Tôi và mẹ |
Tám năm trước, mẹ tôi chuẩn bị bước sang tuổi thất thập, tức là tuổi con cháu đã có thể làm lễ mừng thọ cho ông bà. Nhưng mẹ tôi đâu có được niềm hạnh phúc ấy. Nhà tôi neo người, tôi lại ốm đau suốt nên không thể tổ chức gì cho mẹ. Chính vì thế ngày mừng thọ mẹ, tôi càng thêm chạnh lòng thương mẹ nhiều hơn.
Thực ra, mẹ không có ngày tháng năm sinh cụ thể vì thời các cụ ngày xưa đâu quan tâm đến chuyện đó. Miếng ăn còn chẳng đủ no, làm sao nghĩ đến điều gì khác. Mẹ chỉ nghe bà kể lại theo trí nhớ mang máng là sinh mẹ ra vào năm có nhiều người chết đói nhất nên áng chừng đó là năm 1945.
Thời còn đi học, tôi rất vô tâm, khờ dại, thường xin tiền mẹ tổ chức sinh nhật mình, còn sinh nhật mẹ là ngày nào thì chưa bao giờ nghĩ đến. Tới khi trưởng thành ý thức được điều đó, thì đã muộn. Các ngày lễ Tết như 8/3, 20/10, tôi cũng đành chịu, bởi lúc này, tôi ốm đau, bệnh tật triền miên, không tiền bạc, không phương tiện, không cả khả năng giao tiếp, đi lại, sao có thể làm được gì cho mẹ.
Hơn nữa lúc này, mẹ cũng già quá rồi, không còn nhiều nhu cầu nữa. Ăn ít, quần áo đơn giản, mặc đi mặc lại từ năm này sang năm khác, thậm chí có những bộ tôi mua cách đây 20 năm mẹ vẫn giữ. Còn nếu được đi đâu chơi, mẹ thường bảo: "Con như thế này, mẹ có đi cũng chẳng thấy vui!".
Nỗi lòng mẹ lúc nào cũng canh cánh một điều vì tôi. Mong ước duy nhất của mẹ là tôi mạnh khỏe, nhưng tôi lại không làm được.
Lần này, mừng thọ mẹ, tôi muốn tự tay làm một việc gì đó thật đặc biệt. Vì thế ngay từ đầu năm tôi đã cố gắng chắt bóp chút tiền bạc ít ỏi từ khoản nhuận bút của những bài báo đầu tiên. Sau đó nhờ em hàng xóm chở đi mua một tấm hình chữ "Thọ". Thời gian ấy đang có phong trào thêu tranh chữ thập, nghe nói cách thêu nhanh, dễ dàng, mà lên tranh lại đẹp nên tôi rất hăm hở, dạt dào hi vọng.
Nhưng đến khi tôi tiếp xúc thực tế thì lại không phải như vậy. Với đôi bàn tay vụng về của mình, tôi mất 6 tháng mới hoàn thành một bức tranh chỉ nhỉnh hơn quyển lịch treo tường một chút, trong khi với người thành thạo thì rất đơn giản, thêu khoảng 1 tháng là xong.
Quá trình thêu, tôi gặp bao nhiêu khó khăn, nào rối chỉ, nào sai chiều kim, nào phạm vải, nào lẫn màu sắc… nhiều lần phải thêu đi thêu lại, tháo ra tháo vào. Có lúc tôi cáu, giận, thất vọng về mình đến phát khóc. Thêm nỗi lo về con mắt còn lại của tôi. Vì phải tập trung cao độ vào những ô vuông nhỏ như con kiến trong nhiều ngày nên nó đau nhức, mi mắt giật liên tục khiến tôi thực sự nản chí, muốn buông xuôi. Chỉ hình ảnh rạng rỡ của mẹ khi đón nhận món quà này mới giúp tôi đủ cố gắng để tiếp tục thực hiện. Đây là cơ hội để tôi báo đáp tấm lòng mẹ, nhất định không được từ bỏ.
Bức tranh tôi thêu tặng mẹ. |
Đến lúc thêu xong, nhìn lại bức tranh, tôi lo thắt ruột thắt gan. Nhiều chỗ có vết mốc đen do thời gian thêu vào mùa hè, lại làm lâu nên không tránh khỏi mồ hôi tay dính vào. Mặt sau vải thì chằng chịt các nút thắt, lỗ thêu to do siết chỉ mạnh, thỉnh thoảng có chỗ thay vì đâm chỉ vào ô tôi lại đâm qua thớ vải. Tóm lại bức tranh của tôi rất xấu, rất vụng, không một người thợ thêu chuyên nghiệp nào chấp nhận được.
May sao khi giặt kĩ bằng xà phòng, mang ra hàng căng lên khung, rắc nhũ vào, đã che giấu được những khuyết điểm của bức tranh nên nhìn cũng tạm ổn. Ngày chồng hớn hở mang tranh về, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bao công sức của tôi cuối cùng cũng đến ngày hái quả. Mẹ tôi dù không nói ra nhưng nét mặt vui tươi, hạnh phúc lắm. Nó được treo trang trọng ở phòng khách, ai đến mẹ cũng tự hào khoe con gái thêu đấy.
Từ ngày đó đến giờ, bức tranh thêu chữ Thọ vẫn là món quà ý nghĩa nhất tôi tặng mẹ. Mắt tôi giờ đây không bao giờ có thể làm được điều gì khác nữa, ánh sáng trong trẻo tinh khiết đã vĩnh viễn rời bỏ tôi đi, chỉ còn lại nét mờ mờ, đục đục nên tôi càng trân quý nó - bức tranh vô giá của tôi!
Độc giả Dư Phương Liên
Thầy giáo Toán yêu tha thiết người vợ mù điếc, chăm sóc suốt 15 năm
15 năm qua, chị bị hỏng mắt, hỏng tai nhưng anh vẫn luôn ở bên chăm sóc, yêu thương như ngày chị còn là một cô giáo xinh đẹp, trẻ trung.