Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM vẫn phải sản xuất trong khu dân cư. Trong khi đó, muốn mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải vào được khu công nghiệp tập trung. Thế nhưng việc này không hề dễ dàng. 

 

{keywords}
Nhà máy công nghiệp hỗ trợ đặt tại khu Công nghiệp Hiệp Phước (ảnh: Băng Dương)

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết, khu công nghiệp có nhiều điều kiện tốt hơn về mặt hạ tầng. Doanh nghiệp sẽ điều kiện để đầu tư bài bản, chiều sâu hơn với tính chuyên môn hóa cao.

Được biết, TP.HCM đã quy hoạch 3 khu vực, để ưu tiên tiếp nhận các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: KCN Hiệp Phước Giai đoạn 2 với 200ha; KCN Lê Minh Xuân 3 là 100 ha; Khu Cơ khí ô tô 60ha.

Cụ thể, KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 với tổng diện tích 200ha đã tính đến hình thành cụm khu công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ 1 có diện tích 80ha, hướng đến ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM như: cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su - chất dẻo… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống.

Theo Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA), rào cản đầu tiên là giá thuê đất của nhà nước với công ty hạ tầng cũng chưa được xác định.

{keywords}
Mặt bằng tại khu công nghiệp Hiệp Phước- Giai đoạn 2 (ảnh: Băng Dương)

Danh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc rất nhỏ nên ban đầu khi quy hoạch tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã hình thành những lô đất từ 750 - 1.500m2. Tuy nhiên, việc chia lô đất nhỏ như vậy lại không phù hợp với nhiều doanh nghiệp cần quy mô lớn cũng như đầu tư hạ tầng liên quan.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, đây là một bài học lớn khi xây dựng quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ. Quy hoạch cũng phải tính đến việc phù hợp với từng nhà đầu tư chiến lược mới thật sự phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho hay, công nghiệp hỗ trợ phải là hỗ trợ của ngành hàng gì, xoay quanh những nhà đầu tư chiến lược nào chứ chúng ta không nói chung chung. Cái này cần có sự quan tâm quyết liệt trong quy hoạch phát triển công nghiệp của từng địa phương, đặc biệt là TP.HCM.,

HEPZA cho biết trong giai đoạn còn lại sẽ không quy hoạch các lô nhỏ; đồng thời xây dựng quỹ nhà xưởng tiêu chuẩn hoặc nhà xưởng cao tầng trên những lô đất lớn, sau đó chia ô nhỏ cho dễ tiếp nhận các doanh nghiệp để tránh việc lặp lại những vướng mắc cũ.

Các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, có lợi thế thu hút các FDI lớn, thuận lợi để kết nối. Thêm vào đó, khu công nghiệp hỗ trợ sẽ giải quyết bài toán đầu tư chiều sâu và chuyên môn hóa cao.

Phát triển cụm, khu công nghiệp hỗ trợ được các chuyên gia nhìn nhận là 1 trong 5 giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành. Bởi khi doanh nghiệp hình thành cụm sản xuất, chi phí logistics và giá thành sản phẩm sẽ giảm, được xem là tiền đề để tham gia các chuỗi cung ứng FDI.

Kế hoạch của TP.HCM đặt ra đến năm 2025 là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng 65% nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng đây là mục tiêu khá cao vì doanh nghiệp chỉ đủ khả năng cung ứng các đơn hàng lẻ, quy mô nhỏ.

Vì vậy, cần phải sớm giải bài toán cụm, khu công nghiệp hỗ trợ để góp phần tăng tính liên kết doanh nghiệp mới hi vọng có thể về đích trong vài năm tới.

Thu Uyên