- Dù Bộ TT&TT đã làm việc trực tiếp và có nhiều văn bản chỉ đạo tích cực nhằm giúp Đài Truyền hình TP.HCM và Đài PTTH Vĩnh Long tìm được tiếng nói chung trong việc thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (TDPS) khu vực Nam Bộ, song cho đến nay, quan điểm của 2 Đài vẫn còn rất khác nhau.

{keywords}

Chia sẻ tại phiên họp thứ 6 của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình chiều 24/7, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số (Bộ TT&TT) phản ảnh rằng, trong khi việc thành lập doanh nghiệp TDPS khu vực đồng bằng Sông Hồng đang diễn ra rất thuận lợi, thậm chí đang có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch đã được phê duyệt thì khu vực Nam Bộ lại không được suôn sẻ như vậy.

Trên thực tế thì chuyện hai đài TP.HCM và Vĩnh Long không thỏa thuận được với nhau về việc thành lập doanh nghiệp TDPS chung đã được nhắc đến từ các phiên họp trước của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực từ vận động cho đến chỉ đạo hai đài từ phía cơ quan quản lý, nút thắt này vẫn chưa được gỡ. Mấu chốt của mâu thuẫn nằm ở chỗ: Đài Truyền hình TP.HCM đề nghị được làm đơn vị chủ trì xin cấp phép thiết lập mạng, còn Đài PTTH Vĩnh Long đề nghị được đồng đứng tên trong giấy phép. Nếu phương án này không được duyệt, Đài Vĩnh Long đề nghị Bộ cấp 2 giấy phép riêng rẽ dành cho mỗi đài. Điều này đi ngược lại với quan điểm của Bộ TT&TT về hình thành các doanh nghiệp TDPS khu vực.

"Dù quan điểm của Bộ là ưu tiên thành lập doanh nghiệp TDPS địa phương, xác định đây là phương án tối ưu vì tận dụng được nguồn lực tại chỗ nhưng nếu họ nhất quyết không tìm được tiếng nói chung thì chúng ta cũng buộc phải cân nhắc các phương án khác, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của Đề án", ông Hoan nhấn mạnh.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 6 của BCĐ Đề án Số hóa. Ảnh: T.C

Theo đề xuất của Cục Tần số, trong giai đoạn chưa hình thành được doanh nghiệp TDPS truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Bộ, Ban chỉ đạo có thể giao doanh nghiệp TDPS toàn quốc như VTV tạm thời phủ sóng cho hai thành phố là HCM và Cần Thơ. Phương án cuối cùng sẽ tổ chức thi tuyển doanh nghiệp TDPS đủ điều kiện, nhưng trước đó sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt băng tần dự định sử dụng tại khu vực này.

Đây là một quy trình tốn nhiều thời gian và phức tạp nên Bộ vẫn mong muốn hai đài Truyền hình Nam Bộ hợp tác được với nhau trong thời gian tới, ông Hoan khẳng định.

Riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ thì Đài PTTH Hà Nội, Đài PTTH Hải Phòng và các đối tác gồm Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty Cổ phần dịch vụ Truyền thanh - truyền hình Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển truyền hình Hà Nội đã hợp tác thành lập Công ty Cổ phần TDPS truyền hình đông bằng Sông Hồng, viết tắt là RTB từ tháng 3/2014. Hiện hồ sơ của RTB đang được xem xét xử lý để được cấp phép thiết lập mạng TDPS khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Hoan kiến nghị Bộ TT&TT xem xét đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho RTB để đảm bảo kịp thời phủ sóng truyền hình số mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng trước 1 năm so với kế hoạch đã được phê duyệt.

Trọng Cầm