- Đã 3 ngày qua, bà Bùi Thị Cúc, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) mẹ của nạn nhân Nguyễn Thanh Cương (mất tích trong vụ thi công hầm thủy điện La Hiêng 2), buồn bã hết ngồi lại nằm, nằm mỏi bà ra phía sau hè dựa lưng vào vách hậu thất thần ngóng tin con.
Chờ xác nổi
Vào lúc 20h30 ngày 26/9, nước tràn vào hầm công trình thủy điện La Hiêng 2, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân làm 03 người (02 công nhân người Phú Yên và 01 người nước ngoài) đang làm việc trong hầm mất tích.
Nạn nhân gồm: Nguyễn Công Linh (SN 1987, xã Xuân Quang 1, Đồng Xuân, Phú Yên); Nguyễn Thanh Chương (SN 1990, xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân, Phú Yên); Zhu Ming Shu, 51 tuổi, quốc tịch Trung Quốc.
Từ khi xảy ra sự việc đến nay bà Cúc không muốn ăn uống gì. Nhiều người hàng xóm qua nhà bà hỏi thăm chờ tin tức. Bà Cúc nấc nghẹn nói: "Tôi bị bệnh bướu cổ hay bị xỉu, đi Sài Gòn khám vừa về, nó (Chương) ở trên núi gọi điện về hỏi má đỡ chưa…?.
Bà Bùi Thị Cúc nấc nghẹn trông chờ cứu hộ tìm xác con |
Mới hôm trước thì hôm sau cả nhà nghe tin dữ. Tôi bủn rủn hối ba và anh trai nó lên đó xem sao. Đến nơi anh trai nó gọi điện về nói nước trong hầm lênh láng không ai vào được".
Anh Nguyễn Hữu Thăng, con trai bà Cúc (anh ruột của Khương) ở trên thuỷ điện gọi về cho đứa em gái than vãn, nước trong hầm nhiều quá, không biết khi nào máy bơm hút cạn được. Em gái anh Thăng “thường thuật” lại cho mẹ và nhiều người trong xóm nghe.
Nghe xong ai cũng thở dài bàn tán: thường chết nước ba bữa đầu chìm, ba bữa sau nổi. Hôm nay ngày 29, đúng 3 bữa rồi.
Nhiều người đến nhà ông Nguyễn Long thăm hỏi, chia buồn. |
Mấy ngày qua, anh Thăng xuống chỗ cửa hầm thủy điện ngồi theo dõi lực lượng cứu hộ bơm thoát nước. Ngồi ở gần cửa hầm thật lâu, anh lên trên đồi nhìn xuống.
Ông Nguyễn Long, cha ruột của Chương đi chân gỗ bước thấp bước cao lần theo “biển người” đang có mặt tại công trình di chuyển từ điểm này sang điểm khác trông chờ vào lực lượng cứu hộ.
Bà Cúc bị bệnh bứu cổ nghe tin con thỉnh thoảng ngất xỉu |
Ông Long phân trần: Nhiều người sống gần khu vực này lâu năm đoán, nước ở đây mùa này khó rút được vì nơi này là khu vực thượng nguồn giáp ranh tỉnh Gia Lai.
Phía bên trong là hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ Hà Đan mỗi lần mưa to, nước đổ xuống chảy về Suối Mun, suối Chín Bếp, suối La Hiên tất cả đổ dồn về đây nên nước khó rút.
"Mong sao cứu hộ sớm tìm xác con tôi để xác không bị rữa về nhà chôn cất" -, ông Long nói.
Còn ông Nguyễn Đức Danh - cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Linh đau xót, không ngờ sự việc xảy ra nhanh quá trong sự chứng kiến của ông.
Tại khu vực thủy điện La Hiêng 2, lực lượng chức năng triển khai phương án cứu hộ |
Ông Danh kể, hai cha con cùng làm công nhân ở công trình thủy điện La Hiêng 2. Khoảng 8 giờ tối ngày 26/9, tôi lái xe tải chở đá từ trong đường hầm ra thì mực nước ngoài đập tràn vẫn bình thường, lúc đó con tôi chạy xe vào hầm.
Nhưng khoảng 20 phút sau, khi tôi quay đầu xe vào hầm thì phát hiện nước lũ dâng nhanh và lập tức kêu la. Lúc này, ông Wei Ping (người Trung Quốc) phát tín hiệu thông báo trong hầm và hạ cửa van đường hầm.
Nhận thông báo, ông Tâm (cán bộ kỹ thuật) cho hạ cửa nhận nước nhưng không được. Cho đến khi một kỹ thuật viên người Trung Quốc điều khiển đóng được cửa van hầm thì nước lũ đã dâng quá cao.
Nỗ lực tìm kiếm
Sáng ngày 29/9, hàng trăm người dân và thân nhân các nạn nhân tập trung trước cửa đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiên 2 chờ lực lượng cứu hộ bơm hút nước tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Thiếu tá Võ Đình Minh, phụ trách kỹ thuật tìm kiếm cứu nạn thuộc Phòng Cảnh sát PCCC cứu hộ, cứu nạn Công an Phú Yên cho biết, do thiếu không khí, hầm có độ dốc cao nên lực lượng cứu hộ chỉ vào sâu được khoảng 400m so với 1.706m đường hầm, dùng 5 máy bơm tổng công suất 360m3/giờ, hút nước liên tục từ đêm ngày 27 đến nay vẫn còn khoảng 10.000m3; trong khí đó, các mạch nước ngầm vẫn liên tục chảy vào bên trong gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Tại hiện trường, đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cho biết, lực lượng cứu hộ khẩn trương lắp đặt hệ thống thông hơi, thông gió bảo đảm an toàn cho cứu hộ và cho các máy bơm hoạt động hết công suất, phấn đấu hoàn thành trước 16 giờ ngày 29/9.
Thuê lực lượng có nghiệp vụ đưa thi thể các nạn nhân ra khỏi hầm và cùng với gia đình tổ chức mai táng; làm đê bao quanh khu vực miệng hầm để đề phòng mực nước dâng trở lại…
Đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 có chiều dài 3.636m, được thi công đấu nối hai đầu giáp nhau. Phía bên xảy ra tai nạn đã thông 1.706m, phía bên kia thông 1.863m. Theo chủ đầu, chỉ còn khoảng 100m là thông tuyến đường hầm. Nhà máy này do Công ty VRG Phú Yên (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư, đang trong quá trình xây dựng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) với công suất 18MW, tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng. |
Mạnh Hoài Nam