– Miền Bắc và miền Trung tiếp tục trải qua đợt nắng nóng mới với nền nhiệt phổ biến 36-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Hiện tại, nhiệt độ tại khu vực phía Tây và phía Đông Bắc Bộ nhiệt độ cao nhất dao động từ 34-37 độ, có nơi trên 37 độ. Đi kèm đợt nắng nóng này là độ ẩm không khí cao (78-80%) nên tạo cảm giác oi bức, ngột ngạt.

Tại khu vực Hà Nội, nhiệt độ cao nhất trong ngày dự báo ở mức 36 độ nhưng ngay từ sáng sớm, nắng đã tràn ngập và thời tiết oi bức.

Miền Bắc đang trải qua đợt nắng nóng trên diện rộng

Toàn bộ khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế cũng đang trải qua những ngày nắng nóng mạnh do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn. Nhiệt độ tại khu vực này phổ biến ở mức 36-37 độ, vùng núi có nơi trên 37 độ.

Dự kiến đợt nắng nóng này sẽ còn kéo dài đến cuối tuần.

Thời tiết nắng nóng, oi bức ngột ngạt đã khiến nhiều trẻ em đổ bệnh. Tin từ bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trong những ngày nắng nóng vừa qua (tính từ chủ nhật, 17/6), lượng bệnh nhi đổ về bệnh viện tăng 20%, chủ yếu là bị sốt, tiêu chảy, viêm họng.

Ngoài ra, hiện nay cơn bão số 2 trên biển Đông ngày càng có xu hướng không gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta mà chỉ gây ảnh hưởng trên biển.

Bão số 2 gây ảnh hưởng trên biển (Ảnh: NCHMF)

Hồi 7 giờ ngày 19/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 350km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo đến 7 giờ ngày 21/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 26,2 độ Vĩ Bắc; 121,2 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Nhiều tàu cá gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa

Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW cho thấy đã thông báo và hướng dẫn cho: 55.428 tàu, lồng bè/258.042 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng đi chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều tàu gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời như tàu cá ĐNa 90538 trên tàu có 8 lao động bị nạn ngày 16/6, đến 20h30 ngày 17/6 tàu SAR 274 đã cứu kéo tàu bị nạn về đến Đà Nẵng an toàn.

Tàu cá QNa 91594 do ông Trần Bẹn làm thuyền trưởng, trú tại thôn 2, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trên tàu có 12 lao động. Bị hỏng máy trôi dạt lúc 10h30 ngày 17/6. Lúc 14h30 ngày 17/6/2012, tàu cứu hộ của Cảnh Sát biển vùng II (cảng Kỳ Hà) đã xuất phát đi cứu nạn, dự kiến sáng ngày 19/6 sẽ tiếp cận tàu bị nạn. Tàu vẫn giữ được liên lạc.

Tàu QNg 48818 TS, của ông Châu Hùng Binh (quê xã Phổ An, Đức Phổ, Quãng Ngãi) trên tàu có 8 lao động, ngày 17/6 bị sóng lớn đánh chìm, toàn bộ 08 thuyền viên trên tàu đã được tàu QNg 98746 TS của ông Nguyễn Tuấn cứu vớt...

Đặc biệt, còn tàu cá QB 92109 TS/07LĐ đang đánh cá ở tọa độ 16020’N - 109000’E bị mất liên lạc với gia đình lúc 19h30 ngày 16/6/2012. Cục Cứu hộ, cứu nạn đã điều tàu SAR đi tìm kiếm từ 6h30 ngày 18/6/2012 từ Đà Nẵng, hiện nay vẫn chưa có thông tin.

Cẩm Quyên - Vũ Trung

Ngọc Anh