này. Khi cậu đang chưa biết làm thế nào với đống đồ đạc, quà tết, lại thêm một cây quất to nữa thì có anh xe ôm đến bảo: “Để anh mang vào trong bến cho”. Đức tin lời và để người thanh niên đó mang đồ vào bến giúp mình. Không ngờ, người đó mang đồ lên xe, rồi phóng đi mất. Lúc ấy, mấy người bên cạnh mới bảo cho cậu biết rằng, đó là bọn đạo chích ở bến xe đấy!

Đạo chích hoành hành ở đây đã lâu, ai cũng rất bất bình, nhưng như lời của Vân Anh, cô bạn đã 3 lần bị mất đồ vì đạo chích thì: “Có nói mãi, viết mãi cũng thế thôi, biết bao giờ mới hết được kẻ móc túi”.

Vì thế, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu hơn thì các bạn hãy tự bảo vệ mình. Khi ra bến xe, các bạn nên hết sức cảnh giác khi lên, xuống xe và tránh xa những chỗ đông người, nhất là xe ôm và “cò” xe. Ví tiền, điện thoại, các bạn nên để trong ba lô, và hạn chế sử dụng ở bến xe để tránh gây sự chú ý cho đạo chích.

Vẫn biết đạo chích là câu chuyện đã được nói nhiều, viết nhiều. Nhưng trong những ngày này, chúng ta nên hết sức cẩn thận với chúng. Vì chỉ một chút sơ ý là có thể niềm vui về quê đón tết của các bạn sẽ không còn được nguyên vẹn nữa.

Hãy cảnh giác! Đừng để mình là nạn nhân của đạo chích. Đừng để niềm vui về quê đón tết cùng gia đình của các bạn không được trọn vẹn.

LangBiang