- Sáng 5/7, cùng lúc với kỳ thi tuyển sinh đại học căng thẳng đang diễn ra, tại TP.HCM, giới giáo dục phổ thông lại cùng ngồi với nhau lý giải tại sao nhà trường lại nặng về dạy chữ.

 

{keywords}

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm báo chất lượng và chất lượng SGK giáo dục phổ thông ngày 5/7 tại TP.HCM.

Kết quả không cao, mất tín nhiệm hiệu trưởng?

NGƯT Nguyễn Văn Khánh - PGĐ Sở GD- ĐT Tiền Giang đặt vấn đề, trong tình hình “học để thi, thi để có bằng cấp, bằng cấp cần phải danh giá” thì thầy cô cũng bị cuốn vào vòng “dạy để thi” . Vấn đề này dẫn đến tình trạng các hiệu trưởng, hiệu phó cũng tổ chức trong trường theo hướng “Dạy và học để thi”- cho nên các cơ sở giáo dục đều rơi vào quỹ đạo “chú trọng dạy chữ hơn dạy người và dạy nghề...”

Ông nêu thực tế: “Khi hỏi một số hiệu trưởng THPT, THCS thì được trả lời rằng: Thi như thế nào thì phải học như thế đó. Nếu tôi không làm vậy, tỷ lệ tốt nghiệp của trường tôi kém hơn trường bạn thì khó lắm. Và khi tỷ lệ tốt nghiệp của trường tôi 70% thì huyện ủy, sở đánh giá như thế nào, tôi có được làm hiệu trưởng nữa không?”

Giám đốc Sở GD- ĐT Cà Mau Thái Văn Long nêu quan điểm, không phải nước ta chưa chú trọng giáo dục, rèn luyện tư suy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu mà đã quan tâm và rất quan tâm. Nhưng do dạy chữ, dạy người, dạy nghề chưa có giải pháp đồng bộ. Hơn nữa, thi và kiểm tra cái gì thì người dạy, người học cũng đều theo đó mà thực hiện.

TS Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu Giáo dục tiếp lời, GD mới chỉ tập trung vào kết quả, giúp cho học sinh học lên, nhưng chưa giúp học sinh tham gia vào thị trường lao động. Chúng ta chỉ mới tập trung vào cái chung như gia đình, đất nước, xã hội, trong khi đó phát triển cá nhân đang bị thả nổi. Qua những kì thi quan trọng, thành tích cho thấy học sinh được đánh giá cao nhưng lại thiếu tính say mê học tập.

"Và thực tế, chúng ta đòi hỏi tính tuân thủ của học sinh quá nhiều làm cho các em thui chột đi tính tự chủ" - TS Dung đưa ra mâu thuẫn.

{keywords}

TS Nguyễn Kim Dung

Nên có luật giáo dục phổ thông

Trước bất cập đặt ra, ông Thái Văn Long đề xuất: Cần làm rõ và bổ sung những bất hợp lý của hai khái niệm nhà giáo và quản lý giáo dục. Đồng thời, cần có Luật dạy học phổ thông để điều chỉnh việc dạy học phổ thông.

“Về đề án đổi mới SGK, cần xác định mốc thời gian sử dụng cho năm học 2015- 2016 hay 2016- 2017. Từ nay đến 2015 không còn bao lâu nữa, muốn triển khai đại trà ít nhất cũng phải có thời gian triển khai thử nghiệm hoặc thí điểm" - ông Long nói.

Nhận định về chương trình SGK THPT, TS Nguyễn Kim Dung thẳng thắn: Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tài năng cho học sinh, SGK mới chỉ là sách cơ bản, sách nâng cao cũng chỉ hơn 20% sách cơ bản, nên các trường chuyên thường phải tìm tòi để tự dạy, tự học. Giáo viên cũng chỉ tập trung dạy cho học sinh thi cử, thiếu những giáo viên có tính sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo, rồi lại đi đổ cho chương trình..thế này, thế khác…

“Cần có chương trình khác nhau cho đối tượng học sinh khác nhau, chúng ta có phân ban nhưng phân ban chưa triệt để, năng lực hướng nghiệp chưa được chú trọng, môn học rời rạc, học chưa liên kết được với nhau. 

Do đó, việc viết SGK nên theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa để các địa phương, sở, các trường lựa chọn tài liệu giảng dạy…Đồng thời những nhà quản lý phải là những nhà quản lý giáo dục chuyên nghiệp tránh tình trạng quản lý bận rất nhiều thứ, kiêm rất nhiều việc…như hiện nay" - TS Dung góp ý.

Các 'máy cái' cũng phải thay đổi

Đại diện cho giáo viên phổ thông, cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho rằng đã có rất nhiều ý kiến bảo là nội dung SGK gần đây chắp vá, trong khi chúng tôi thấy phù hợp.

“Đúng là tâm lý học để thi nên chú trọng dạy chữ là có, nhưng không phải trường nào cũng đi theo hướng học để thi. Chúng ta đòi hỏi một học sinh phải đậu đại học, phải đậu tốt nghiệp thì bắt buộc các giáo viên như chúng tôi cũng phải gò các em. Đơn cử dự thi môn Hóa đại học chỉ có 90 phút để làm 50 câu trắc nghiệm thì bắt buộc học sinh cũng phải lăn ra mà học” - cô Cúc nêu bất cập.

Theo cô Cúc, các trường sư phạm hiện nay chưa quan tâm đến nghiệp vụ sư phạm. Cho nên giáo viên mới ra trường yếu về nghiệp vụ sư phạm, thậm chí rất yếu kém về kĩ năng và xử lý tình huống đặc biệt là giáo dục đạo đức cho học sinh. Bắt buộc khi chúng tôi mời các em về dạy thì vừa, dạy cho học trò và dạy cho cả những giáo viên mới ra trường.

PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục cũng đề xuất, để biên soạn SGK phổ thông cần có đội ngũ tác giả giỏi về chuyên môn, kiến thức sâu rộng về các môn học giao thoa, khả năng viết, đặc biệt là am hiểu giáo dục phổ thông, có thể chọn những giáo viên dạy giỏi ở trường phổ thông để biên soạn.

"Ngoài ra, SGK nên trang bị cho trường phổ thông, các trường cho các em mượn để sử dụng, khi học xong trả lại cho nhà trường. Như vậy vừa tránh lãng phí xã hội, tiết kiệm kinh tế." - ông Oanh đề xuất.

  • Lê Huyền