- Các chuyên gia dự hội thảo nghiêng về phương án chuyển mọi biện pháp xử lý hành chính sang cho tòa án xem xét thay cho giáo dục tại chỗ hay cưỡng chế đưa vào trường giáo dưỡng như lâu nay. Lý do: biện pháp giáo dục tại chỗ gần như không khả thi.
Ngày 29/8, ban soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tổ chức hội thảo ở Hà Nội góp ý kiến về một số vấn đề đang vướng khi xây dựng dự án luật. Luật này quy định về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính.
Mọi việc phải được đưa ra tòa
Một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là có nên giao tòa án cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Vi phạm về ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn có thể sẽ bị xử phạt cao hơn. Ảnh minh họa: Lê Nhung |
Trưởng phòng tư pháp một quận lớn ở TP.HCM chia sẻ, từng nhiều năm là thành viên trong các hội đồng xử lý vi phạm hành chính, ông quan sát thấy con số tái phạm luôn trên 30%, thậm chí nhiều nơi 60 - 70%.
Theo ông, việc đưa người về giáo dục tại chỗ ở xã, phường không mấy khả quan và thực tế hiện nay đang bị buông lỏng. Bởi lẽ, cán bộ tư pháp cơ sở rất ít, lại phải làm nhiều việc nên không có ai đứng ra lập hồ sơ cũng như giám sát quá trình cải tạo. Vì vậy, nếu đơn thuần đưa người về giáo dục tại chỗ thì các hành vi nhắc nhở nhẹ nhàng không đủ sức răn đe.
Quan điểm của vị trưởng phòng tư pháp là vừa phải đẩy mạnh giáo dục cộng đồng (nhất là với trẻ vị thành niên), nhưng mặt khác pháp luật cũng phải nghiêm minh, mọi việc nên đưa ra xử lý tại tòa hành chính.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng khi đụng chạm đến vấn đề hạn chế quyền tự do công dân thì tòa phải ra quyết định.
Hà Nội, TP.HCM phạt nặng hơn
Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng với cùng một hành vi vi phạm trong giao thông, môi trường, trật tự quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.
Lý do được ban soạn thảo đưa ra là ở các đô thị lớn, tình hình diễn biến phức tạp, vi phạm hành chính xảy ra nhiều hơn. Các hình thức xử lý thời gian qua vẫn chưa đủ sức răn đe. Thực tế, năm 2010, Chính phủ đã cho phép hai thành phố lớn được thí điểm mức xử phạt tiền cao hơn trong lĩnh vực giao thông ở nội thành.
Ngoài ra, dự án luật cũng bổ sung một số hình thức xử phạt mới như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, buộc thu hồi số hàng hóa không bảo đảm chất lượng...
Liên quan đến vấn đề đưa người vào các cơ sở khám chữa bệnh, pháp luật hiện hành áp dụng với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã giáo dục ở địa phương mà vẫn tái phạm.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc đưa các đối tượng này vào cơ sở khám chữa bệnh là không cần thiết, đối tượng thường tìm mọi cách để trốn tránh, che giấu sao cho không bị xử lý. Công ước về phòng, chống ma túy khuyến nghị không áp dụng hình phạt tù hoặc tước đoạt quyền tự do với người nghiện mà chỉ áp dụng các biện pháp điều trị, phục hồi và tái hòa nhập. Còn mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết bằng các giải pháp kinh tế, xã hội như hướng nghiệp, dạy nghề...
Do vậy, ban soạn thảo dự kiến sẽ bỏ hình thức xử phạt như trên.
Dự kiến, dự án luật sẽ được Thường trực Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra vào hôm nay (30/8), và cuối năm nay sẽ được trình Quốc hội.
Lê Nhung