Hàng triệu người dùng dịch vụ VoIP phổ biến nhất thế giới đang “giật mình thon thót” trước thông tin Microsoft, chứ không phải Facebook, mới là hãng sẽ thâu tóm Skype.


Trích dẫn một nguồn tin thân cận với vụ việc, tờ Wall Street Journal cho biết Microsoft đã gần thảo luận xong với phía Skype và một thương vụ trị giá hơn 7 tỷ USD có thể sẽ được công bố trước dư luận ngay trong tối nay.


Nếu thông tin này chính xác thì đây sẽ là vụ mua bán lớn nhất, hoặc gần nhất trong lịch sử 36 năm tồn tại của Microsoft, WSJ cho biết.
Skype được thành lập từ năm 2003 và đến năm 2005 thì được eBay mua lại với giá 3,1 tỷ USD.

Đến năm 2009, eBay đã bán một lượng lớn cổ phần trong Skype cho một nhóm các nhà đầu tư để đổi lấy 1,9 tỷ USD tiền mặt và một tấm séc trị giá 125 triệu USD. Hiện eBay còn nắm giữ khoảng hơn 30% cổ phần của Skype.

Tính đến năm ngoái, Skype hiện có khoảng 124 triệu người dùng thường xuyên, trong đó 8,1 triệu là đối tượng người dùng trả tiền, sử dụng Skype để gọi điện đến điện thoại cố định với giá cước rẻ.

Câu hỏi lớn nhất mà người dùng Skype đang quan tâm, là với truyền thống “tính tiền mọi sản phẩm bán ra” một cách chặt chẽ của mình, liệu Microsoft có giữ nguyên cơ chế hoạt động của Skype như hiện nay hay không, và nếu thay đổi, thì người dùng sẽ phải tốn kém thêm bao nhiêu?

Còn từ góc độ của giới phân tích, có vẻ như Microsoft đã “vung tay quá đà” trong thương vụ này, và bản chất của Skype cũng phù hợp với Google hay Facebook hơn là với gã khổng lồ phần mềm. Trị giá hơn 7 tỷ USD của thương vụ là cao gấp 8 lần doanh thu và gấp 26 lần lợi nhuận của Skype.

Tuy nhiên, Microsoft đang rất tuyệt vọng tìm kiếm một lĩnh vực kinh doanh Internet hấp dẫn bên cạnh Bing. Skype sẽ trở thành trung tâm truyền thông của Microsoft, nhất là trong khối doanh nghiệp, với các tính năng gọi điện, video conferencing và họp trực tuyến. Để Skype mang lại giá trị về mặt tài chính, Microsoft sẽ phải biến dịch vụ này thành ra một gói giải pháp tương tự như WebEX của Cisco, giúp doanh nghiệp tránh né được những hóa đơn tiền cước điện thoại khổng lồ mỗi tháng.  

Trọng Cầm (Theo Reuters)