Do sự khác biệt về thời tiết, phong tục tập quán mà mỗi vùng miền đều có những món ăn ngày Tết đặc trưng với hương vị khó quên.

Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống người Việt vì đây là dịp người thân đoàn tụ, những người con xa xứ trở về quê sau một năm tha hương, là dịp bạn bè gặp gỡ hàn huyên, dịp để thăm viếng nhau khi công việc tạm rảnh rỗi. Vì vậy, việc chuẩn bị những món ăn ngày Tết vô cùng quan trọng.

{keywords}

Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau. Đầu tiên là bánh chưng xanh được gói bằng thứ gạo nếp thơm dẻo với màu xanh mướt mắt. Bánh chưng xanh thường ăn với dưa hành, vừa làm tăng hương vị, lại “chống” ngán. Kế đến là thịt đông - món ăn khá lạ lùng: vốn nguội lạnh, lại ăn trong tiết trời lạnh giá và kèm với dưa cải chua mới ngon. Ngoài ra, còn có đĩa xôi ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: nào giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước. Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị.

{keywords}

{keywords}

Người miền Trung chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ nên món Tết được chăm chút kỹ lưỡng. Miền Trung không có bánh chưng mà là bánh tét, được gói bằng lá chuối theo hình trụ, ăn với dưa món (củ cải, cà rốt, dưa leo ngâm trong nước mắm đường). Nhiều món nguội như chả, nem chua, tré, hay gỏi. Đặc biệt, mâm cỗ Huế không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp.

Món ăn Tết miền Nam vô cùng phong phú. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp); bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hay nhân chuối); bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô…), đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc. Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi ăn mới không khô, kho với trứng vịt và nước dừa xiêm, miếng thịt mềm rục mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua.

{keywords}

Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống. Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.

Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.

(Theo PNO)