- Việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo ngành y, dược đã gây xôn xao dư luận. VietNamNet  trao đổi với GS Nguyễn Ngọc Lanh và TS Võ Xuân Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên Giáo sư tại Trường ĐH Y Hà Nội: “Đủ điều kiện mở ngành y cực kỳ khó”

Hiện có 2 bất cập của đào tạo sinh viên ngành y. 

Thứ nhất là cơ sở vật chất, sinh viên không được thực hành, chủ yếu nhìn là chính. Ở các chuyên khoa, phòng thí nghiệm sinh viên cũng chỉ nhìn là chính, thực hành ít.

{keywords}
Ảnh Văn Chung

Thứ hai là việc giảng dạy không theo phương pháp tích cực. Người thầy không những phải đủ trình độ, chuyên môn mà sinh viên còn phải được dạy theo hướng này. Mỗi buổi thảo luận 1 thầy chỉ nên có 20 - 30 sinh viên để hướng dẫn.

Ở Việt Nam, tôi cũng từng tham gia để huấn luyện các thầy dạy theo phương pháp mới, nhưng do sinh viên quá đông, mỗi giảng đường cả trăm sinh viên, giảng viên khó lòng hướng dẫn các em thảo luận được.

Từ những lí do này dẫn tới chất lượng đầu ra sinh viên ngành y hiện là thấp.

Về chuyện trường nào được phép mở ngành y, tôi cho rằng chỉ cần đáp ứng được yêu cầu thì họ được mở.

Nhìn ra thế giới, các nước như Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ,...đều có ngành y trong các trường đào tạo tổng hợp. Tại Pháp, tôi từng có thời gian thực tập ở ĐH Paris 6 một tháng. Đây là trường đào tạo tổng hợp và y đa khoa chỉ là một khoa của trường nhưng về quy mô thì lớn hơn nhiều so với Trường ĐH Y Hà Nội của ta.

Về điều kiện mở ngành, thứ nhất là người thầy của họ có xứng đáng đứng bục giảng hay không, dạy mà nhầm kiến thức là chết. Hiện số thầy ngành y đã về hưu nhưng còn sức khỏe cũng nhiều. Họ có chuyên môn, năng lực tốt. Nhưng muốn đảm bảo dạy học theo phương pháp tích cực như trên đã nói không hề dễ.

Thứ hai muốn ông thầy phát huy thì trang thiết bị, giảng đường, cơ sở thực hành, số bệnh nhân phải đủ đáp ứng để sinh viên thực hành.

Hiện nay sinh viên đến bệnh viện không có quyền thực hành trên bệnh nhân. Có loại bệnh cần giữ lại cho sinh viên học nhưng BV giờ phải phấn đấu giải phóng bệnh nhân càng nhanh càng tốt nên sinh viên nhiều em học 6 năm ra trường rồi mà bệnh thông thường thậm chí chưa chuẩn đoán ra được.

Nói như vậy để thấy phải cực kỳ khó khăn mới mở được một chuyên ngành đào tạo y khoa.

Với các trường công lập, hiện chịu sự quản lí của Bộ Y tế việc thực hành tại các bệnh viện của sinh viên còn khả thi. Nhưng với các trường ngoài công lập đây là bài toán không dễ có lời giải.

Còn nói về đầu vào ngành y, với điểm trúng tuyển 20 tôi thấy khó để đảm bảo chất lượng đầu ra. Y là ngành học khó, học thuộc lòng nhiều, phương pháp tự học phải tốt,...Nếu nguyên vật liệu đầu vào không tốt e rằng cày cục 6 năm rồi ra trường vẫn khó làm việc được.

Về chuyện đào tạo, tôi cho rằng muốn có đầu ra đảm bảo thì các kỳ kiểm tra phải tăng nhiều ở thực hành. Hỏi lý thuyết có thể sinh viên vẫn nói được nhưng phải làm mới biết năng lực anh đến đâu. Vậy thì dạy sinh viên thế nào để họ đưa ra quyết định đúng đắn. Không thực hành thì không chuẩn đoán được.

TS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm y khoa EXSON, TP.HCM: “Tôi rất lo ngại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y”

Cách thức thi cử hiện nay của chúng ta không phản ánh đúng được chất lượng đòi hỏi đầu vào của ngành y. Bao nhiêu điểm không quan trọng lắm, nếu ngoài 3 môn đó ra còn có thêm tiêu chí khác. Nhưng theo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thông báo chỉ xét tuyển trên tổ hợp 3 môn thi, thì rõ ràng chất lượng thí sinh 20 điểm thua thí sinh 27, 28 điểm.

{keywords}
TS Võ Xuân Sơn

Nếu bổ sung thêm được tiêu chí xét tuyển thì tốt, tùy theo đặc điểm của ngành, của trường mà thêm kiến thức chung về xã hội, tâm lý học, giao tiếp, các bài kiểm tra để đánh giá tâm lý có ổn định hay không, kiểm tra về tâm tính con người.

