Trên đời này, chẳng có bà mẹ nào hoàn hảo cả, nhưng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành một bà mẹ tuyệt vời, theo cách của riêng mình.

Profile:

Mẹ: Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Chũn)

Con trai: Alexis, 5 tuổi

Con gái: Emily, 3 tuổi

Alexis và Emily là hai em bé lai Pháp – Việt, sinh ra ở Indonesia và hiện đang sống ở Malaysia

Khi đọc những comment trên Facebook của mẹ Hà Chũn, khi nhìn những con số lượt share các note, bài viết của chị về việc luyện ăn, luyện ngủ, hay đối phó với các cơn khủng hoảng của con, khi ngắm những bộ sưu tập váy như “hàng hiệu” chị tự may cho con gái… ắt hẳn rất nhiều mẹ cực kì ngưỡng mộ chị - một bà mẹ thông thái và hoàn hảo. Nhưng, nếu bạn tiến lại chị ấy đủ gần, quan sát và lắng nghe chị ấy chia sẻ đủ lâu thì bạn sẽ cảm nhận được rất rõ một thông điệp mà mẹ Hà Chũn luôn muốn gửi đến tất cả các bà mẹ, đó là “trên đời này, chẳng có bà mẹ nào hoàn hảo cả, nhưng bất cứ ai cũng đều có thể trở thành một bà mẹ tuyệt vời, theo cách của riêng mình”.

{keywords}

Ba mẹ con chị Hà Chũn trong chuyến đi nghỉ ở New Zealand.

“Hãy làm mẹ một cách thật bình tĩnh”

Làm admin của một group đông đảo thành viên, lại được rất nhiều bà mẹ trẻ tin tưởng chia sẻ, hành trình làm “tổng đài tư vấn” giải đáp thắc mắc của các mẹ giúp chị nhận ra “tâm trạng” chung của các mẹ Việt hiện nay khi nuôi con là gì?

- Mình rất cảm ơn sự tin tưởng và yêu quý của các mẹ, nhưng quả thật nhiều lúc cũng “bốc hỏa” phết đấy, vì có những chuyện nói mãi, nói suốt, nói đi nói lại rồi mà vẫn cứ phải… nói lại (cười). Mình nhận thấy, các mẹ Việt hiện nay đang có chung mấy “tâm trạng”, một là “Sợ”, nhất là sợ con khóc, nghe tiếng con khóc là cuống lên và xử lý loạn tùng bậy; hai là “tâm lý sợ làm sai”, làm cái gì cho con cũng nghĩ ngay là không biết làm thế này có sai không và ba là “quên mất cách tận hưởng con”, nuôi con là công việc chủ yếu và nhiều hơn là nuôi và dưỡng. Các mẹ mất đi niềm vui khi cho con ăn, cái này là nặng nhất.

Một sự thật diễn ra hàng ngày là các mẹ chăm chăm hết nhìn vào nhìn bát cháo đến cốc sữa của con mà quên không nhìn con xem con “thưởng thức” việc ăn đó như thế nào chính là một trong những tứ khoái của đời người. Hành trình cho con ăn dặm rất vui nếu mẹ biết cách, và không hề thiếu dinh dưỡng. Thế nên, mình nghĩ rằng, cần phải bình tĩnh làm mẹ, để biết cách thư giãn, thả lỏng và nghĩ mọi chuyện thật đơn giản mà tận hưởng cuộc đời làm mẹ của mình.

{keywords}

Là một bé gái, Emily được mẹ Hà dạy về cách ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe ngay từ nhỏ.

Chị có nghĩ “tiêu chuẩn” của những bà mẹ hiện đại dường như là hình ảnh bà mẹ cứng rắn, đôi khi “lạnh lùng” (để thành công trong luyện ăn, luyện ngủ...), kiên quyết và tuyệt đối không chiều chuộng con?

- Mình nghĩ để luyện ăn luyện ngủ thành công không cần phải lạnh lùng, mà cần sự quan sát tốt, mềm dẻo và quan trọng nhất là tính kiên nhẫn. Mẹ muốn nuôi con và dạy con, theo mình cần có sự hiểu biết về rất nhiều thứ, về nhu cầu sinh học, nhịp sinh học, các bệnh thường gặp, tâm lý trẻ nhỏ và áp dụng linh hoạt trong cuộc sống. Làm mẹ như là làm bác sỹ, y tá, nhà tâm lý và luật sư trong nhà. May mắn là không có trường đại học nào dạy làm mẹ mặc dù việc nuôi dạy người là việc vô cùng quan trọng và khó khăn, chứ không chắc mình cũng chả đủ điều kiện mà đỗ nữa (cười).

Nuôi con khoa học thực sự là một “cuộc chiến” đối với các bà mẹ ở Việt Nam. Nó là “cuộc chiến” với những người xung quanh, với chính bản thân người mẹ, chị có cảm thấy như vậy?

