LTS: Lần đầu tiên, Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, vào ngày 27/4. Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn nhanh với Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Pháp lý Thành phố Hồ Chí Minh, người tham dự hội thảo, về cảm nhận về cuộc hội thảo này. Ngoài ra, cũng có thêm hai bình luận của hai học giả khác là Jonathan London và Phạm Hoàng Quân.
Mời báo nước ngoài đưa tin triển lãm Hoàng Sa của Việt Nam
Làm rõ chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa
Tại sao Hội thảo lần này lại tổ chức tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng?
Vì trường đại học này ở thành phố Quảng Ngãi, nhân dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tối nay, 27/4, (kết thúc hội thảo) các đại biểu được mời tham dự lễ hội khao thề thế lính, để hiểu hơn một nét văn hóa bắt nguồn từ lịch sử - bắt nguồn từ các hải đội Bắc Hải kiêm quản Hoàng Sa.
Còn ngày 28/4, họ sẽ được thấy tận mắt trên Lý Sơn, và những gì họ thấy tận mắt sẽ thuyết phục các học giả quốc tế rất nhiều về chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Có chừng bao nhiêu học giả Việt Nam và quốc tế tham dự?
Có gần 20 học giả quốc tế và hơn 30 người học giả Việt Nam. Tất nhiên, số lượng tham dự thì đông hơn nhiều.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam mấy năm gần đây có hội thảo của Học viện Ngoại giao kết hợp với Hội Luật gia và hội thảo gần như khép kín của Đại học Quốc gia. Với tư cách người dự hội thảo của Học viện Ngoại giao và hội thảo lần này, ông thấy có gì khác nhau?
Hội thảo lần này có 2 phiên, sáng và chiều, diễn ra trong ngày 27.4.
Phiên sáng tập trung vào khía cạnh pháp lý của tranh chấp Biển Đông nên tập trung nhiều học giả quốc tế, tất nhiên cũng có một vài học giả trong nước, cũng giống như hội thảo của Học viện Ngoại giao.
Còn phiên chiều tập trung về lịch sử, nên toàn các học giả trong nước, có cả học giả nước ngoài gốc Việt.
Chẳng hạn như Hồ Bạch Thảo (học giả Mỹ), chuyên nghiên cứu về cổ sử, Nguyễn Trọng Bình (Mỹ), hay Ngô Vĩnh Long (Mỹ).
Ta quay lại phiên buổi sáng. Các chứng cứ pháp lý có gì mới hơn so với hội thảo Học viện Ngoại giao?
Chủ yếu các chứng cứ pháp lý là do các học giả Việt Nam đưa ra. Còn các học giả nước ngoài lại tập trung bàn về tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp như thế nào trong thời gian gần đây, và hướng tiến triển ra sao...
Nhận định của họ về xu hướng tiến triển như thế nào?
Rất khác nhau. Điểm duy nhất họ thống nhất với nhau là tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông quá lố, đặc biệt là “đường lưỡi bò”.
Chẳng hạn, Giáo sư Ngô Vĩnh Long vào buổi sáng có nói là nếu như vẫn còn “đường lưỡi bò”, như Trung Quốc yêu sách, thì khó có thể duy trì hòa bình và hợp tác trên Biển Đông được.
Tức là “quả bóng trong chân Trung Quốc”?
Đúng vậy.
Ngoài ra, cũng có các tham luận của các học giả từ Mỹ, hay Ấn Độ, đặc biệt là ảnh hưởng của Ấn Độ thế nào.
Có học giả đánh giá rất cao vai trò của Philippines trong việc theo đuổi vụ kiện đó. Đó là Giáo sư Carl Thayer, đọc tham luận về vụ kiện của Philippines và ảnh hưởng đối với Việt Nam.
Cử tọa đón nhận tham luận đó thế nào?
Có chứ, họ tranh luận khá nhiều. Giáo sư Thayer chủ yếu đánh giá về quan hệ quốc tế, nên cử tọa cũng tranh luận về xu hướng tiếp theo sẽ như thế nào.
Còn buổi chiều là “sân chơi riêng” của các học giả Việt Nam?
Đúng là học giả quốc tế không hiểu về lịch sử, nhất là cổ sử, Việt Nam, nên họ không đọc tham luận, nhưng lại hỏi rất nhiều.
Chẳng hạn, GS Thayer hỏi về những tài liệu nào chứng minh người Việt xuất hiện trên các quần đảo trên vùng Biển Đông.