Và muốn đào tạo được tốt nhất, phải nhìn xem xã hội đang thiếu gì. Về chuyên môn, thì phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vấn đề bệnh học, sinh lý học, cách xử lý dược học, độc học… Nhưng phải rèn luyện được kỹ năng thể hiện được sự quan tâm với người bệnh, cách tiếp xúc với người bệnh. Ở Việt Nam, đây là vấn đề yếu nhất.

Đào tạo y không chỉ trường công lập mới làm được. Tôi ủng hộ đào tạo tư nhân. Nếu trường tư có tâm huyết, có tài chính thậm chí còn tốt hơn trường công lập, bởi không bị những vấn đề khác, như cử tuyển, kéo mặt bằng chất lượng xuống. Trường tư còn mạnh ở cơ chế, nên kéo được nhiều giảng viên giỏi về trường.

Nhưng đấy là lý thuyết. Ở Việt Nam, trường ngoài công lập đáng được tin cậy không, hay chỉ để kiếm tiền? Nếu chỉ đào tạo để xà xẻo, theo kiểu giật gấu vá vai, thì đương nhiên là không tốt.

Có những đơn vị nếu làm trường tư thì tôi sẽ tin, ví dụ như Vincom. Nếu bây giờ họ lập trường đại học y dược, tôi sẽ tin bởi họ đã làm bệnh viện bài bản, thể hiện tiềm lực tài chính, nhân sự. Nhưng quả thực nếu những trường như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm tôi rất lo ngại.

Để đào tạo y khoa, trường phải có ít nhất là phòng xác, với đủ số lượng xác, để học môn giải phẫu, phải có đủ số lượng phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học... cơ sở thực nghiệm và thực tập. Cho đến nay, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có đủ cơ sở vật chất này chưa vẫn chưa ai rõ.

Quan trọng nữa là nhân sự. Để có được một đội ngũ giảng viên thực sự có đủ khả năng giảng dạy, đào tạo, lại là chuyện khác. Hiện nay tại nước ta, số lượng các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ biết giảng dạy, biết soạn thảo giáo trình giảng dạy y khoa không nhiều. Nếu thiếu lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ" này, thì dù cho cơ sở vật chất có tốt đến mấy cũng không thể thành công được.

Một điều nữa, không biết Bộ Giáo dục có điều nghiên kĩ chưa. Số lượng trường đào tạo trình độ Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa của chúng ta bây giờ có lẽ đã hơi bị nhiều.

Hiện nay, có một cuộc khủng hoảng thừa điều dưỡng, với khoảng , ½ số người học điều dưỡng ra trường đang thất nghiệp. Không biết với tốc độ này, khi nào thì sẽ có cuộc khủng hoảng thừa bác sĩ?

Nếu không có quy hoạch sẽ tạo ra hệ thống xã hội rất tệ.

Trong tình hình đào tạo như hiện nay, chúng ta cũng cần đặt vấn đề kiểm soát đầu ra với chuẩn mực chung cho ngành. Cho các trường được đào tạo khi đủ điều kiện, nhưng việc cấp chứng nhận (lisence) làm việc là vấn đề quốc gia, không còn là vấn đề của trường nữa.

Việc này cần một cơ quan độc lập đứng ra thực hiện, ví dụ như Y sĩ đoàn. Cơ quan này điều tra xã hội về nhu cầu bác sĩ cần bao nhiêu, tiêu chuẩn như thế nào. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước, từ những dữ liệu đó đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, đưa ra chương trình khảo nghiệm quốc gia để khảo sát. Những người qua được cuộc khảo sát này mới được hành nghề bác sĩ, chứ không phải chỉ tấm bằng tốt nghiệp của trường rồi mười mấy tháng làm việc trong bệnh viện.

Kết luận thẩm định của 2 bộ về điều kiện mở ngành y, dược của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Đoàn thẩm định kiểm tra của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã kiểm tra tại cơ sở của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại Từ Sơn – Bắc Ninh, ngày 5/10.

Trong Biên bản Thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, kết luận của trưởng đoàn thẩm định (là ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) như sau: “Đây là ngành đặc thù nên Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế để thẩm định các điều kiện mở 2 ngành Y đa khoa và Dược học.

Về cơ bản nhà trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ bám theo các điều kiện mở ngành (Thông tư 08) và tham khảo các điều kiện mở 2 ngành này tại công văn số 7836 của Bộ Y tế; cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thư viện về cơ bản đã bám theo quy định của Bộ GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo 2 ngành Y đa khoa và dược học. Hồ sơ đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư 08.

Đề nghị trường bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên đoàn thẩm định để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo.

Đoàn thẩm định ủng hộ việc mở ngành đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện Hồ sơ mở ngành. Tuy nhiên, trường cần làm rõ về việc trình thành lập phân hiệu của trường tại cơ sở Từ Sơn mà Đoàn đã thẩm định trên đây và nêu rõ lý do cần thiết đề nghị Bộ cho phép mở 2 ngành nói trên trước khi được thành lập phân hiệu”.


Xôn xao ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y, dược

Quyết định của Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và ngành Dược học trình độ đại học hệ chính quy đang gây xôn xao.

  • Ngân Anh – Văn Chung ghi