Sáng nay (9/1), Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Toạ đàm.

Đồng chủ trì và điều hành Toạ đàm có TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo PLVN; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Buổi Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. 

Screenshot at Jan 09 12 52 58.png
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HC

Qua đó, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.

Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận sâu về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí để xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam, cũng như chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới...

Theo ý kiến của chuyên gia Kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Nếu ta không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình”.

Screenshot at Jan 09 12 52 32.png
Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Ảnh: HC

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu cho rằng: Nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật. 

Kết thúc tọa đàm, Tiến sỹ Vũ Hoài Nam cám ơn những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nhân trong buổi tọa đàm. Ông cho rằng, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế…

Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.

Theo Tiến sỹ Vũ Hoài Nam, đây là diễn đàn để lắng nghe, là bước cụ thể hóa Nghị quyết 41, nhằm thúc đẩy hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.