- Nuôi và dạy con chưa bao giờ là dễ. Nuôi và dạy con giống như mình hay để tránh những sai lầm cuộc đời mình, cái đó còn khó hơn. Mình nghĩ để nuôi và dạy con, việc tìm hiểu và cập nhật các kiến thức là vô cùng quan trọng. Kiến thức cho bố cho mẹ cho ông bà, khi mọi người được tiếp cận khoa học thì những tranh chấp và bất đồng trong gia đình về việc nuôi dạy con sẽ giảm. Dù ở Tây hay ở Ta, người ta quan niệm ông bà sinh ra để chiều con, điều đó là đương nhiên. Nhưng khi bố mẹ có quan điểm rõ ràng trong nuôi dạy con, và ông bà học được cách tôn trọng “bố mẹ chúng nó” và không can thiệp sâu, biêt dừng lại đúng chỗ thì làm gì có cuộc chiến!

{keywords}

Khi con chơi ở ngoài trời đủ lâu, sau giai đoạn chán sẽ đến giai đoạn sáng tạo. Alexis nhặt được một cái que, mô phỏng lại một câu chuyện đã được đọc, học làm phù thủy cưỡi chổi có sức mạnh vô biên và lòng tốt vô tận, cô em sẽ được đóng vai con mèo của phù thủy.

Chị có nghĩ hình ảnh người mẹ là phải “vì con quên mình”, lúc nào cũng phải ngọt ngào, mẫu mực...?

- Mình nghĩ nếu mất đi niềm vui và cuộc sống của bản thân thì còn gì là sống. Ai cũng chỉ sống một lần, làm những điều mình thích, mình tâm đắc, mình đam mê. Khi mẹ hạnh phúc thì người được lợi nhiều nhất là con, khi mẹ được bố yêu người được lợi nhất cũng là con vì thế, mẹ phải yêu mình, yêu bố, yêu gia đình thì con mới là người được lợi nhất. Nói thế không có nghĩa là mẹ đơn thân thì con sẽ không hạnh phúc, mà đôi khi mẹ hạnh phúc cũng đã đủ để làm con hạnh phúc.

Không ai là hoàn hảo cả, mẹ đôi khi cũng mắc lỗi, làm sai và không ngọt ngào, cáu giận. Mẹ phải học được cách xin lỗi con khi mẹ sai thì mới dạy con được cách nhận lỗi và không đổi tội cho hoàn cảnh. Mẹ hạnh phúc là mẹ dạy cho con về giới hạn. Có những lúc mẹ cần được một mình, làm những việc riêng của mẹ, khi đó con tôn trọng và làm việc của con, y như khi con làm việc riêng của con mà mẹ không can thiệp và không phá quấy.

{keywords}

{keywords}

Những bộ váy mẹ Hà Chũn tự thiết kế và may cho con.

Trao cho con trí tưởng tượng và sự sáng tạo

Có phải vì thế mà trong khi các mẹ “quay cuồng” với các phương pháp giáo dục sớm, phát triển trí thông minh sớm… thì chỉ thấy mẹ Hà Chũn quanh đi quẩn lại chuyện ăn, ngủ, ị của con?

- Mình không quan tâm đến giáo dục sớm, con sẽ phát triển khi con sẵn sàng. Mình kích thích sức sáng tạo của con bằng cách đưa con đến tận nơi, sờ tận tay vào thiên nhiên, hiện vật, bảo tàng. Để cho con có thời gian một mình, để chán, để kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng tự có. Mình cũng không cho con dùng iphone, ipad và các trò chơi tương tác trên các sản phẩm đó, thời gian xem tivi cũng chỉ 30 phút mỗi ngày vì con sẽ cập nhật những câu chuyện đơn giản để con không rời xa thời cuộc. Thời gian còn lại, mình đưa cho con những cuốn sách, những tờ GIẤY TRẮNG và một cây bút chì và việc còn lại là ở con.

Nếu chỉ chơi với giấy trắng, bút chì… thì chắc lũ trẻ sẽ chán rất nhanh, chị có bí quyết gì để liên tục tạo hứng thú cho con không?

- Ví dụ khi mình chỉ chơi ghép hình với con lần đầu, nếu quá khó thì mình vẫn để con tự xoay xở các lần sau, đôi khi con nổi cáu vì không làm được, mình dặn con có thể “bỏ qua”, tạm đi đâu đó và quay lại làm sau để qua đó dạy con cách tự điều chỉnh tâm lý của mình, vượt qua “sự bế tắc” lúc đó để bình tĩnh làm lại tốt hơn ở lần sau. Những trò chơi không cần công nghệ, mình thích thế, mình nghĩ Steve Job phải bế tắc đến thế nào mới tạo ra được các sản phẩm diệu kỳ, hay như con người phải có ước mơ lớn thế nào mới tạo ra tàu thuyền nối các lục địa, máy bay nối liền bầu trời. Khi ấy họ làm gì có công nghệ, họ không bỏ phí hàng giờ ngồi xem ti-vi. Họ ngắm sao và mơ đến các vùng trời mới. Mình nghĩ trí tưởng tượng, sức sáng tạo và những ước mơ chính là món quà ý nghĩa nhất dành cho trẻ nhỏ.

