90% giao dịch thanh toán của người Việt là sử dụng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước định hướng từ cách đây 12 năm và được kỳ vọng sẽ tạo nhiều thay đổi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới nay tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chính của người dân.
Trong phát biểu mới đây, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: “Hiện 90% giao dịch thanh toán của người Việt là sử dụng tiền mặt. Nghĩa là chỉ có 10% sử dụng thanh toán qua các loại thẻ. Mục tiêu nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt vào năm 2020 là khá thách thức”.
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia đến 89%. Theo một thống kê khác của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.
Vài năm gần đây, thị trường xuất hiện hàng loạt công ty fintech cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán qua các ví điện tử. Theo đánh giá của Visa, người tiêu dùng Việt Nam tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số bởi tính tiện lợi và tốc độ thanh toán nhanh chóng, khi thẻ tín dụng cũng như thẻ ghi nợ được sử dụng thường xuyên hơn trong cả giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.
Mobile Money - lời giải cho bài toàn không dùng tiền mặt
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ thí điểm Mobile Money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.
Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Theo đó, tài khoản viễn thông đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.
MobiFone sẵn sàng triển khai dịch vụ Mobile Money
Hiện tại nhà mạng như MobiFone cũng đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin được triển khai dịch vụ Mobile Money. Nhà mạng này cho rằng, Mobile Money là một loại tiền điện tử cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và thanh toán sử dụng điện thoại di động, sẵn sàng phục vụ những người chưa có tài khoản ngân hàng.
Các nhà mạng nói chung, MobiFone nói riêng còn cho rằng, dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính… thông qua điện thoại di động.
Mobile Money là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với định hướng của Chính phủ. Với vùng phủ rộng của các thuê bao điện thoại di động, Mobile Money còn là công cụ hữu hiệu trong việc chuyển đổi số trong nền kinh tế số.
Người dân có thể sử dụng dịch vụ này để thanh toán, chuyển tiền, rút tiền, nạp tiền, thu hộ chi hộ… cho các hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ.
Đại diện MobiFone chia sẻ, Mobile Money - hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán là hết sức khả thi trong giai đoạn hiện nay với tỉ lệ người dân đều sở hữu điện thoại di động cao đến hơn 90%.
Phát triển thanh toán qua di động có thể sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và MobiFone sẽ chứng minh được lợi thế của mình khi triển khai dịch vụ Mobile Money.
Ngọc Minh