Ngày 30/7, Hậu Giang có kế hoạch đón công dân từ TP.HCM có nguyện vọng về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, Hậu Giang sẽ đón công dân của tỉnh đang học tập, lao động tại TP.HCM, không thuộc đối tượng F0, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và có nguyện vọng về địa phương.
Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở miền Tây đón công dân từ TP.HCM trở về |
Hậu Giang chia ra làm 3 nhóm ưu tiên. Nhóm 1, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người khuyết tật, người đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được. Lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng; học sinh, sinh viên.
Nhóm 2, lao động tự do, người lao động bị mất việc làm. Nhóm 3, các đối tượng khác.
Hậu Giang yêu cầu, công tác hỗ trợ tiếp nhận và đưa công dân trở về phải đảm bảo đủ ba điều kiện gồm: thực hiện đăng ký theo mẫu hướng dẫn của Sở LĐTB&XH tỉnh; được sự thống nhất của cơ quan chức năng tại TP.HCM, nơi công dân Hậu Giang đang cư trú và phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Dự kiến trong đợt 1, khoảng vào ngày 3 đến 4/8, Hậu Giang sẽ đón khoảng 200 - 300 công dân thuộc nhóm 1 về. Đợt 2, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến 12/8, tổ chức đưa các công dân thuộc nhóm 2 và nhóm 3 về, với khoảng 200 - 300 người.
Các đợt sau, căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các vùng dịch; dựa trên số lượng công dân đăng ký trở về sau khi được xét duyệt và khả năng tiếp nhận của khu cách ly...
Các tỉnh, thành miền Tây ra quân nhắc nhở, xử phạt người dân ra đường không có lý do chính đáng |
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết đã có văn bản gửi UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương về việc đón công dân về. Trong đó, TP Cần Thơ sẽ đón 400 công dân về từ TP.HCM và 600 người về từ Bình Dương.
“UBND TP Cần Thơ đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chuẩn bị khu cách ly để đón công dân về cách ly tập trung”, ông Hiện nói.
UBND tỉnh và UB MTTQVN tỉnh Trà Vinh trong ngày 30/7, đã ban hành kế hoạch phối hợp đón công dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trở về từ TP.HCM.
Đối tượng là công dân có hộ khẩu và nhà ở tỉnh Trà Vinh, đang lao động, học tập tại TP.HCM; không đang ở trong khu phong tỏa, khu cách ly có nhu cầu chính đáng, cấp thiết về tỉnh trong thời điểm hiện tại.
Trà Vinh ưu tiên người già yếu, khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người đi khám, chữa bệnh, lao động tự do mất việc, không có chỗ ở, sinh viên, học sinh, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công dân chấp hành và làm đủ thủ tục y tế tại nơi xuất phát trở về. Khi về đến tỉnh phải chịu cách ly tập trung theo quy định.
Để được tiếp nhận, Trà Vinh yêu cầu người dân phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính còn giá trị trong 72 giờ, trước thời điểm khởi hành. Người dân chịu chi phí ăn uống, sinh hoạt và các chi phí phát sinh trong khu cách ly.
Tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức cho ô tô lên đón, mỗi đợt từ 30 người trở lên, trong đó chỉ tổ chức tiếp nhận người, không tiếp nhận phương tiện.
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có văn bản về xây dựng kế hoạch đón công dân đang ở TP.HCM về. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH phối hợp cùng các Sở, Bộ chỉ huy quân sự, Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Vĩnh Long tại TP.HCM và các huyện, thị xã, thành phố rà soát số lượng người dân Vĩnh Long đang cư trú tại TP.HCM có nguyện vọng trở về.
Đồng thời, rà soát nguồn lực, khả năng tiếp nhận của tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch đón người từ TP.HCM có nguyện vọng trở về.
Sóc Trăng miễn chi phí cho người gặp khó khăn
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có văn bản gửi người dân Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TP.HCM và Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian chờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh với UBND TP.HCM, Bình Dương để xây dựng kế hoạch đón người dân về an toàn, chu đáo, đề nghị mọi người chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch.
Trường hợp người dân có về Sóc Trăng bằng xe máy hoặc phương tiện khác phải đến ngay trạm y tế khai báo và thực hiện cách ly tập trung. Đối với người dân đang gặp khó khăn, tỉnh sẽ miễn phí toàn bộ chi phí ăn uống, sinh hoạt, xét nghiệm trong thời gian cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, Cà Mau đã có chủ trương và rất mong muốn đón công dân của tỉnh ở vùng dịch gặp khó khăn về quê.
Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất và năng lực của tỉnh chưa đáp ứng để thực hiện. Theo ông Thánh, số ca F1 đang cách ly tập trung tại tỉnh khoảng 900 người, số cách ly tại nhà trên 2.500 người.
Hiện nay số giường điều trị Covid-19 là 240 giường, 150 máy thở. Số giường để thực hiện cách ly tập trung khoảng hơn 1.200 giường...
Theo ông Thánh, ở Cà Mau, số lượng người đi lao động, học tập, trị bệnh ở ngoài tỉnh là rất đông.
Theo thống kê, số người về quê vào dịp Tết năm rồi là khoảng 230.000 người, và hiện số người dân còn kẹt ở lại ở các tỉnh cũng rất lớn. Trong đó, số lượng người mong muốn về quê là khoảng vài chục ngàn, tập trung ở các tỉnh, thành có diễn biến dịch phức tạp.
Trong khi điều kiện của tỉnh chỉ có khoảng hơn 1.000 giường cách ly tập trung và số giường điều trị chỉ có hơn 240 giường.
“Hiện tại để xử lý hỗ trợ bà con, trước mắt lãnh đạo tỉnh chủ trương thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương tiếp tục rà soát đối tượng thực sự khó khăn để tìm các nguồn hỗ trợ.
Qua đó vận động bà con còn trụ được ở TP.HCM thì cố gắng ở lại, hạn chế tối đa về quê. Trong tuần này sẽ triển khai hỗ trợ cho bà con khó khăn”, ông Thánh thông tin.
Hoài Thanh
Tỉnh đầu tiên ở miền Tây đưa hàng trăm dân rời TP.HCM về quê
Sau các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Bến Tre là tỉnh đầu tiên của miền Tây tổ chức đưa đón công dân đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM về quê bằng ô tô miễn phí.