Việc phá sản doanh nghiệp nhỏ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng coi là chuyện bình thường. Như Nhật Bản có tới 70.000 doanh nghiệp phá sản hằng năm.
Theo dự báo của tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, với tình hình CPI tháng 7 đang có xu hướng tăng trở lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó có đợt cung tiền mạnh trong quý III. Do vậy, khó có khả năng giảm mạnh lãi suất. Nguồn vốn vẫn bị hạn chế, nên sẽ có những thêm doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ngành bất động sản, “âm thầm” phá sản. Trung bình mỗi năm nước ta có 25.000/597.000 doanh nghiệp phá sản, hiện chỉ còn hơn 356.000 doanh nghiệp... “sống sót”.
5 tình thế “đè” doanh nghiệpTại hội thảo “Ngân hàng – Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”, tổ chức tại TP HCM ngày 23/8, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, trước đây, mỗi năm chỉ “mất” khoảng 10.000 doanh nghiệp, nhưng con số doanh nghiệp khai tử đã gia tăng với tỷ lệ 34% trong hai năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cũng theo bà Hằng, một cuộc khảo sát của VCCI gần đây, có tới 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn kho 100% sản phẩm bán ra. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách tín dụng, lãi suất, ngoại tệ gây ra.
Thạc sĩ Bùi Văn, Chuyên gia kênh đầu tư tài chính (FBNC), cụ thể hóa thực trạng đó bằng 5 tình thế hiện nay là lạm phát, lãi suất cao nhất khu vực, chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường chứng khoán ảm đạm, trong khi các dự báo liên tục thay đổi. Gánh nặng này đang đè lên các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ảnh minh hoạ
Nhưng Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, việc phá sản doanh nghiệp nhỏ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng coi là chuyện bình thường. Như Nhật Bản có tới 70.000 doanh nghiệp phá sản mỗi năm, “đó là hệ quả của cạnh tranh...”. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp nhỏ và vừa phát biểu trong hội thảo, nếu đào thải theo thị trường thì không có gì để nói, nhưng bản chất có công bằng hay không khi khối doanh nghiệp Nhà nước được vay hưởng các khoản vay ưu đãi, trường hợp làm ăn không hiệu quả vẫn tồn tại, trong khi doanh nghiệp ngoài Nhà nước không sống sót. Rõ ràng là sự cạnh tranh không lành mạnh.
Rủi ro từ vay USD
Cái khó này đang đè cái khó khác. Nguồn cung tiền và tín dụng đang giảm mạnh so với năm 2010, thậm chí, giá trị huy động thấp hơn dư nợ, cho thấy ngân hàng chưa thoải mái về nguồn vốn cho vay. Đặc biệt là các ngân hàng nhỏ đang tăng trưởng quá mạnh về tín dụng, thiên về các dự án bất động sản với vòng quay vốn chậm…, nên gặp khó về thanh khoản. Thống kê 6 tháng, ngân hàng nhỏ tăng huy động bình quân 7%, còn ngân hàng lớn tăng bình quân huy động 2%. Điều này đã khiến các ngân hàng vào cuộc đua, kéo lãi suất huy động và cho vay đều tăng. Vì điều này, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải hoạt động cầm chừng vì không thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ngất ngưởng. Nếu không được tháo gỡ thì chuyện đồng loạt phá sản sẽ diễn ra trong nay mai. Theo các doanh nghiệp, hiện lãi suất doanh nghiệp có thể tiếp cận vẫn phổ biến 20 – 25% một năm, có doanh nghiệp còn chịu lãi vay lên tới 40%.
Để đỡ khổ, doanh nghiệp xoay qua vay ngoại tệ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cảnh báo, việc vay và cho vay ngoại tệ sẽ khiến doanh nghiệp và ngân hàng rủi ro vào cuối năm. Bởi doanh nghiệp đang đẩy mạnh vay UDS, trong khi huy động USD của các ngân hàng giảm, có thể tạo ra sự cầu USD để trả nợ. Mặt khác, nếu vàng vẫn tiếp tục tăng và NHNN cho nhập không giới hạn, thì khả năng ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay USD. Như vậy, người dân thấy lãi suất tiền gửi VNĐ giảm, sẽ chuyển VNĐ sang USD, làm tăng cầu USD.
Tự cứu mình
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. Theo khảo sát của VCCI, hiện rất nhiều doanh nghiệp không chịu nổi mức lãi suất, phải “buông tay”, tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi phương hướng sản xuất kinh doanh.Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn bám sát Nghị Quyết 11, tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm lạm phát. Chính sách tài khóa tiếp tục được thắt chặt. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tăng chi phí vay vốn USD để giảm bớt nhu cầu vay USD của doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường theo dõi thị trường để nâng cao khả năng dự báo cung cầu ngoại tệ, không để tỷ giá biến động. Cũng theo bà Hồng, trong bối cảnh lạm phát cao, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng đã có những điều chỉnh kinh doanh để khắc phục. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên tiết kiệm vốn để sử dụng hiệu quả hơn. Đây là biện pháp phát triển lâu dài và ổn định.
(Theo Đất Việt)