Để đưa lãi suất cho vay tiêu dùng về mức cạnh tranh, có lợi cho người đi vay, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn riêng cho hoạt động của các công ty tài chính trong lĩnh vực này.

Thị trường 10 tỷ USD/năm

Hoạt động cho vay tiêu dùng (CVTD) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia như một xu hướng tất yếu gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, CVTD đã tăng mạnh và “nở rộ” trong khoảng 5 năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp, giới trẻ, học sinh sinh viên...

{keywords}

Với trên 91 triệu dân, các chuyên gia dự báo thời gian tới thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam sẽ rất phát triển bởi nếu chỉ 1/9 dân số (tức khoảng 10 triệu người) vay tiêu dùng mức bình quân 50 triệu đồng/năm, thì tổng số tiền cho vay đã có thể đạt mức 500.000 tỷ đồng.

Một báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính (StoxPlus) cho thấy, nếu như năm 2013 cho vay tiêu dùng đạt gần 188.000 tỷ đồng (khoảng gần 8,9 tỷ USD) và mức tăng trưởng trên 12% (chiếm 5,4% GDP), sang tới năm 2014, hoạt động này đã đạt trên 225.000 tỷ đồng, tăng 12% và chiếm khoảng 6,2% trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, tương đương khoảng 6% GDP.

Dịch vụ CVTD phát triển không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, nâng cao đời sống xã hội mà còn góp phần không nhỏ vào việc hạn chế “tín dụng đen”, mở ra cơ hội cho nhiều người tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức, dưới sự quản lý và bảo vệ của pháp luật.

Tăng trưởng bình quân 20%/năm

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nếu so sánh với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ… thì thị trường CVTD tại Việt Nam còn khá “nhỏ lẻ”.

Tại các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng thường chiếm từ 17- 18% GDP, còn đối với Việt Nam hiện nay thị trường này mới chỉ ở mức 5- 6%. Dự kiến trong 5 năm tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dư nợ CVTD có thể đạt tới 10% GDP, tức là tăng bình quân 20%/năm.

Điều này không chỉ hứa hẹn sự bùng nổ về các sản phẩm, dịch vụ CVTD mà còn tạo ra sức ép đối với các tổ chức tín dụng muốn xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường.

Đồng thời để người dân có thể tận dụng được những lợi ích từ cơ hội trên, lãi suất cho vay cần thiết phải được điều tiết một cách hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả tổ chức tín dụng và khách hàng, có như vậy thị trường tài chính tiêu dùng mới có thể phát triển lành mạnh.

Quản lý bằng hành lang pháp lý

Để quản lý tốt mặt bằng lãi suất CVTD tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Tiến Đông, Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động CVTD của các công ty tài chính. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của công ty tài chính trong việc công bố thông tin, giải thích, hỗ trợ khách hàng, giúp khách hàng hiểu và có quyết định đúng đắn trước khi ký hợp đồng tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cần từng bước nâng cao năng lực tài chính, vốn điều lệ, hệ thống quản trị rủi ro, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị; đặc biệt là xây dựng được các mô hình chấm điểm tín dụng hiệu quả để xác định lãi suất cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng .

“Đặc biệt, cơ quan chức năng và các tổ chức tín dụng cần làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ về tài chính tiêu dùng; tăng cường nhận thức về quản lý tài chính trong cộng đồng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng”, TS. Đông nhấn mạnh.

Thúy Ngà