- Hai tuần trước, Đức vua Abdullah của Ả-rập Xê-út đã quyết định mở trường đại học dành cho nữ sinh lớn nhất thế giới.



Nằm tại vùng ngoại ô thủ đô Riyadh, Đại học Princess Nora bint Abdulrahman là nỗ lực đầy tham vọng tại quốc gia hồi giáo này. Trường có thể nhận tới 50.000 sinh viên theo học và sinh viên nữ cũng có nhiều cơ hội được học các lớp như kinh doanh hay khoa học hơn. Trường có một bệnh viện, các phòng thí nghiệm và thư viện.

Đây là ý tưởng hoàn toàn tốt đẹp (nếu bạn tự cho mình quên đi những quy định nghiêm khắc mang tính phân biệt nam nữ của vương quốc này). Vấn đề là ở chỗ, chuyện gì sẽ xảy ra với những nữ sinh này sau khi tốt nghiệp?

Nhiều phụ nữ Ả-rập Xê-út được đào tốt, nhưng nữ giới lại chỉ chiếm chưa đầy 15% trong lực lượng lao động – và thu nhập còn thua xa nam giới.

Nadya Khalife - chuyên gia của tổ chức Theo dõi Nhân quyền - nói: “Chúng tôi cần phải đánh giá xem liệu ngôi trường mới này có mở ra thêm những lĩnh vực từng chỉ do nam giới độc chiếm cho phụ nữ hay không”.

Báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2010 xếp Ả-rập Xê-út hạng 129 trong số 134 quốc gia, và nước duy nhất phụ nữ không được trao quyền chính trị: tháng Ba, nước này tuyên bố lệnh cấm bầu cử đối với phụ nữ sẽ vẫn được duy trì.

Phụ nữ Ả-rập Xê-út bị buộc phải sống dưới sự kiểm soát của những giám hộ nam giới, thường là cha hoặc chồng, mà nếu không có quyền của những người này, họ không được tìm việc làm, đi lại hay mở một tài khoản ngân hàng. Họ không thể rời nhà một mình hay đi đâu không đeo khăn che mặt, và bị cấm lái xe.

Khalife nói: “Đảm bảo quyền phụ nữ ở Ả-rập Xê-út không phải chỉ đơn thuần là mở ra các trường đại học lớn, mà cần phải đảm bảo phụ nữ được học tất cả các ngành và có thể tìm việc trong những ngành này trong tương lai. Cách Ả-rập Xê-út phân biệt nam và nữ trong vấn đề việc làm khiến cho nữ giới càng khó tiếp cận hơn với một số công việc nhất định.

Chính phủ Ả-rập Xê-út từng hứa đảm bảo luật sư nữ, những người hiện được chỉ phép làm việc trong lĩnh vực hành chính, có thể đảm nhận các vụ kiện tại tòa, nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có quyết định nào được đưa ra. Trong khi mở một trường đại học lớn là dấu hiệu cho thấy Ả-rập Xê-út đang quan tâm giáo dục phụ nữ, nước này vẫn còn nhiều việc phải làm để dỡ bỏ những quy định hạn chế việc làm của nữ giới”.

Đình Ngân (theo Guardian)