GS Nguyễn Quang Ngọc và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Phạm Hoàng Quân đã có phản hồi. Họ nói rằng vùng Biển Đông trước đây không phải chỉ riêng người Trung Quốc, hay người Việt, mà ngư dân của nhiều quốc gia trong khu vực đã cùng xuất hiện. Thế nhưng, sự xuất hiện của ngư dân thuần túy không đem lại chủ quyền cho một quốc gia.
Vẫn xin hỏi lại ông, điểm khác biệt lớn nhất của hội thảo lần này so với các hội thảo của Học viện Ngoại giao?
Các hội thảo của Học viện Ngoại giao bao hàm rất nhiều lĩnh vực, chính vì vậy các quan điểm về lịch sử, về chủ quyền của Việt Nam được đề cập khá mờ nhạt.
Thế nhưng, hội thảo lần này, ngay cả tên gọi của nó cũng nói lên vấn đề “Chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khía cạnh lịch sử và pháp lý”. Các sử gia Việt Nam có điều kiện để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về bằng chứng xác lập chủ quyền của Việt Nam như thế nào trong quá khứ.
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi, bản thân cũng là người nghiên cứu, đã cung cấp thông tin về tờ sắc chỉ ngày xưa, hay các tờ lệnh của hải đội Hoàng Sa ở vùng Lý Sơn.
Hay GS Nguyễn Quang Ngọc đã cung cấp khá nhiều thông tin về các Chúa Nguyễn, rồi các Vua Nguyễn, thực thi chủ quyền thông qua đội Bắc Hải kiêm quản Hoàng Sa…
Hội thảo này sang năm có tiếp tục không?
(Cười) Không rõ. Tôi cũng chỉ là khách mời.
Xin cảm ơn ông.
Jonathan London (Mỹ), Giáo sư Đại học Hongkong
Hội thảo hôm nay rất thành công, ở 2 lý do. Thứ nhất, có rất nhiều bằng chứng liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; thứ hai là thảo luận việc tiếp theo nên làm gì trong tình hình hiện nay.
Theo tôi, điều cốt yếu của Việt Nam hiện nay phải làm là khai thác sự ủng hộ của quốc tế. Đặc biệt, vấn đề quảng bá thông tin ở Việt Nam, đặc biệt lịch sử Việt Nam liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa ở Đông Nam Á, một cách hợp lý và hiệu quả nhất. Việt Nam có một ưu thế rất lớn với Trung Quốc là có rất nhiều bằng chứng có lợi so với Trung Quốc, và để đạt hiệu quả như vậy, Việt Nam sẽ cần phải áp dụng một cách tiếp cận đúng.
Việt Nam rất cần có sự ủng hộ này trong cuộc chiến với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, bởi các hành vi của Trung Quốc hoàn toàn phi lý…
Người dân xem triển lãm Hoàng Sa
Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu thư tịch cổ Việt Nam
Có một ý tôi định nói, nhưng đã hết giờ thảo luận, nên không nói kịp. Đó là một học giả người Mỹ có nói rằng sử liệu Việt Nam trình bày rất hấp dẫn, rất nhiều, nhưng hình như ít được hiểu, ít được biết đến trên bình diện quốc tế.
Tôi định bổ sung ý của tôi là cách mình diễn đạt sử liệu phải làm sao dễ hiểu, và quan trọng là đúng theo “format” của phương Tây. Theo tôi, một khi người nước ngoài nói vậy, tức là quá trình chuyển ngữ của Việt Nam còn ít quá, và chưa xử lý sử liệu theo kiểu hiện đại để tạo được sự chú ý mạnh của giới học giả nước ngoài.
Thứ hai, mình phải nghĩ cách truyền bá sử liệu thế nào cho hiệu quả. Đó là hai việc mà tôi cho là quan trọng nhất trong hội thảo lần này, để mình có hướng đi tiếp tục.
Một thành công nữa của cuộc hội thảo lần này là do cách nêu vấn đề thẳng thắn của các học giả ngoại quốc nên bầu không khí tranh luận rất sôi nổi, và giúp mình nhìn ra nhiều vấn đề mình không tự nhìn ra.
Ví dụ, một học giả Philippines có nói rằng ông, nói chuyện ở các nơi trên thế giới, nhấn mạnh một điều rằng Philippines không tham khảo chiến lược của Mỹ trong việc theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Ông ta nói Philippines không tham khảo chiến lược của Mỹ, không nhập vũ khí chỉ từ Mỹ, và không lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ông coi “ba không” đó thực chất là một cái bẫy chính trị, mà Trung Quốc muốn hướng dư luận quốc tế vào để đánh lạc hướng.
Chính vì vậy, quan trọng nhất, điểm mà Philippines hướng đến là công pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982. Ông ta nói chủ trương của Philippines là như vậy, và Trung Quốc “hết cửa”…
Huỳnh Phan