Gọi là mối tình câm bởi tình yêu của tài tử, giai nhân không thành hiện thực mà chỉ được lưu giữ bất diệt trong những vần thơ đầy mơ mộng và tha thiết của chàng thi sĩ ấy.

Cô gái Hà thành xinh đẹp hoàn mỹ

Vốn là một trong “tứ đại mỹ nhân” đất Hà thành, có nhan sắc và nổi tiếng, từng làm mê đắm biết bao trái tim của các quý ông học hàm học vị cao, công tử hào hoa, văn nhân - ký giả đa tình..., Đỗ Thị Bính, sinh ra trong một gia đình Hà Nội nền nếp, gia phong tại phố Hàng Đẫy.

"Người đẹp áo đen" Đỗ Thị Bính.

Sinh thời, Bính là cô gái có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, bởi lý do đó mà người đời gọi người đẹp Hà thành này là "người đẹp áo đen”.

Tuy là một trong “tứ đại mỹ nhân” nhưng sinh vào thời loạn, lại chịu ảnh hưởng của nền giáo dục cũ – vẻ đẹp sắc nước hương trời không được coi trọng, nên người đẹp nghiêng thành đất Kinh kỳ có một cuộc sống bình dị như bao người khác.

Tứ đại mỹ nhân đất Hà thành.

Được thụ hưởng nền giáo dục phong kiến cũ, lại giữ những chuẩn mực của một người con gái Hà thành gốc nổi tiếng thanh lịch, vẻ đẹp của một giai nhân sắc nước hương trời ấy bao gồm đầy đủ những phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh, sự trầm tĩnh, khôn khéo, dịu hiền mà trí tuệ.

Chính vẻ đẹp trong sáng và thuần khiết ấy của cô Bính đã khiến cho chàng thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đắm say nao lòng. Cô Bính từ đó cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong những sáng tác thơ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh này.

Và mối tình câm với chàng thi sĩ đa tình

So về tuổi tác, Nguyễn Nhược Pháp hơn cô Bính 1 tuổi. Chàng thư sinh nhỏ bé, yếu đuối không biết tự bao giờ đã mê đắm cô tiểu thư Đỗ Thị Bính. Sắc đẹp của người con gái ấy đã làm ngẩn ngơ cả tâm trí chàng thi sĩ điển trai nhưng gầy gò Nguyễn Nhược Pháp, đến mức, cả trong thơ, chàng cũng không kìm được tiếng thốt nhớ nhung: "mê nàng bao nhiêu người làm thơ”…

Khi ấy, Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo L’Annam nouveau. Gần như không có ngày nào là chàng thi sĩ ấy không tìm cách đi qua nhà người đẹp, để được nhìn thấy nàng cho khuây khỏa nỗi thương nhớ.

Cô Bính dường như biết chắc được tình cảm của chàng thư sinh tên Nhược Pháp ấy dành cho mình. Bởi vậy, đã nhiều lần, hai người trao đổi, trò chuyện với nhau khi chàng thi sĩ kiếm cớ dạo qua hàng rào cây tầm xuân nhà nàng.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Tuy nhiên, những nhớ nhung, yêu thương ấy, đã không thể bộc lộ bởi cả nhà thơ và cô Bính đều chỉ biết lưu giữ tình cảm của mình như một bí mật riêng. Người con gái xinh đẹp nức tiếng đất Hà thành ấy giấu yêu thương qua những lần đợi chờ được nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của ai đó thấp thoáng sau hàng rào. Còn chàng thi sĩ đa tình chỉ biết gửi gắm tình yêu qua những vần thơ trong sáng.

Nhưng sự đời vốn dĩ không như ý muốn, tình yêu đẹp bao giờ cũng nhiều ngang trái. Mối tình câm thầm lặng của chàng thi sĩ với giai nhân, cuối cùng cả 2 gia đình đều biết. Trong lúc đó, gia đình của Nguyễn Nhược Pháp lại gặp cảnh tai ương, toàn bộ gia sản bị mất trắng. Nếu xét về môn đăng hộ đối, quả nhiên Nguyễn Nhược Pháp không thể sánh đôi được với Đỗ Thị Bính.

Mặt khác, lòng tự trọng của Nguyễn Nhược Pháp lớn quá. Ông không dám mơ cao sang với một tiểu thư khuê các, có danh phận. Biến cố lớn của gia đình đã làm những mộng mơ về mối tình với người con gái kia không còn lối thoát và đành chôn vùi mãi mãi…

Nguyễn Nhược Pháp đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì bệnh lao vào năm 1939. Sau khi nhà thơ mất được một năm, mối tình đầu không thành, gia đình thuyết phục cô Bính lấy một chàng kỹ sư phong lưu mã thượng học ở Pháp về, tên Bùi Tường Viên.

(Theo MASK)