Trong chuyến đi nghỉ ở New Zealand 20 ngày không iphone, ipad, tivi, điện thoại của nhà mình vừa rồi, có quãng đường nhà mình lái xe 600 km liên tục 10 giờ, mình bảo các con cứ nhìn lên trời, tưởng tượng những đám mây kia là những hình thù gì, rồi mẹ và con đọ với nhau xem hình của ai hay hơn, thế là quãng đường xa trở nên cực kỳ dễ chịu.

{keywords}

Chị có nghĩ rằng “mỗi đứa trẻ một cách dạy” và khi dạy con chị chú trọng nhất “bài học” nào?

- Đúng là mỗi bạn một tính cách, mỗi hoàn cảnh một cách xử lý và mỗi cá tính một cách tiếp cận đấy. Khi nuôi con gái là Emily, mình dạy con về ăn uống nghiệm ngặt hơn, nhưng với Alexis thì mình dạy con trai về sự dũng cảm, lòng can đảm nhiều hơn. Nhưng con gì thì con, đầu tiên mình luôn dạy con tôn trọng ngưới khác, thật thà trung thực vì cái đó tạo nên nhân cách.

Emily được mình dạy ăn rau, dạy ăn đủ, nói chung giờ vẫn chưa đâu và đâu nhưng dạy ăn tất cả mọi thứ, chú trọng vào rau. Dạy thói quen ăn những thứ tốt cho sức khỏe. Nhiều bạn cũng hỏi mình vì sao dạy con gái lại phải dạy về ăn uống, thì thế này, vì con gái phải dạy từ bé về văn hóa và cách ăn, thời gian về Pháp mình thấm 1 điều là người Pháp kỹ về ăn lắm, ẩm thực là tinh hoa của họ, món ngon có rất nhiều, phải học cách ăn mỗi thứ một tẹo để có thể nếm hết được món ngon mà không ảnh hưởng đến vóc dáng bản thân. Con gái ăn rau để đẹp mà!

{keywords}

{keywords}

Luôn để con chạm tay vào thiên nhiên, chủ động khám phá thiên nhiên và học hỏi từ thiên nhiên là quan điểm dạy con của chị Hà và chồng.

Mọi người đều dành từ “thông thái” và “hoàn hảo” để dành tặng chị đấy! Chị thấy mình "thông thái" nhất ở điểm nào, "hoàn hảo" nhất ở điểm nào?

- Haha, mình cảm ơn mọi người tín nhiệm, chưa bao giờ mình tin vào sự hoàn hảo và mình không tin mình có tí gì gần đến hoàn hảo cả.

Còn về thông thái, nhờ ơn nuôi dạy của gia đình, bố mẹ tạo điều kiện cho đi học tiếng nước ngoài từ bé, lại dạy cho thói quen nghiên cứu và thu thập thông tin. Tất cả những thứ ấy (thông tin từ nhiều nguồn, nhiều thứ tiếng) tạo thành kiến thức. Vẫn còn nhiều điều mình chưa/ không biết và vẫn đang học hỏi, đọc hàng ngày.

Cảm ơn chị, chúc chị nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền cảm hứng cho các mẹ.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi biết đến Hà Chũn là khi Facebook báo đứa bạn thân nhất của tôi share link một bài viết tên là “Viết về trẻ sơ sinh từ nghìn năm trước” của chị, khi đó, cũng là một bà mẹ có con nhỏ, tôi hào hứng click vào đường link đó và đọc. Bài học mới mẻ đầu tiên tôi học được từ chị là “Mọi đứa trẻ sơ sinh đều sinh thiếu tháng” và vì thế trong 3 tháng đầu đời, việc mẹ nên làm nhất là giúp con có được cảm giác ấm áp và an toàn như đang ở trong bụng mẹ vậy. Cảm ơn chị Hà rất nhiều về những chia sẻ vô cùng gần gũi và thực tế đó.

(Mẹ Trần Linh Chi, Hà Nội)

Ngày nào mình cũng phải lượn vào Facebook nhà chị Hà, lúc thì để ngắm hình bạn Alexis và bạn Emily tinh nghịch lém lỉnh, lúc thì đọc mấy cái status đầy ngẫu hứng của chị Hà để thấy đời vui hơn và (tất nhiên) là vào đọc và học hỏi các bài viết của chị chia sẻ về việc nuôi con, dạy con một cách khoa học với hi vọng rất nhỏ nhoi là sẽ “đào tạo” được bạn gái nhà mình giống như 2 bạn nhà chị Hà. Đối với mình, chị Hà vừa là một người bạn vui tính, gần gũi, vừa là một người chị ân cần, lại vừa là một kho tàng kiến thức bổ ích từ Đông Tây kim cổ những chuyện “hoành tráng” đến vài ba thứ vụn vặn bếp núc, may vá tỉ mẩn. Lâu lâu cứ có gì khó là lại lôi chị Hà ra tâm sự, hỏi han mất vài tiếng đồng hồ. Một người bạn - người chị chưa từng gặp mặt nhưng thật sự để lại cho mình rất nhiều ấn tượng và thực sự rất đáng ngưỡng mộ.

(Mẹ Nguyễn Thanh Hương, TP Hồ Chí Minh)

(Theo Màn Ảnh Sân Khấu)