Tê liệt vận chuyển hàng hải toàn cầu
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy một con tàu nào bị mắc kẹt tại đây lâu như vậy”, Fatman, một phụ nữ địa phương cho hay. Bà đã sống cả cuộc đời tại đây, chứng kiến những con tàu đi lại qua kênh đào này. Ever Given sừng sững như một pháo đài lớn bên cạnh những ngôi nhà thấp tầng và đồng ruộng.
Những đứa trẻ con tỏ ra thích thú khi nhìn thấy hình ảnh lạ mắt. Một số người chụp ảnh tự sướng với con tàu khổng lồ này hoặc vẫy tay chào phi hành đoàn. Còn những người khác như Fatma mơ mộng về những gì nó đang vận chuyển đến các thị trường thế giới.
Kể từ khi con tàu mắc kẹt vào tuần trước đã khiến một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới bị đình trệ, người dân nơi đây đã có một dịp hiếm hoi chứng kiến một sự kiện mà kết quả của nó là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu.
Con tàu khổng lồ khiến người dân lạ lẫm |
Theo nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Inchcape, tàu Ever Given đã được "giải cứu”. Trước đó, Ai Cập cho biết công tác giải cứu tàu container siêu trường siêu trọng này có thể phải đến ngày 30/3 mới hoàn thành. Từ ngày 23/3, tuyến đường vận chuyển trên biển đông đúc nhất thế giới chứng kiến cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng, sau khi tàu Ever Given mắc cạn và xoay ngang trên Kênh đào Suez.
Kênh đào Suez dài 190km, rộng 205m và sâu 24m, đi vào hoạt động từ năm 1869. Đây là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông vận chuyển sang châu Âu và Bắc Mỹ. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 50 tàu di chuyển qua tuyến đường này và năm 2019, tàu chở container chiếm khoảng 53% trọng tải trung chuyển.
Tổng thống Gamal Abdel-Nasser đã quốc hữu hóa kênh này vào năm 1956, giành lại nó sau 8 thập kỷ kiểm soát của Anh và chống lại cuộc xâm lược của các lực lượng Israel, Anh và Pháp, củng cố vị thế của ông là một nhà lãnh đạo Ả Rập đầy cảm hứng. Năm 2015, một dự án trị giá 8 tỷ USD được khởi công để tăng lưu lượng tàu bè qua đi cũng như tăng doanh thu.
Thiệt hại tỷ đô
Theo SCA, năm 2020, tổng cộng 19.000 con tàu - trung bình 52 tàu mỗi ngày - đi qua Kênh đào Suez với tổng giá trị hàng hóa 1,17 tỷ tấn. Hàng hóa vận chuyển qua kênh đào này chủ yếu là hàng khô như ngũ cốc và khoáng sản, và dầu.
Chính vì thế, khi sự cố xảy ra, gián đoạn giao thông tại Kênh đào Suez gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương cũng như cả ngành công nghiệp vận tải biển. Mỗi giờ tàu Ever Given mắc kẹt càng gia tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Chi phí vận chuyển đường biển tăng phi mã, mức lạm phát cao càng khiến nguồn cung tại nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng. Theo Lloyd's List, mỗi ngày Kênh đào Suez bị tắc nghẽn làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa trị giá 9,6 tỷ USD.
Tàu Ever Given có kích thước khủng |
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, nếu tuyến hàng hải quan trọng này không sớm được khai thông trở lại. Việc các lô hàng không được giao đúng thời gian sẽ dẫn đến việc nhà sản xuất không nhận được các bộ phận cần thiết cho dây chuyền lắp ráp, hoặc các nhà bán lẻ không kịp nhận lô hàng cho mùa xuân.
Theo thống kê, hơn 280 tàu vận tải đủ loại hàng hóa - từ ngũ cốc tới ô tô - đang mắc kẹt phía sau tàu Ever Given. Dự kiến, khoảng 300 tàu sẽ tiếp tục tới kênh đào Suez trong hai tuần tới. Lối thoát duy nhất cho các tàu hiện nay là đi vòng qua châu Phi - đồng nghĩa hành trình sẽ tăng thêm 5.000km, lênh đênh trên biển thêm hơn 1 tuần và tiêu tốn khoảng 500-1.000 tấn nhiên liệu/tàu.
Những tuyến đường biển quan trọng |
Theo CNBC, nhiều tàu vận tải đã phải đổi hưởng vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi để tránh tình trạng tắc nghẽn tại Kênh đào Suez. Dữ liệu quan sát cho thấy, ít nhất 2 tàu chở khí ga của Mỹ đã đột ngột đổi hướng giữa Đại Tây Dương, di chuyển về phía mũi Hảo Vọng thay vì đến Địa Trung Hải để qua Suez. Một số tàu hiện phải lựa chọn hướng đi này, dù đây là phương thức tốn kém hơn.
Các quan chức châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về những tác động lâu dài hơn, đặc biệt là sau khi tình trạng tắc nghẽn được giải tỏa. Đó là một lượng tàu lớn đột ngột cập cảng có thể gây tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng tại châu Âu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Kẻ khóc người cười
Với những công ty bảo hiểm, sự cố này khiến họ có thể mất hàng triệu USD. Wall Street Journal dẫn lời các cơ quan chịu trách nhiệm về bảo hiểm cho tàu Ever Given, các yêu cầu bồi thường trách nhiệm đến từ chủ sở hữu của con tàu có thể sẽ lên tới hơn 3 tỷ USD.
Các chuyên gia bảo hiểm dự đoán nhiều chủ lô hàng, cũng như chủ tàu, đang bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez, sẽ tìm cách đòi bồi thường từ bảo hiểm trách nhiệm của Ever Given. Bảo hiểm trách nhiệm của tàu container là một phần của thỏa thuận có từ những năm 1800, theo trang web của Nhóm Hội P&I Quốc tế. Nhóm này cung cấp bảo hiểm trách nhiệm cho khoảng 90% trọng tải hàng hóa viễn dương trên thế giới.
Ever Given khiến các công ty bảo hiểm toàn cầu thiệt hại nặng nề |
Hiệp hội P&I tại Anh cho hay họ đã đồng ý đối với khoản bảo hiểm cho chủ sở hữu tàu Ever Given cho một số khiếu nại "có thể phát sinh từ sự cố như thế này, ví dụ như thiệt hại gây ra cho cơ sở hạ tầng và khiếu nại với tình trạng cản trở giao thương". Ngoài ra, bản thân con tàu cùng số hàng hóa này cũng nhận được bảo hiểm.
Một đặc điểm trong khoản bảo hiểm trách nhiệm pháp lý trị giá 3,1 tỷ USD đối với Ever Given là thỏa thuận gộp quyền biểu quyết trong 13 Hiệp hội Bảo hiểm P&I để chi trả cho các yêu cầu bồi thường từ 1 sự cố có thiệt hại lên đến 100 triệu USD. Việc tái bảo hiểm sẽ nâng mức bồi thường thêm 3,1 tỷ USD, cùng với đó là thêm 1 tỷ USD cho tình trạng ô nhiễm. Theo Shaw, hơn 20 trong số 25 công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới ủng hộ khoản này cho Ever Given.
Đối với những chủ sở hữu của các con tàu chở dầu thì đó lại là một sự kiện mang đến vận may bất ngờ. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 3,62 USD (6%) lên 64,41 USD/thùng, sau khi giảm 5,9% trong phiên trước, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,42 USD (5,9%) lên 61,18 USD/thùng, sau khi giảm 6,2% trong phiên trước.
Theo nền tảng phân tích dầu khí Vortexa Analytics, 10 tàu chở khoảng 13 triệu thùng dầu đã bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn, khiến giá dầu thế giới tăng khoảng 5%.
Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đã khiến chi phí vận tải biển tăng vọt đối với trên tất cả các tuyến đường, trong đó có chặng đi từ Trung Đông tới Trung Quốc. Kể từ đầu tháng 2, sau khi nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng và giảm xuất khẩu khiến giá nhiên liệu tăng mạnh, các hãng tàu vẫn đang bị lỗ trong khi số lượng tàu thì ngày càng tăng.
Sự cố con tàu là một lời cảnh báo về sự mong manh của chuỗi cung ứng. Trong tương lai khi những tuyến đường biển bị gián đoạn, có lẽ cần cẩu, máy đào và tàu kéo là chưa đủ để khắc phục sự cố. Các chính phủ và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ hơn.
Thư Kỳ